BVR&MT – Các nhà vận động bảo tồn cho rằng việc thực thi lệnh cấm buôn bán thịt động vật hoang dã của Trung Quốc khó có thể đạt hiệu quả vì vẫn cho phép buôn bán các sản phẩm để làm thuốc, quần áo và làm cảnh.
Họ cảnh báo những miễn trừ này là những lỗ hổng mở đường cho mua bán thịt động vật hoang dã – điều đã từng xảy ra trong quá khứ.
Ủy ban Thường vụ Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành lệnh cấm vào cuối tháng 2 sau khi dấy lên những nghi ngờ rằng động vật hoang dã được bán tại một chợ ở Vũ Hán là nguồn gốc bùng phát virus corona.
Cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc cũng khởi xướng quy trình sửa đổi Luật bảo vệ động vật hoang dã. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào chắc chắn cho tín hiệu tích cực này.
Dùng mật gấu chữa virus corona
Tháng trước, Cơ quan điều tra môi trường quốc tế (EIA) phản ánh rằng chính phủ Trung Quốc chấp thuận tiêm loại thuốc có chứa mật gấu để điều trị cho những bệnh nhân mắc Covid-19 nghiêm trọng.
Thuốc tiêm Đàm Nhiệt Thanh là một trong những phương pháp điều trị được khuyến nghị cho các trường hợp nhiễm virus corona “nghiêm trọng” và “nguy kịch” trong Kế hoạch chẩn đoán và điều trị COVID-19 của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 4/3.
Trang web của cơ quan y tế Trung Quốc nêu rõ tên của loại thuốc tiêm có thành phần là mật gấu.
“Không chỉ trớ trêu khi quảng bá một sản phẩm động vật hoang dã để điều trị một căn bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã, việc thúc đẩy sử dụng động vật hoang dã bị đe dọa làm thuốc còn là hành động vô trách nhiệm trong kỷ nguyên mất đa dạng sinh học chưa từng có”, Aron White, nhà vận động động vật hoang dã và chuyên gia về Trung Quốc thuộc EIA nhận xét.
Nuôi gấu lấy mật
Các nhà bảo tồn nói rằng có gần 30.000 con gấu trong các trang trại nuôi ở Trung Quốc.
Chúng bị nhốt trong lồng chật hẹp và bị chiết xuất mật bằng các kỹ thuật gây đau đớn và nhiễm trùng nghiêm trọng. Các chuyên gia cho biết trong một số trường hợp, một ống kim liên tục bị đâm vào cùng một vết thương trong mỗi lần lấy mật. Điều này khiến nhiều con gấu chết vì nhiễm trùng hoặc các biến chứng khác, những con sống sót cũng lay lắt trong đau đớn.
Nuôi gấu lấy mật vẫn được lệnh cấm cho phép sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc, tuy nhiên, các nhà vận động động vật hoang dã phản ánh rằng những người buôn lậu cũng bán cả các bộ phận cơ thể khác của gấu.
Các động vật được bảo vệ như tê tê và báo cũng được phép buôn bán theo lệnh cấm, vì vậy, các bộ phận cơ thể của chúng có thể được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc.
Niềm tin vào y học cổ truyền
“Mặc dù các lợi ích dược tính của nhiều sản phẩm động vật hoang dã chưa được chứng minh về mặt khoa học nhưng niềm tin vào hệ thống này rất mạnh mẽ”, theo Terry Townshend, chuyên gia tư vấn bảo tồn động vật hoang dã ở Trung Quốc và là người sáng lập Birding Bắc Kinh.
“Ví dụ, tôi biết một gia đình có hai con được giáo dục rất tốt, một người có vấn đề về sinh sản, người còn lại làm việc trong ngành bảo tồn động vật hoang dã. Mặc dù hiểu rõ là thiếu bằng chứng khoa học, người có vấn đề về khả năng sinh sản đã sử dụng vảy tê tê theo kiểu “còn nước còn tát” sau khi đã thử mọi cách khác”.
Do nhu cầu y học cổ truyền khắp châu Á, tê tê gần như tuyệt chủng ở Trung Quốc và hiện là loài động vật bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới.
Cơn sốt lông thú
Theo nghiên cứu năm 2017của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, gần 75% ngành công nghiệp chăn nuôi động vật hoang dã là để lấy da từ các loài động vật như chồn vizon, lửng chó và cáo.
“Năm 2018, 50 triệu đọng vật được nuôi và bị giết để lấy lông ở Trung Quốc”, Pei Su, CEO và đồng sáng lập Act Asia – tổ chức tiến hành chiến dịch chống lại ngành công nghiệp lông thú từ nuôi nhốt động vật hoang dã ở Trung Quốc chia sẻ.
“Chồn vizon, lửng chó và cáo bị nuôi nhốt để lấy lông và da sau đó cũng được bán để lấy thịt”.
Các học giả Trung Quốc đồng ý rằng có những sơ hở như vậy.
Jiang Jinsong, PGS giảng dạy tại Đại học Thanh Hoa cho biết: “Sản xuất lông thú chiếm hơn 3/4 buôn bán động vật hoang dã, nếu các sản phẩm lông thú không bị cấm buôn bán triệt để thì chúng ta chỉ mới chạm vào vỏ ngoài của tình trạng sử dụng động vật hoang dã. Và tất cả những nỗ lực của chúng ta với bảo tồn động vật hoang dã sẽ là vô ích”.
Một cuộc điều tra của EIA vào năm 2012 phát hiện thương lái nuôi hổ hợp pháp để lấy da cũng bán trái phép xương để làm thuốc và ngâm rượu.
Lệnh cấm mới cũng bao gồm các miễn trừ cho mục đích trang trí. Bây giờ mua hoặc bán thịt tê tê là bất hợp pháp nhưng móng lại được phép buôn bán cho mục đích trang trí, còn vảy có thể được sử dụng làm thuốc.
Cũng như nuôi hổ, gấu và trăn quy mô lớn, Trung Quốc cũng nuôi cá sấu, kỳ nhông và các động vật hoang dã khác với quy mô tính theo nghìn con.
Theo nghiên cứu của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, ngành công nghiệp nuôi động vật hoang dã được ước tính tạo hơn 14 triệu việc làm và trị giá 70,66 tỷ USD.
Thay đổi thái độ
Đại dịch virus corona dường như đã thay đổi tình yêu của Trung Quốc đối với thịt động vật hoang dã độc lạ – thứ đã biến nước này thành thị trường lớn nhất thế giới về buôn bán động vật hoang dã, cả hợp pháp và bất hợp pháp.
Áp lực ngày càng tăng trong chính Trung Quốc đòi hỏi cải cách cơ bản chính sách về tiêu thụ động vật hoang dã.
Một khảo sát gần đây được Trung tâm bảo tồn Sơn Thủy thực hiện cho thấy phần lớn công dân Trung Quốc hiện chống lại việc tiêu thụ động vật hoang dã.
“Nói không với thịt động vật hoang dã”
Trong số hơn 101.000 người được hỏi, 97% phản đối việc tiêu thụ các sản phẩm động vật hoang dã và con số phần trăm tương tự bày tỏ sự ủng hộ đối với lệnh cấm buôn bán của chính phủ.
Theo 3% người trả lời khảo sát và phản đối lệnh cấm động vật hoang dã, lý do chính mà họ đưa ra là lệnh cấm tác động đến việc nuôi nhốt động vật hoang dã.
Cuộc khảo sát do Đại học Bắc Kinh và 7 tổ chức khác thực hiện có thể không đại diện cho toàn bộ dân số Trung Quốc. Do được thực hiện trực tuyến và thông qua phương tiện truyền thông xã hội nên tỷ lệ trả lời khảo sát phần lớn là những người trẻ tuổi, 1/3 có độ tuổi từ 19 đến 30.
“Những người trả lời phần nhiều là cư dân thành thị và cũng có nhiều người thuộc giới môi trường, vì vậy tỷ lệ ủng hộ lệnh cấm nhiều hơn người dân nói chung”, Townshend nhận xét.
Người trẻ nghĩ gì?
Giới trẻ Trung Quốc ủng hộ kết quả khảo sát.
“Tôi chắc chắn chúng tôi ủng hộ việc loại bỏ các sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp trên thị trường”, Ji (người yêu cầu không đăng tên đầy đủ của cô ấy), 21 tuổi và là sinh viên đại học năm cuối tại Bắc Kinh cho biết.
“Chúng tôi không dùng các sản phẩm động vật hoang dã trong bữa ăn hàng ngày. Vài người bạn tôi ở các vùng khác trong nước được gia đình cho ăn vây cá mập, rắn hoặc ba ba vì người ta cho rằng các món đó có những có những dưỡng chất quý”.
Ji cho biết khi học cấp hai từng ăn ếch được sinh sản nhân tạo nhưng đã ngừng ăn sau khi nhận ra có thể có ký sinh trùng trong ếch.
“Sau dịch virus corona này, nhiều người trẻ tuổi ở Trung Quốc sẽ từ bỏ thói quen ăn thịt động vật có từ xa xưa này”.
Lệnh cấm sẽ có hiệu quả?
Chính phủ Trung Quốc cấm buôn bán động vật hoang dã vào năm 2003 sau khi dịch SARS bùng phát nhưng đã nới lỏng chỉ sau vài tháng.
Lần này, các nhà vận động động vật hoang dã cho biết một số động thái cho thấy có lẽ lệnh cấm sẽ chặt chẽ hơn.
Yuhan Li, nhà nghiên cứu động vật hoang dã thuộc Đại học Oxford và đã nghiên cứu về chính sách động vật hoang dã của chính phủ Trung Quốc sau khi dịch virus corona bùng phát, cho biết: “Từ khi COVID-19 bùng phát, chính phủ Trung Quốc đã điều tra hơn 600 trường hợp tội phạm động vật hoang dã, hy vọng rằng sự tập trung lớn hơn vào thực thi pháp luật sẽ trở thành chuẩn mực”.
Nhưng các tổ chức bảo tồn nói rằng các loại thuốc truyền thống từ động vật kỳ lạ và việc cho phép nuôi những động vật này để lấy lông và làm cảnh sẽ khuyến khích buôn bán bất hợp pháp thịt động vật hoang dã.
“Những sơ hở đó bộc lộ nhiều vấn đề nghiêm trọng, hiện chúng tôi đang xem xét những vấn đề này. Ngoài việc cấm ăn động vật hoang dã, tất cả các mục đích sử dụng động vật hoang dã khác cũng nên chấm dứt”, Zhou Jinfeng, Tổng thư ký của Tổ chức Bảo tồn Đa dạng sinh học và Phát triển xanh Trung Quốc thừa nhận.
Mọi con mắt đang đổ dồn về luật bảo vệ động vật hoang dã của Trung Quốc, được cho là sẽ được sửa đổi ngay sau lệnh cấm buôn bán thịt động vật hoang dã của chính phủ.
“Nếu sửa đổi không giải quyết được những sơ hở đó, đây sẽ là một cơ hội thực sự bị bỏ lỡ”, Aron White nhận xét.
Aban Marker Kabraji, Giám đốc khu vực châu Á thuộc IUCN, cũng đồng quan điểm: “Trung Quốc phải đảm bảo rằng luật sửa đổi đi kèm với các chiến lược thực thi được tăng cường để ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tiếp tục hoạt động ngầm”.
Thế Anh (Theo Thethirdpole)