BVR&MT – Khi dự án thủy điện Xayaburi ở Lào bắt đầu ngày phát điện đầu tiên trên dòng chính của sông Mê Kông, các nhà khoa học và các nhà môi trường không thôi nghi ngờ về các biện pháp được đề xuất để giảm thiểu tác động tiêu cực của con đập đối với hệ sinh thái rộng lớn và phức tạp của dòng sông.
Cùng lúc, các đoạn sông đều ở mực nước thấp hơn hẳn hoặc khô cạn. Một số người dân địa phương quy kết cho việc bắt đầu vận hành đập. Nhà phát triển chính của dự án đổ lỗi cho thời tiết và một con đập của Trung Quốc.
Thực tế là còn thiếu kiến thức và hiểu biết về quy mô của bậc thang gồm đập Xayaburi và 10 đập khác được đề xuất xây dựng ở hạ nguồn sông Mê Kông, ngoại trừ đoạn sông ở Trung Quốc, về việc biến đổi chế độ dòng chảy của sông, bẫy trầm tích hoặc chặn cá di cư.
Do hoạt động của hầu hết các con đập được xây dựng trên thượng nguồn sông Mê Kông ở Trung Quốc (thường được gọi là Lan Thương) vẫn còn là một bí ẩn đối với những người ngoài cuộc, Xayaburi là đập đầu tiên hoạt động ở hạ nguồn và có thể trở thành một thử nghiệm mở trong việc đập thủy điện sông Mê Kông sẽ phá hủy hoặc bền vững đến mức nào.
Không giống như các con đập Trung Quốc, bất kỳ dự án nào được đề xuất ở hạ nguồn sông Mê Kông đều phải đưa lên bàn thảo luận giữa chính phủ của bốn nước – Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam – đã ký Hiệp định Mê Kông 1995 và thành lập Ủy hội sông Mê Kông (MRC). Các nước này không thể phủ quyết các dự án mà chỉ nêu lên lo ngại về các tác động xuyên biên giới tiêu cực.
Đã có rất nhiều mối quan ngại về trường hợp Xayaburi. Một nghiên cứu khoa học do MRC công bố năm 2011 chỉ ra một loạt tác động tiềm tàng mà con đập này cùng với những đập khác sẽ gây ra đối với các kiểu di cư cá độc đáo của dòng sông, dòng chảy trầm tích và chế độ dòng chảy. Trên thực tế, các dự án này có thể làm suy giảm số lượng một số loài cá nhất định, giữ lại trầm tích cung cấp nguồn dinh dưỡng cho nông nghiệp và ảnh hưởng đến sự biến động theo mùa của mực nước.
Đáp lại, chính phủ Lào và nhà phát triển dự án đập Xayaburi, hứa sẽ đưa ra cả mớ “biện pháp giảm thiểu” như là một phần của việc thiết kế lại đập để giảm tác động, lắp đặt “thang cá” và “tua-bin thân thiện với cá”, và thiết kế lại lối vào của đập để thu hút cá vào đường cá đi.
Thiết kế lại cũng là để cho phép xả bùn và để trầm tích mịn hơn di chuyển qua đập.
Tuy nhiên, đánh giá năm nay của MRC cho thấy nhà phát triển dự án đã không cung cấp đủ thông tin về chế độ vận hành của đập để giới chuyên gia đánh giá hiệu quả của các biện pháp giảm thiểu này. Nhà vận hành không cần phải giữ lại thông tin đó nếu thiết kế lại có hiệu quả như đã tuyên bố.
Mặc dù thông tin hạn chế, đánh giá của MRC nhấn mạnh rằng vẫn còn những lo ngại về đường cá đi được thiết kế lại. Đánh giá cho biết tới 80% tải lượng trầm tích đến sẽ bị giữ lại trong khoảng vài năm đầu đến hàng thập kỷ hoạt động của đập, và lưu ý rằng những biện pháp này chưa từng được thử nghiệm hoặc giám sát ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Điều này thật đáng lo ngại.
Những gì có hiệu quả và không hiệu quả trong các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường của Xayaburi ít nhất có thể cung cấp những bài học quý giá cho sự phát triển của các đập khác đã được lên kế hoạch, nhiều đập trong số này đang được xây dựng hoặc tham vấn, nhưng điều này chỉ có thể xảy ra nếu nhà phát triển và chính phủ Lào cam kết minh bạch, bắt đầu chia sẻ tất cả thông tin có sẵn với ba quốc gia khác và với công chúng.
Nhật Anh (Theo Bangkok Post)