BVR&MT – Bộ TN&MT vừa có Văn bản số 2333/BTNMT-PC gửi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về trả lời các kiến nghị của nhân dân được nêu trong các Báo cáo của Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực – Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong đó có nội dung về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; đất tại các Công ty nông, lâm nghiệp, các Ban Quản lý rừng, vườn quốc gia, khu bảo tồn.
Theo Bộ TN&MT, việc quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, bảo vệ diện tích đất trồng lúa, đất rừng là luôn được Đảng, Nhà nước chú trọng nên mặc dù phải chuyển dịch diện tích lớn sang các mục đích sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng,… nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp ngày một tăng, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đối với đất có nguồn gốc của các nông, lâm trường Bộ Chính trị đã ban hành 2 Nghị quyết, Chính phủ đã ban hành đồng bộ hệ thống văn bản để quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Năm 2015, Quốc hội đã tổ chức giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh. Trên cơ sở phân tích, đánh giá những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân hạn chế, bất cập, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 112/2015/QH13 yêu cầu Chính phủ thực hiện 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tăng cường hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng đất đai và nguồn tài chính, tài nguyên quốc gia thuộc các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng đất đai có nguồn gốc từ đất nông, lâm trường.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 4/4/2016 về thực hiện Nghị quyết số 112 của Quốc hội; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường thực hiện sắp xếp đổi mới các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp. Các Bộ, ngành Trung ương ban hành các Thông tư và nhiều văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quản lý, sử dụng đất đai và sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh.
Đồng thời, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND các tỉnh đã ban hành Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch, Chỉ thị về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường trên địa bàn. Năm 2018, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề về “Tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh do các Công ty nông nghiệp, Công ty lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng và các tổ chức, hộ giá đình, cá nhân khác sử dụng” nhằm phân tích đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành văn bản, công tác tổ chức thực hiện và những kết quả đạt được so với yêu cầu đặt ra, từ đó, xác định trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan, có những đề xuất nhằm thực hiện tốt hơn công tác.
Để triển khai giai đoạn 2 của Nghị quyết, ngày 7/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng” với mục tiêu: Hoàn thành việc rà soát, xác định nguồn gốc sử dụng đất, phân định ranh giới thực tế của các đối tượng đang sử dụng; xác định cụ thể phần diện tích các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng và phần diện tích phải bàn giao cho địa phương. Xử lý kịp thời các vi phạm về quản lý, sử dụng đất; hoàn thành việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đối với đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường…
Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cụ thể cho từng Bộ, ngành, địa phương hoàn thành các nhiệm vụ chủ yếu của đề án. Theo đó, Bộ TN&MT có trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai thực hiện Đề án; hướng dẫn chuyên môn để các Ban quản lý rừng, Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn thiên nhiên, Kiểm lâm và các bộ phận quản lý rừng có liên quan thực hiện tổng rà soát ranh giới, diện tích các loại đất đang quản lý, sử dụng và xây dựng, phê duyệt, triển khai thực hiện phương án quản lý, sử dụng đất theo mục tiêu chung của Đề án. Chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án trên phạm vi cả nước.
Bên cạnh đó, phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường và giải quyết dứt điểm tranh chấp, khiếu nại về đất đai giữa nông, lâm trường đối với người dân để giải quyết các vấn đề bức xúc xảy ra ở các địa phương. Tổ chức thực hiện các công việc được phân công thực hiện trong Đề án.
Hàng năm, rà soát, tổng hợp nhu cầu khối lượng và kinh phí thực hiện Đề án trên phạm vi cả nước; đề xuất căn cứ xác định và mức kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho các địa phương có khó khăn về ngân sách để hoàn thành nhiệm vụ nêu tại Đề án. Thường xuyên theo dõi và hàng năm tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Đề án; Tổ chức tổng kết Đề án trên phạm vi cả nước trong năm 2024.
Bộ TN&MT đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân để đẩy nhanh việc giải quyết các tranh chấp. Phối hợp với các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về đất đai nói chung và đất đai có nguồn gốc từ các nông trường, lâm trường nói riêng.
Hoàng Tôn (tổng hợp)