BVR&MT – Để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai, dự án Virome toàn cầu đặt mục đích truy tìm và xác định hàng trăm nghìn loại virus ở động vật hoang dã trên khắp thế giới. Nhưng một số chuyên gia cho rằng nên sử dụng hiệu quả các nguồn lực hạn chế hơn là tập trung vào phát hiện các loại virus mới đe dọa xảy ra với con người.
Nhiều ý kiến cho rằng cách sử dụng thông minh nhất nguồn lực khoa học và tài chính toàn cầu hạn chế là tập trung vào giám sát, phát hiện và nghiên cứu chuyên sâu về các bệnh dịch mới khi chúng lây lan từ tự nhiên sang người. Nhưng một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm có một kế hoạch tham vọng hơn – lấy mẫu phần lớn quần thể động vật hoang dã trên thế giới để xác định loại virus thủ phạm có khả năng gây ra đại dịch tiếp theo.
Đó là một viễn cảnh chông gai. Giới khoa học chỉ xác định được 4000 trong số 1,67 triệu virus tồn tại trên trái đất. Mục tiêu của chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Dennis Carroll và Dự án Virome toàn cầu của ông là trong thập kỷ tới có thể tranh thủ mạng lưới khoa học quốc tế để thu thập hàng trăm nghìn loại virus và lập bản đồ bộ gen. Chi phí ước tính của dự án là 1,2 tỷ đô la.
“Chúng tôi biết mọi mối đe dọa trong tương lai từ virus đã tồn tại và đang lưu hành trong động vật hoang dã”, Carroll nói. “Thay vì chờ đợi mối đe dọa tương lai lây sang chúng ta rồi sau đó mới nhận thức và phản ứng với nó, Virome toàn cầu sẽ đi vào quần thể động vật hoang dã để ghi lại và mô tả những gì ở đó, sau đó phân tầng rủi ro trong số những điều bạn khám phá xem điều nào cần chú ý đến?
Năm 2009, với tư cách là người đứng đầu Phòng các mối đe dọa mới xuất hiện của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), ông đã tạo ra chương trình PREDICT xác định virus nào sống trong động vật hoang dã hoặc ở động vật thuần hóa nhưng bị lây nhiễm từ động vật hoang dã gây ra mối đe dọa lớn nhất với con người. Một trong những nỗ lực quy mô lớn đầu tiên để vượt qua cái gọi là lây lan bệnh từ động vật sang người, PREDICT xác định được khoảng 1.200 virus mới, tập huấn cho nhiều nghìn người ở hơn 30 quốc gia, và hợp tác với hoặc tạo ra 60 phòng thí nghiệm trên toàn thế giới.
Dự án PREDICT dừng hoạt động vào tháng 3 vì thiếu kinh phí. Nhưng khi đại dịch virus corona trở nên tồi tệ hơn, chính quyền phân bổ khẩn cấp 2,26 triệu đô la cho PREDICT vào đầu tháng 4 để gia hạn chương trình thêm sáu tháng nhằm xác định động vật nào là nguồn của virus COVID-19.
Sau khi rời USAID, Carroll khởi động Virome toàn cầu 2 năm trước. Sáng kiến này hiện đang gây quỹ từ các chính phủ và tổ chức, trong đó chính phủ Trung Quốc và Thái Lan hứa hẹn hỗ trợ tài chính, dự định sẽ bắt đầu lấy mẫu quần thể động vật hoang dã tại các quốc gia này trong năm nay. Tuy nhiên, những dự án này vẫn chưa được tiến hành vì ứng phó với đại dịch COVID-19.
Một số chuyên gia chỉ trích dự án Virome quá ôm đồm và tốn kém, cho rằng một tỷ lệ nhỏ như vậy trong số 1,6 triệu virus động vật trên thế giới sẽ thực sự lây lan và đe dọa con người mà phải ghi lại thành danh mục hàng trăm nghìn virus là sử dụng sai nguồn lực. Trong một nghiên cứu năm 2017, hai nhà khoa học đã viết rằng một tập hợp virus khổng lồ không thể ngăn được đại dịch và các biện pháp cần thiết phải hướng mục tiêu nhiều hơn vào giám sát virus.
“Sự thật không mấy hay ho với tất cả những người làm việc trong lĩnh vực bệnh tật mới xuất hiện là phổ virus chưa biết quá mênh mông và phạm vi vi rút đa dạng đã đạt được sự chuyển đổi đặc hữu ở người có nghĩa là mọi nỗ lực dự đoán virus nào có thể xuất hiện tiếp theo sẽ phải đối mặt với những khó khăn đáng kể và có thể nửa đường đứt gánh”, Jemma Geoghegan và Edward C. Holmes viết trên tạp chí Open Biology. Thay vào đó, họ đề nghị giám sát tại “điểm xuất phát bệnh dịch mới xuất hiện – tiếp xúc giữa người và động vật, đặc biệt là những điểmi được định hình bởi sự xáo trộn sinh thái”.
Holmes, chuyên gia bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Sydney tỏ ra hoài nghi Dự án Virome toàn cầu. Trong một bài bình luận đăng năm 2018 trên tạp chí Nature, ông viết rằng trong khi “các cuộc điều tra rộng rãi bộ gien về virus động vật gần như chắc chắn sẽ thúc đẩy hiểu biết của chúng ta về sự đa dạng và tiến hóa của virus… , chúng sẽ không có giá trị thực tế trong hiểu biết và giảm thiểu sự xuất hiện của bệnh dịch”.
Theo Holmes, quan trọng hơn là nhanh chóng phát hiện bệnh dịch khi chúng xâm nhập vào người, phát hiện ra các cơ chế phân tử cho phép bệnh tật nhảy qua lại giữa các cá nhân, phân tích cách thức bệnh lây lan qua quần thể người, và hiểu chính xác cách lây nhiễm sang người để phát triển các liệu pháp hiệu quả.
Carroll lập luận rằng dù phát hiện và giám sát là quan trọng và là một phần của dự án Virome toàn cầu, một nghiên cứu toàn diện ở cấp độ toàn cầu về Virome (thuật ngữ chỉ hệ virus) sẽ cung cấp cho các nhà dịch tễ học bức tranh chi tiết hơn về những nơi quan trọng nhất để rèn luyện những công cụ đó. Dự án có kế hoạch tạo ra một thuật toán để xem xét loại virus nào có khả năng gây rủi ro nhất cho con người – dựa trên các tính năng của virus và của vật chủ – đi kèm với xem xét các thực tiễn và địa điểm rủi ro có thể dẫn đến sự lây lan của bệnh từ động vật.
“Ở Vũ Hán, rõ ràng việc đưa động vật hoang dã vào lẫn với gia súc để tiếp xúc với người trong khi chúng vẫn còn sống khiến nguy cơ dịch bệnh tăng cao. Có một số biện pháp an toàn sinh học để giảm nguy cơ virus nhiễm vào vật nuôi hoặc vào người”. Carroll nói về chợ động vật ở Trung Quốc nơi virus COVID-19 được cho là lây sang người, tuy nhiên ông cho rằng đóng cửa các chợ động vật hoang dã sẽ chỉ thúc đẩy thương mại ngầm và càng khó giám sát hơn.
Rất khó để dự đoán đại dịch vì liên quan đến việc giám sát một số khu vực hẻo lánh nhất trên thế giới, nơi cơ sở hạ tầng y tế thường không có hoặc không đạt chuẩn. Khi con người phá vỡ một hệ sinh thái bằng cách xây một con đường mới vào các khu vực hoang dã, sự xâm nhập đó có thể bất ngờ giải phóng mầm bệnh chỉ lưu hành trong động vật hoang dã. Ví dụ, loại virus gây ra bệnh AIDS xuất phát từ tinh tinh và có lẽ đã vượt được rào cản loài người khi những thợ săn bắn thịt rừng giết thịt một con tinh tinh. 75% các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện ảnh hưởng đến con người đến từ động vật và 2/3 từ động vật hoang dã.
Các nhà nghiên cứu cho biết phần lớn của mối đe dọa là dân số trái đất gần đạt mốc 8 tỷ người, tạo ra vô số phơi nhiễm với mầm bệnh. “Tỷ lệ lây nhiễm của virus từ động vật sang người đang tăng tốc, phản ánh thực tế mạng lưới du lịch và dấu chân toàn cầu của chúng ta mở rộng, dẫn đến nguy cơ đại dịch gia tăng phi tuyến tính và tác động kinh tế tăng theo cấp số nhân”, nhóm của Carroll viết về dự án Virome toàn cầu trên tạp chí Science vào năm 2018.
“Chúng ta đã xâm nhập sâu hơn vào các khu vực sinh thái chưa từng chiếm giữ trước đó. Tấm gương tày liếp cho việc đó là công nghiệp khai thác – dầu khí và khoáng sản, và mở rộng nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi gia súc. Đó là dự đoán lớn nhất về nơi bạn sẽ thấy bệnh lây truyền”, Carroll nói.
Trong bài báo năm 2018, Carroll và tám nhà nghiên cứu khác cho biết mục tiêu của Virome toàn cầu là thu thập 70% của 1,67 triệu virus trên thế giới, 30% còn lại rất hiếm và khó thu thập đến nỗi không tạo thành mối đe dọa. Các nhà khoa học ước tính có 631.000 đến 827.000 virus trên thế giới có tiềm năng kí sinh trên động vật và một số lượng nhỏ hơn nhưng chưa tính được chính xác sẽ gây ra bệnh lý.
Amesh Adalja, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm An ninh Y tế thuộc Đại học John Hopkins cho biết trong trường hợp các loại virus chết người như COVID-19, một chẩn đoán tinh tế hơn về bệnh hô hấp ở cấp độ vi sinh là chìa khóa để ngăn ngừa đại dịch. COVID-19 “không có gì đáng ngạc nhiên, đặc biệt với những gì chúng ta thấy năm 2003 khi virus corona bật lên như một mối đe dọa gây đại dịch sau khi dịch SARS bùng phát và sau đó là năm 2012 với dịch MERS. Vì vậy, virus corona đã được mọi người chú ý”.
Cách trực tiếp nhất để dự đoán đại dịch là theo dõi sâu hơn các triệu chứng phù hợp với mô tả virus corona. “Có rất nhiều bệnh, bao gồm cả viêm phổi mà hầu hết các bác sĩ và các bệnh viện đều không chẩn đoán ở cấp độ vi sinh. Rất nhiều trường hợp virus có khả năng gây đại dịch lẫn trong số những ca viêm phổi không giải thích được và đó là nạn nhân của sự thiếu thôi thúc chẩn đoán. Nếu ý tưởng nào đó về những gì đang khiến mọi người bị bệnh, các mầm bệnh cơ bản, chúng ta có thể hiểu được khi có điều gì đó mới mẻ xảy ra”.
Tạo ra một bản đồ virus thế giới có giá trị, Adalja nói. Tôi nghĩ rằng đó là một nỗ lực khoa học quan trọng để thực hiện Dự án Virome toàn cầu và phân loại virus, theo ông. Tuy nhiên, đó không phải là sự chuẩn bị đại dịch. Rất nhiều virus mà bạn phát hiện ra sẽ không có khả năng gây ra đại dịch.
Tim Rieser, trợ lý cao cấp về chính sách đối ngoại cho Thượng nghị sĩ Patrick Leahy và đã làm việc về các vấn đề sức khỏe toàn cầu trong 20 năm ủng hộ ý tưởng thu thập nhiều thông tin hơn về virus trên thế giới. Ông cho rằng quốc hội Hoa Kỳ đang xem xét tăng đáng kể tài trợ cho các dự án như vậy.
Rieser cho biết: “Chúng ta mới chỉ chạm vào bề nổi kiến thức về các loại virus hiện hữu và kí sinh ở động vật. Càng nhiều người biết về vấn đề này càng tốt. Đây không phải là một khoản đầu tư lớn. Chúng ta đã chi hàng nghìn tỷ đô la để ứng phó COVID-19. Nếu đầu tư một phần rất nhỏ trong đó để phòng ngừa, nâng cao năng lực và thu thập dữ liệu, chúng ta sẽ chuẩn bị tốt hơn rất nhiều để đối phó với nó và với virus chết người tiếp theo”.
Các cách tiếp cận khác để dự đoán đại dịch đang được phát triển, bao gồm các phương pháp được gọi là phát hiện bệnh dịch bằng kỹ thuật số. Ví dụ, ProMed và HealthMap sử dụng phần mềm rà khắp Internet xem các bài báo trực tuyến hoặc bài đăng trên Twitter để tìm các từ khóa được sử dụng thường xuyên đến mức bất thường – “sốt” hoặc “tả” – có thể chỉ ra sự bùng phát ở bất cứ đâu trên thế giới. Khi hệ thống này tìm thấy các thuật ngữ loại này được dùng nhiều thì sẽ cảnh báo các chuyên gia.
Nhưng khoa học tiên tiến không có nghĩa gì nếu những nhà hoạch định chính sách không lắng nghe các nhà khoa học và không có kế hoạch thực hiện. “Bạn cần một cuộc hôn phối giữa khám phá khoa học và ra quyết định chính trị và soạn thảo chính sách”, Carroll nói.
Dù là cách tiếp cận nào thì sau dịch COVID-19, chắc chắn vấn đề sẽ được tập trung chú ý nhiều hơn. “Chúng ta đã đầu tư hàng tỷ đô la để chống khủng bố nhưng không kẻ khủng bố nào đạt được tác hại mà vi khuẩn vô hình này gây ra. Tệ như COVID-19 hoặc tình hình có thể còn tệ hơn nhiều nếu virus có khả năng lây truyền như thế này và cũng nguy hiểm như Ebola”, Rieser nói.
Thế Anh (Theo 360 Yale Environment)