BVR&MT – Cũng giống như voi, tê giác được coi là loài “bảo trợ” có vai trò rất quan trọng đối với môi trường. Tuy nhiên, tình trạng bảo tồn của tê giác tiếp tục bị đe dọa vì nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tiếp diễn ở một số quốc gia.
Nếu những động vật này bị tuyệt chủng, cộng đồng sinh học sẽ hứng chịu những thay đổi lớn, ảnh hưởng đến các loài khác trong hệ sinh thái. Tầm quan trọng của tê giác cũng tác động đến tăng trưởng kinh tế và phát triển du lịch – vốn tạo ra cơ hội việc làm cho nhiều người dân địa phương. Năm 2015, người ta dự đoán tê giác châu Phi có thể tuyệt chủng vào năm 2020 do “tình trạng bảo tồn loài bị đe dọa”.
Gần đây, tờ Daily Mail đưa tin nạn săn trộm động vật hoang dã (bao gồm cả tê giác và voi) vẫn tiếp diễn bất chấp đại dịch hoành hành. Trên thực tế, ít nhất 6 cá thể tê giác bị giết ở phía nam châu Phi. Đây là điều đáng ngạc nhiên vì ngành công nghiệp du lịch khu vực đang đình chỉ và những người không phải là công dân bị cấm nhập cảnh.
Điều này cũng có nghĩa là các nhóm phi lợi nhuận bên ngoài châu Phi có nhiệm vụ ngăn chặn nạn săn trộm đã không thể giám sát hoạt động phi pháp này.
Tuy nhiên, không phải tất mọi trường hợp này đều không bị trừng phạt vì ngay trong tháng 4, các đơn vị an ninh ở Botswana bắt giữ và được cho là đã giết chết 5 nghi phạm săn trộm.
Mặc dù nhiều việc làm ở châu Phi phụ thuộc vào các vườn quốc gia, rất nhiều người vẫn tham gia săn trộm vì kiếm được nhiều tiền hơn để lo cho gia đình.
Người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Rhino Conservation Botswana thông tin trên kênh truyền hình CNBC rằng “những kẻ săn trộm táo tợn hơn vì tình hình có lợi và chúng không gặp vấn đề gì khi đi săn”.
Bằng những cách đơn giản như truyền bá trên truyền thông xã hội, chúng ta có thể thông báo cho người khác về những mối đe dọa mà tê giác đang phải đối mặt. Mỗi người đều có thể làm phần việc của mình để giúp cứu những con vật này.
Thế Anh (Theo Inquirer)