BVR&MT – Theo một nghiên cứu mới được công bố của Mạng lưới Giám sát thương mại động vật hoang dã (TRAFFIC), sau 15 năm trở thành thành viên Công ước CITES, Lào vẫn chưa thực sự làm được nhiều trong việc kiểm soát buôn bán động vật hoang dã trong nước và cả vận chuyển ra nước ngoài.
Tập trung vào các loài động vật có xương sống trên cạn có nguồn gốc hoang dã, nhóm tác giả nghiên cứu đã thực hiện 66 cuộc điều tra tại 15 trung tâm thương mại ở tỉnh Khammouane trong thời gian từ tháng 10/2017 đến tháng 7/2018.
Nhóm ghi nhận được tổng cộng 3.276 cá thể thuộc 66 loài trong quá trình khảo sát. 24,6% trong số này được xếp vào nhóm nguy cấp trên phạm vi quốc tế và 38,5% được đề cập trong Luật thủy sản và động vật hoang dã của Lào.
Ghi nhận của nhóm cho thấy động vật hoang dã không chỉ được bán tại trung tâm thương mại mà còn được bày bán công khai tại các chợ địa phương và ở cả lề đường.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra động lực quan trọng của tình trạng này là nhu cầu ngày càng tăng từ các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Với nền kinh tế đang bùng nổ, Trung Quốc trở thành thị trường phát triển nhanh nhất thế giới về động vật hoang dã trong khi Việt Nam là thị trường nhập khẩu động vật hoang dã quan trọng bậc nhất của Lào.
Nhu cầu từ các nước lân cận biến một số khu chợ của Lào phát triển thành các điểm giao dịch lớn. Các chợ hoạt động mạnh nhất về buôn bán động vật hoang dã thường nằm gần với các trục đường chính – cũng là huyết mạch trong việc vận chuyển hàng hóa giữa Thái Lan, Lào và Việt Nam. Các trục đường này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thông thương giữa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Nhu cầu ngày càng tăng đối với động vật hoang dã đòi hỏi phải kiểm soát biên giới mạnh mẽ. Tuy nhiên việc buôn bán nhiều loài nguy cấp diễn ra ổn định ở quy mô lớn, bất chấp luật pháp quốc gia chứng tỏ rằng các biện pháp ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp của Lào không hiệu quả. Triển vọng bảo vệ được sự đa dạng phong phú của động vật hoang dã khỏi thương mại không bền vững là không mấy sáng sủa.
Nghiên cứu của TRAFFIC chỉ rõ rằng với bối cảnh hiện tại, các nỗ lực để chính phủ Lào điều tiết buôn bán động vật hoang dã cũng kéo theo rủi ro. Lệnh cấm thương mại hay tập trung vào truy tố thúc đẩy buôn lậu và việc giám sát, ngăn chặn sự suy giảm quần thể cũng khó đạt hiệu quả bền vững.
Nhóm nghiên cứu cho rằng để ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, Lào cần một cách tiếp cận chiến lược và toàn diện hơn, trong đó, khâu quan trọng nhất phổ biến thông tin về Luật động vật hoang dã và thực thi pháp luật nghiêm ngặt hơn. Khi tình trạng buôn bán động vật hoang dã ở Lào có nguồn gốc sâu xa từ xã hội thì cần tích hợp khoa học xã hội vào các nỗ lực bảo tồn tương ứng.
Nhật Anh