BVR&MT – Tại CITES CoP 18, với sự ủng hộ từ một số quốc gia châu Phi, Nam Phi được phép tăng gần gấp đôi số lượng tê giác đen có thể bị giết làm chiến lợi phẩm sau khi biện hộ rằng số tiền thu được sẽ hỗ trợ bảo tồn các loài cực kỳ nguy cấp.
Trong quá khứ, những kẻ săn trộm cung cấp sừng tê cho các đường dây buôn bán bất hợp pháp khiến số lượng tê giác giảm mạnh nhưng hiện quần thể này đang tăng lên. Khoảng 5.000 cá thể tê giác đen còn lại đến ngày nay, gần 2.000 trong số này ở Nam Phi.
Từ năm 2003, Nam Phi đã được phép bán quyền săn bắn 5 cá thể tê giác đen mỗi năm. Quyết định mới nhất có nghĩa là con số quyền săn bắn được bán có thể chiếm tới 0,5% quần thể, tương đương với 9 cá thể tê giác ở cấp độ ngày nay. Nam Phi cho biết sẽ nhắm mục tiêu vào cá thể đực trưởng thành, để bảo vệ cá thể cái sinh sản.
Yêu cầu này đã bị Gabon phản đối, đại biểu nước này phát biểu: “Đây là một quần thể rất nhỏ và bị đe dọa bởi nạn săn trộm”.
Đại biểu của Kenya cũng cho rằng động thái này, cùng với nạn săn trộm, sẽ làm mất đi 1/2 lượng gia tăng hàng năm của quần thể tê giác đen.
Các tổ chức phi chính phủ cũng phản đối hành động này, đại biểu từ tổ chức Born Free nhấn mạnh rằng Nam Phi hiếm khi sử dụng hạn ngạch hiện có.
Nhưng Nam Phi nhận được sự ủng hộ từ các quốc gia khác có tê giác như Botswana, Zimbabwe và Eswatini (trước đây là Swaziland), cũng như EU và Canada. Nam Phi đồng ý không sử dụng toàn bộ hạn ngạch nếu quần thể tê giác giảm xuống dưới một mức nhất định, nhưng không nêu rõ mức này là bao nhiêu.
Chuyên gia Tom Milliken thuộc TRAFFIC cho biết hạn ngạch cao hơn có thể giúp tăng số lượng tê giác đen. Những cá thể đực lớn tuổi có thể gây ra xung đột, ngăn chặn những cá thể đực nhỏ hơn sinh sản và thậm chí giết chết cá thể cái.
“Điều này là tích cực: về cơ bản, bạn đang ngăn chặn những mâu thuẫn vô lối và đạt được tốc độ sinh sản nhanh hơn”.
Ông cho biết tê giác đen là một trong những động vật chiến lợi phẩm có giá cao nhất, người ta phải mất hàng chục nghìn USD để được săn bắn.
“Đó thực sự là nguồn cung cấp cho các quỹ bảo tồn”.
Nhưng Elizabeth Bennett thuộc WCS bày tỏ: “WCS vẫn lo ngại về tác động của việc săn bắn và buôn bán trái phép tê giác đen để lấy sừng. Chúng tôi khuyến khích những nỗ lực lớn để bảo vệ chúng, ngăn chặn nạn buôn lậu và rằng bất kỳ hoạt động săn bắn lấy chiến lợi phẩm nào cũng thực sự bền vững, và hỗ trợ chứ không làm suy yếu bảo tồn loài”.
Có thể thấy các nhóm bảo tồn đã đưa ra những quan điểm rất khác nhau trước những nội dung được bàn thảo tại CoP 18.
Nhật Anh (Theo The Guardian)