BVR&MT – “Tại sao người ta kinh doanh những sản phẩm của dân tộc Mông được mà mình là người dân tộc Mông lại không làm. Tôi không muốn những giá trị văn hóa ẩm thực của dân tộc mình bị mai một. Giải pháp là phải nâng cao được tính thương mại và giá trị cho những sản phẩm truyền thống…”.
Chúng tôi bắt đầu câu chuyện khởi nghiệp của một nhóm sinh viên dân tộc Mông học tập tại Hà Nội bằng chia sẻ đầy nhiệt huyết ấy.
Sinh ra từ làng
Gạo, mật ong, khoai sọ, táo mèo, rau xanh, sắn dây, các loại trà, rượu men lá…- những mặt hàng nông sản do chính dân tộc Mông làm ra – được bày bán khiêm nhường, giản dị giữa Trung tâm triển lãm nông nghiệp (Hà Nội). Nhưng quầy hàng nhỏ bé ấy lại thể hiện nét riêng, rất đặc biệt. Nét riêng biệt ấy được tạo nên bởi bàn tay, khối óc của các bạn sinh viên Mông trẻ tuổi. Dù chưa có nhãn mác đẹp, chưa được đóng gói bài bản nhưng chính cái chân chất, mộc mạc của sản phẩm qua sự giới thiệu của các em sinh viên dân tộc Mông trong những bộ trang phục dân tộc sặc sỡ lại có sức cuốn hút đặc biệt.
Vừ Pát Ly, cậu sinh viên năm thứ 4 trường Đại học Nội vụ Hà Nội được các em sinh viên Mông trong nhóm gọi là “Chủ nhiệm” Câu lạc bộ sinh viên Mông khởi nghiệp. Vừ Pát Ly mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng hoàn cảnh và ý tưởng khởi nghiệp. Ly sinh ra và lớn lên ở bản Huổi Ém, xã Mường Lầm, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La trong một gia đình có 6 anh chị em. Vì hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ đều làm nông nghiệp nên trong gia đình Ly, mỗi Ly là được học đại học, còn anh trai và một người em học hết lớp 9 phải bỏ học.
“Ở bản em còn khó khăn lắm, đất đai cằn cỗi, cha mẹ em và bà con trong bản làm lụng vất vả mà vẫn không đủ ăn. Mẹ em và rất nhiều phụ nữ lớn tuổi trong bản không biết chữ”. Thấm thía cảnh nghèo, Ly đã cố gắng học cái chữ và đỗ đại học. Những năm đầu học tập ở Thủ đô, Ly làm đủ nghề để kiếm tiền trang trải cuộc sống và học tập, từ phụ quán ăn, quán cà phê đến làm phụ hồ…
Sinh sống tại Hà Nội đã vài năm, Ly nhận thấy các sản phẩm nông sản của đồng bào Mông được bán rất nhiều ở Thủ đô. Trong khi đó, những sinh viên Mông học tập ở Thủ đô đều đến từ nhiều vùng quê nghèo khó, rất khó khăn trong việc trang trải học hành. Ở thôn bản nơi các em sinh ra, nhiều thanh niên Mông không có việc làm. Phụ nữ Mông khéo léo, đảm đang làm ra những sản phẩm nông sản nhưng mới chỉ dừng lại ở việc tự cung, tự cấp, bán nhỏ lẻ, chưa có giá trị thương mại, chưa có đầu ra. Hơn nữa, những sản phẩm ấy hoàn toàn là sản phẩm sạch, an toàn, rất cần thiết trong đời sống của người dân Thủ đô.
Cũng giống như Ly, Giàng A Của (thôn Tấu Dưới, xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái), Lò Thị Phương (thôn Phín Cái, xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang)… đều là những sinh viên Mông hiếu học, sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo khó. Học tập, lập thân, lập nghiệp tại mảnh đất Hà thành là cả một quá trình đầy gian nan.
Khởi nghiệp từ bản làng
“Hãy sống và không làm người thừa trong mỗi ngày” – từ triết lý sống và xuất phát từ ý tưởng lập nghiệp với mong muốn kiếm thêm thu nhập bằng việc mang các sản phẩm nông sản của dân tộc Mông ở thôn bản mình ra Hà Nội để giới thiệu và bán sản phẩm. Nhóm sinh viên Mông đã thành lập Câu lạc bộ sinh viên Mông khởi nghiệp tại Hà Nội. Từ tháng 9/2016, các em thành lập câu lạc bộ với 11 em sinh viên dân tộc Mông đến từ các bản làng xa xôi của tỉnh Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên.
Sau đó, các em đã tự lên kế hoạch kinh doanh, thuê một gian hàng chừng 10 m2 tại Trung tâm Triển lãm Nông nghiệp với giá 2,5 triệu đồng/tháng để bán hàng. Vừ Pát Ly chia sẻ: “Chúng em cứ chia nhau bán hàng. Bạn nào học sáng thì bán chiều, học chiều thì bán sáng. Những ngày cuối tuần được nghỉ học thì đông bạn bán hơn, khi đó lượng khách cũng đông hơn. Qua mấy tháng đầu bán thử nghiệm, trừ chi phí, mỗi tháng bọn em lãi 4 triệu đồng”.
Giàng A Của là người anh cả trong nhóm khi vừa tốt nghiệp Đại học Thủy lợi. Thời gian này, Của đang trở về thôn, bản khảo sát đất đai trồng khoai sọ nương, làm chuồng trại chăn nuôi gà đồi… làm nguồn thực phẩm cung cấp cho khách hàng. Trò chuyện với chúng tôi, Của bảo rằng, em học chuyên ngành liên quan đến nước nên giúp ích cho em rất nhiều trong việc đem những kiến thức vào trồng trọt, chăn nuôi. “Em nghĩ khởi nghiệp từ chính nông sản của bản làng mình cũng sẽ rất tốt”.
Luôn tay lựa chọn những sản phẩm nông sản, bà Hoàng Thị Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: Từ ngày các em sinh viên mở quầy hàng bán các sản phẩm nông sản của đồng bào, tôi thường xuyên đến đây mua hàng. Tôi rất thích các mặt hàng này. Các em sinh viên Mông sinh ra tại những bản làng khó khăn, nhưng có ý chí, nghị lực khởi nghiệp tại mảnh đất Thủ đô như thế này thật đáng quý, đáng trân trọng”.
Trong thời gian tới, nhóm sinh viên Mông xây dựng thương hiệu, chuyên cung cấp thực phẩm sạch. Từ việc khảo sát, đăng ký bảo hộ, đóng gói, để xây dựng thương hiệu, nâng cao tính chuyên nghiệp, qua đó, đưa những sản phẩm nông sản của đồng bào Mông có chỗ đứng giữa Thủ đô. Đó là cơ hội rất tốt để tìm đầu ra ổn định cho nông sản của đồng bào Mông.
Sinh ra từ làng và khởi nghiệp từ bản làng, giản dị như thế thôi nhưng rất ý nghĩa và thiết thực. Sự năng động, sức trẻ, nhiệt huyết sẽ là luồng sinh khí đầy hứng khởi cho các em sinh viên Mông, đồng bào Mông trên con đường khởi nghiệp từ bản làng.