BVR&MT – Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng – an ninh, Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đã có những bước phát triển rất ấn tượng làm thay đổi bộ mặt kinh tế – xã hội của Vùng.
Sáng 25/9, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng – an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ (TDMNBB).
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, vùng TDMNBB vẫn là vùng nghèo, điều kiện địa lý, kinh tế – xã hội khó khăn nhất của cả nước, đa phần là các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, phần lớn hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số. Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, vùng TDMNBB đã có những bước phát triển rất ấn tượng làm thay đổi bộ mặt kinh tế – xã hội của cả Vùng.
Cụ thể, về phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm, giai đoạn 2005-2018, các chỉ tiêu về thị trường lao động, giải quyết việc làm cơ bản hoàn thành tốt theo kế hoạch đặt ra. Giai đoạn 2006 – 2018, giải quyết việc làm cho 2,174 triệu lao động, 6 tháng đầu năm 2019, giải quyết cho 710.000 lao động. Hoạt động vay vốn tạo việc làm từ quỹ Quốc gia về việc làm tiếp tục góp phần quan trọng hỗ trợ tạo và tự tạo việc làm cho người lao động.
Trong việc phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giai đoạn 2014 đến nay, vùng TDMNBB có 301 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chiếm 16% số cơ sở giáo dục nghề nghiệp cả nước. Trong đó, có 04 trường đã được lựa chọn để ưu tiên hỗ trợ đầu tư tập trung, đồng bộ theo tiêu chí của trường nghề chất lượng cao vào năm 2020.
Đáng chú ý, công tác giảm nghèo, an sinh xã hội được thực hiện tốt. Theo báo cáo, giai đoạn từ 2005 – 2020 ngân sách trung ương bố trí cho các tỉnh miền núi phía bắc với tổng số kinh phí 46.692,756 tỷ đồng (chiếm 59,36% tổng kinh phí trong Chương trình). Từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước thông qua các chính sách và chương trình giảm nghèo, người nghèo đã tiếp cận thuận tiện hơn các chính sách trợ giúp của nhà nước; đời sống của người nghèo được từng bước cải thiện, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tỷ lệ nghèo các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc giảm nhanh, từ 38,72% (2005) xuống còn 31,38% (2010); 25,77% (2015) và 15,82% (2018). Tỷ lệ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5,5%/năm, các xã nghèo giảm bình quân từ 3-4%/năm. Đến hết năm 2018, toàn vùng có 07 huyện thoát nghèo và được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, 72 xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong khu vực đạt chuẩn nông thôn mới.
Bên cạnh đó, chính sách trợ giúp các đối tượng xã hội đã ban hành được thực hiện tốt. Đến năm 2018, Vùng TDMNBB có gần 700.000 người hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, kinh phí trợ giúp xã hội hàng tháng, cấp thẻ BHYT của khu vực là khoảng gần 4.000 tỷ đồng. Khoảng 5.000 đối tượng đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội của Vùng với mức nuôi dưỡng khoảng 1,2 triệu đồng/người/tháng…
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế trên các lĩnh vực của ngành; đặc biệt là vấn đề chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, tỷ lệ tái nghèo và phát sinh nghèo tương đối cao làm ảnh hưởng đến kết quả phát triển kinh tế – xã hội của cả Vùng. “Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, có tỉnh hơn 90% hộ nghèo rơi vào hộ dân tộc thiểu số như Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu. Tỷ lệ tái nghèo và phát sinh nghèo tương đối cao”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết.
Tại Hội nghị, Bộ LĐ-TB&XH đề ra mục tiêu đến năm 2030: Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70 – 75%; tỷ trọng lao động trong khu vực nông nghiệp giảm còn 45 – 50%. Phấn đấu hàng năm giảm bình quân 1,5% hộ nghèo (riêng các huyện nghèo/ xã nghèo giảm 4%; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3-4%).
Đến năm 2030: 100% đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời; nâng mức trợ cấp xã hội hàng tháng; có chính sách trợ giúp đối với trẻ em dưới 36 tháng tuổi, phụ nữ mang thai thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn sống ở vùng núi, vùng hải đảo, vùng dân tộc thiểu số; tiếp tục mở rộng diện người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội của Nhà nước được hưởng trợ cấp xã hội. 80% người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp với nhu cầu, trong đó tối thiểu 50% đối tượng được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện.
Giai đoạn 2025-2030, phấn đấu nâng quy mô tuyển sinh đạt trên 4,6 triệu người mỗi năm; ít nhất 85% người học có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; có 70 trường được công nhận trường chất lượng cao, trong đó có tối thiểu 5 trường đạt cấp độ các nước phát triển trong nhóm G20; 40 trường tiếp cận cấp độ các nước ASEAN-4; phấn đấu có tối thiểu 20% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự chủ về tài chính.