BVR&MT – Trong năm 2019, Hà Nội có 2 huyện và 1 thị xã; và năm 2020 có 4 huyện đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, Hà Nội cũng đang đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị “Triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm; rà soát tiến độ các huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2020 trên địa bàn Hà Nội”, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức ngày 13/11 tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, qua rà soát, 7 huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội bước đầu đã đạt nhiều kết quả tích cực trong triển khai xây dựng nông thôn mới. Chẳng hạn, thị xã Sơn Tây đã có 6/6 xã; huyện Phúc Thọ có 22/22 xã; huyện Chương Mỹ có 25/30 xã; huyện Sóc Sơn có 20/25 xã;…đạt 19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới. Căn cứ theo quy định tại Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí huyện nông thôn mới và quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới, hiện Hà Nội đang rà soát mức độ hoàn thành 9 tiêu chí với 14 chỉ tiêu tại 7 huyện, thị xã trên địa bàn đã đăng ký trong năm 2019 và năm 2020. Nhìn chung, 7 huyện, thị xã cơ bản còn gặp khó khăn về một số tiêu chí như: giao thông, y tế, văn hóa, giáo dục, môi trường. Do vậy, Hà Nội đang tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án để hoàn thành đủ các tiêu chí theo quy định.
Về triển khai chương trình OCOP, ngày 8/7/2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3629 về việc Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm thành phố Hà Nội đến năm 2020. Theo kế hoạch này, Hà Nội sẽ kiện toàn hệ thống quản lý, điều hành chương trình OCOP đồng bộ từ cấp Thành phố đến cấp huyện, xã. Phấn đấu 100% cán bộ quản lý chương trình OCOP được đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý, điều hành; 100% các nhà quản lý của các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ có đăng ký sản xuất, kinh doanh tham gia chương trình OCOP được đào tạo, tập huấn. Theo đó, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 phát triển, đánh giá, xếp hạng sản phẩm từ 800 đến 1.000 sản phẩm; trong đó, có từ 500 sản phẩm tham gia được đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp Thành phố, 100 sản phẩm được tham gia đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp quốc gia theo quy định.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu cho rằng, đối với xây dựng nông thôn mới, trong 7 huyện, thị xã đăng ký đạt chuẩn, thị xã Sơn Tây cần phấn đấu hoàn thành trong năm 2019; 6 huyện còn lại phấn đấu hoàn thành trong năm 2020. Đối với chương trình OCOP, các ngành, các cấp cần tiếp tục tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ cơ sở để đẩy nhanh tiến độ, để phấn đấu hoàn thành mục tiêu đã đề ra vào năm 2020.
Cũng tại hội nghị, ông Ngô Tất Thắng, Phó chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đã chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng chương trình mỗi làng một sản phẩm (OVOP) của Nhật Bản và một số nước trên thế giới; đồng thời, tập huấn cho các đại biểu dự hội nghị về cách thức triển khai thực hiện chương trình OCOP tại Việt Nam cũng như thành công của một số địa phương trong triển khai thực hiện chương trình OCOP.
Thạch Thảo (tổng hợp)