Một số vấn đề đặt ra với Hà Nội sau 3 ca nhiễm COVID-19 mới
BVR&MT – Tại địa bàn thành phố đã có hiện tượng lây nhiễm thứ phát (F1 chuyển thành F0), các ca mắc hầu hết được phát hiện tại các bệnh viện (8/10 ca).
Liên tiếp trong những ngày gần đây Hà Nội có những ca nhiễm bệnh từ cộng đồng: BN962, BN969, BN 979, trong đó hai ca xét nghiệm có kết quả dương tính với virus SARS CoV2 sau khi đã từng có kết quả PCR âm tính, và 1 ca nhiễm thứ phát (BN969) là F1 của BN962 với tình hình dịch tễ và di chuyển phức tạp khiến người dân Thủ đô không khỏi lo lắng.
Theo BCĐ phòng chống dịch, ưu điểm rất lớn của Việt Nam chính là truy vết các F1, F2 của ca nhiễm (F0) nhờ đó mà kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
Hà Nội vốn là một địa phương có thể nói đi đầu trong việc này, nhất là khi dịch khởi phát ở Thủ đô bắt đầu từ BN17, ổ dịch bệnh viện Bạch Mai, ổ dịch Mê Linh…
Khi dịch bùng phát ở Đà Nẵng và ”hứng đón” hơn 80.000 người du lịch từ đó trở về Thủ đô, chính quyền Hà Nội cũng đã xử lý khá kịp thời, đến từng khu phố, kiểm đếm từng nhà, báo cáo từng phường, quận, huyện lên thành phố… tiến hành xét nghiệm khá quyết liệt.
Những tưởng là tình hình êm an, tuy nhiên việc xuất hiện của 3 ca bệnh mới đây của Hà Nội đã cho thấy những lỗ hổng rất lớn trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt là truy vết.
Ngày hôm qua 17/8, tại cuộc họp của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh đã đưa ra những nhận định hết sức đúng đắn và cũng rất đáng lo ngại: “Tại địa bàn thành phố đã có hiện tượng lây nhiễm thứ phát (F1 chuyển thành F0). Các ca mắc hầu hết được phát hiện tại các bệnh viện (8/10 ca).”
Theo ông Hạnh, “Hà Nội là nơi có nhiều bệnh viện lớn của Trung ương cũng như thành phố và thường xuyên có lượng lớn người dân từ các tỉnh thành khác về khám chữa bệnh nên nguy cơ dịch xâm nhập từ các tỉnh thành khác vào là rất cao. Đồng thời, việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của người dân trong đợt này không bằng đợt dịch trước, nhất là tại các nhà hàng, quán ăn…”
Vị Phó Giám đốc Sở Y tế nhận định: “Nguy cơ dịch bệnh xuất hiện và lây lan từ các bệnh viện và các cơ sở nhà hàng trong thời gian tới là rất cao.”
Thực ra nguy cơ không phải trong thời gian tới mà là đã, đang xảy ra rồi, vì có đến 8/10 ca của Hà Nội là được phát hiện ở bệnh viện, khi họ đi khám.
Đáng ngại hơn, có những ca đã vòng vèo qua nhiều bệnh viện trước khi được xét nghiệm PCR cho dù họ đã có triệu chứng và có tiền sử đi Đà Nẵng.
Đặc biệt nghiêm trọng là nhiều ca đã cho kết quả PCR âm tính trước đó đột nhiên lại trở thành dương tính (BN962), thậm chí có ca phải xét nghiệm đến lần thứ 3 mới cho kết quả dương tính. Chưa hết, đã có nghi ngờ ca lây nhiễm từ chính trong quá trình đi xét nghiệm, như trường hợp BN962 và BN812. Điều này cho thấy một số điểm đáng lưu ý:
Điểm đầu tiên, công tác xét nghiệm chung của bệnh viện để để tránh lây nhiễm chéo là chưa tốt. Việc sắp xếp các bệnh nhân đi xét nghiệm chung một phòng không có cách ly là chưa hợp lý, chưa được cẩn trọng trong phòng chống dịch.
Điểm thứ hai là ý thức người dân còn chủ quan, ngay cả với người đã đi Đã Nẵng, vào viện vì sốt và xét nghiệm để test mình có bị bệnh hay không, nhưng vẫn không có phòng bị cách ly an toàn, để tránh lây nhiễm cho người khác (nếu bị bệnh) hoặc tránh lây nhiễm cho bản thân.
Trong thời gian cách ly không thực hiện nghiêm túc các yêu cầu cần thiết, vẫn có tiếp xúc gần và không dùng khẩu trang…
Điểm thứ ba là công tác truy vết, thông báo cho F1 của bệnh viện, CDC Hà Nội là có sơ hở. Khi BN812 có kết quả dương tính, trong qua trình truy vết F1 đã bỏ lọt bệnh nhân cùng phòng. Điều này dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng, mà cho đến nay may mắn là hiện ca lây nhiễm cùng phòng này (BN962) mới chỉ lây nhiễm cho 1 ca khác (BN969).
Nếu BN962 được thông báo sớm về BN812 ngay khi CDC có kết quả dương tính của ca bệnh này và được đưa đi cách ly tập trung thì sẽ không dẫn đến có hai F1 là hai đồng nghiệp (tiếp xúc vào sáng và trưa 8/8) dẫn đến có thêm ca bệnh 969.
Trên nguyên tắc, F1 phải được cách ly tập trung, nhưng BN962 đã ”nhởn nhơ” ngoài vòng cách ly này từ 8-14/8 là 6 ngày và chỉ khi thấy có dấu hiệu bệnh, tự đi khám mới được phát hiện bệnh.
Rất may mắn là BN962 dù trước đó ngày 4/8 đã có kết quả test PCR âm tính và qua 14 ngày từ Đà Nẵng về, nhưng theo yêu cầu của TPBank, nơi bệnh nhân này làm việc, thì thời gian cách ly là 21 ngày nên vẫn đang tiếp tục thực hiện cách ly ở nhà.
Dù việc thực hiện cách ly của bệnh nhân chưa nghiêm túc, nhưng nếu trước đó BN962 đi làm trở lại, tương tự như trường hợp BN979 vừa được công bố sáng18/8, thì việc truy vết sẽ vô cùng khó khăn và hệ lụy lây nhiễm là không thể nào hình dung hết.
Trước thực tế các điểm cần lưu ý nói trên, người dân Thủ đô mong rằng chính quyền Hà Nội, các cơ quan chức năng, bệnh viện, CDC… có sự sát sao, chặt chẽ hơn trong việc phòng chống dịch, đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm cộng đồng từ các bệnh viện, nhà hàng, quán bar đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.
Sau ca bệnh thứ 11 của Hà Nội – bệnh nhân ở quận Tây Hồ vừa được công bố sáng 18/8 (BN979), vấn đề được đặt ra ở đây là việc kiểm soát, tuyên truyền cách ly, thời gian cách ly của các ca trở về từ Đà Nẵng (dù đã có kết quả PCR âm tính) của ngành y tế và địa phương cần được thay đổi và nâng lên một nấc mới.
Giải quyết được những vấn đề nêu trên sẽ góp phần rất lớn trong việc nâng cao hiệu quả kiểm soát, phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Hà Nội, cũng như ở các địa phương trên cả nước.