Xã Giao An (Giao Thủy – Nam Định): Tác động của BĐKH đến hoạt động nuôi ngao tại bãi bồi

BVR&MT – Nghiên cứu này đánh giá tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến hoạt động nuôi ngao tại xã Giao An, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định bằng phương pháp đánh giá nhanh nông thôn (PRA) và phương pháp đánh giá thu thập thông tin định tính, nhằm đánh giá tác động của bốn yếu tố BĐKH là sự thay đổi nhiệt độ, lượng mưa, tần suất bão lũ và nước biển dâng. 

Tên đề tài: Nghiên cứu tác động của BĐKH đến hoạt động nuôi ngao tại bãi bồi xã Giao An, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định – Tiếng Anh: Study on the impacts of climate change on clam farming in Giao An commune, Giao Thuy district, Nam Dinh province.

TÓM TẮT

Kết quả đánh giá cho thấy hoạt động nuôi ngao tại xã Giao An bị ảnh hưởng lớn nhất do biểu hiện của nước biển dâng (NBD) với tổng điểm trung bình là 38,03 điểm, tiếp theo là các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ, hạn hán với 36,27 điểm. Tác động của lượng mưa và nhiệt độ đối với hoạt động nuôi ngao tại xã Giao An ở mức thấp hơn với 32,83 và 25,20 điểm. Đồng thời, tác động của BĐKH đến hoạt động nuôi ngao tại xã Giao An cũng được lượng giá tổn thất theo các kịch bản biến đổi đến năm 2030 ở mức thấp, trung bình và cao. Theo tính toán đến năm 2030, mức tổn thất do tác động của BĐKH tại xã Giao An ước tính khoảng 3,62 – 3,8 triệu USD.

Từ khóa: Biến đổi khí hậu, nuôi ngao, PRA, xã Giao An

ABSTRACT

This study assesses the impact of climate change on clam farming in Giao An commune, Giao Thuy district, Nam Dinh province, using participatory rapid assessment method ( PRA) and quantitative estimation of vulnerability method. The object is to assess the impact of four factors of climate change including the change in temperature, precipitation, storms’ frequency and sea level rise. The evaluation results show that sea level rise had the most effect on clam farming in Giao An commune, with a total average score of 38.03 points, following by extreme weather events such as storms, floods and droughts with 36.27 points. The impacts of precipitation and temperature on clam aquaculture were lower with 32.83 and 25.20 points. At the same time, the impact of climate change on clam farming activities in Giao An commune was also assessed by quantitative estimation of vulnerability method according to the climate change scenarios until 2030 at three different levels (low, medium and high). As a result, in 2030, the cost due to impacts of climate change in Giao An commune is expected about 3.62 – 3.8 million USD.

Keywords: Clam farming, climate change, Giao An commune, PRA

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Xã Giao An là một trong năm xã vùng đệm Vườn Quốc gia Xuân Thủy với hoạt động nuôi ngao phát triển mạnh, mang lại lợi nhuận cao và đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế – xã hội (KT – XH) của người dân. Trong bối cảnh BĐKH đang và sẽ tiếp tục diễn ra hết sức phức tạp thì hoạt động nuôi ngao ven biển của xã Giao An cũng là một trong những lĩnh vực chịu tác động lớn. Thực tế, những năm gần đây sản lượng ngao nuôi chịu nhiều tổn thất do những biểu hiện của biến đổi khí hậu về nhiệt độ, lượng mưa, các hiện tượng thời tiết cực đoan và đặc biệt là tình hình NBD gây xâm nhập mặn [3].

Tuy nhiên, cho đến nay, các nghiên cứu về tác động của BĐKH đến lĩnh vực nuôi ngao của xã Giao An vẫn còn hạn chế, chủ yếu là các nghiên cứu mang tính định tính, riêng lẻ, chưa lượng hóa được cụ thể các ảnh hưởng của BĐKH. Chính vì vậy, để phát triển nuôi ngao bền vững, cần phải đánh giá được tác động của BĐKH để xây dựng các giải pháp thích ứng nhằm phát huy và tận dụng hiệu quả các tác động có lợi, hạn chế các tác động bất lợi từ chính BĐKH.

Xuất phát từ thực tế nêu trên, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến hoạt động nuôi ngao tại xã Giao An thông qua yếu tố nhiệt độ, lượng mưa, sự thay đổi tần suất bão lũ và nước biển dâng. Những đánh giá này là cơ sở để đưa ra các biện pháp thích ứng phù hợp trong quá trình nuôi ngao tại địa phương.

  1. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Thời gian và địa điểm nghiên cứu
– Thời gian nghiên cứu: Từ tháng 4/2017 đến tháng 8/2018 (Đợt 1: từ 12/10/2018 đến 26/10/2017; Đợt  2: từ 5/4/2018 đến 16/4/2018)
– Địa điểm nghiên cứu: Tại bãi bồi nuôi ngao xã Giao An, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định

2.2. Phương pháp nghiên cứu

2.2.1. Phương pháp đánh giá nhanh nông thôn PRA

Đầu tiên, nghiên cứu sử dụng phương pháp đánh giá nhanh nông thôn PRA để điều tra các hộ gia đình nuôi ngao, sau đó tiến hành phỏng vấn sâu các cán bộ quản lý tại địa phương để tìm hiểu hoạt động nuôi ngao tại xã Giao An. Để xác định các tác động của BĐKH đến hoạt động nuôi ngao và tác động trực tiếp đến cộng đồng cư dân, nghiên cứu sử dụng hình thức thảo luận nhóm với cộng đồng người nuôi ngao tại địa phương xã Giao An.

2.2.2. Phương pháp đánh giá thu thập thông tin định tính (IMHEN)

Nghiên cứu đã sử dụng các công cụ đánh giá định tính theo “Hướng dẫn đánh giá tác động của BĐKH và xác định các giải pháp thích ứng” của Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và BĐKH [7]. Cụ thể, nghiên cứu xây dựng các ma trận tác động, liệt kê các tác động do BĐKH ảnh hưởng đến hoạt động nuôi ngao và những đối tượng liên quan (các biểu hiện theo kịch bản BĐKH 2016, bộ TNMT) bao gồm: Biến đổi nhiệt độ, biến đổi lượng mưa, NBD và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Khi một hệ thống bị tác động thì các yếu tố bên trong hệ thống đó có thể bị tác động tích cực hoặc tiêu cực (bị tổn thương), đối với hoạt động nuôi ngao các yếu tố bị tác động ngoài đối tượng chính là ngao thì các yếu tố liên quan cũng bị tác động [1]. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả nghiên cứu các yếu tố bị tác động chính do BĐKH là: Tác động đến con nuôi (ngao), môi trường hệ sinh thái xung quanh và yếu tố KT-XH của cộng đồng người nuôi.

– Để có kết quả tác động và các đối tượng bị tác động vào bảng ma trận, ngoài lấy kết quả chung từ đánh giá nhanh nông thôn, nghiên cứu đã sử dụng bảng phỏng vấn sâu cán bộ địa phương, phỏng vấn sâu hộ gia đình, nhóm cộng đồng các cư dân hoạt động nuôi ngao ở xã bằng mẫu phiếu câu hỏi. Cụ thể, nhóm nghiên cứu thực hiện tham vấn 6 cộng đồng cư dân nuôi ngao tại 6 xóm: xóm 2, xóm 4, xóm 8, xóm 10, xóm 16, xóm 21, mỗi xóm tham vấn 30 hộ dân nên số phiếu phỏng vấn là 180 phiếu. Mức độ tác động được quy theo thang điểm từ 1-5 được thống nhất với cộng đồng cư dân như sau:

  • Mức tác động thấp nhất cho điểm 1
  • Mức tác động dưới trung bình cho điểm 2
  • Mức tác động trung bình cho điểm 3
  • Mức tác động trên trung bình cho điểm 4
  • Mức tác động cao nhất cho điểm 5

Bảng kết quả chấm điểm của 6 cộng đồng cư dân nuôi ngao được lấy trung bình để đánh giá, sau đó được xử lý bằng toán học Excel, vẽ biểu đồ để có sự so sánh các mức độ tác động và ảnh hưởng.

2.2.3. Phương pháp lượng giá tổn thất rủi ro do BĐKH đối với hoạt động nuôi ngao tại xã Giao An, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

Để đánh giá tổn thất rủi ro do BĐKH đối với hoạt động nuôi ngao tại xã Giao An, nhóm nghiên cứu đã dụng cách tiếp cận theo quan điểm của Trung tâm quốc tế về địa tai biến (ICG) của Viện Địa Kỹ thuật Na Uy như sau [5]:

R=H*V*E                       (1)

Trong đó:

R (Risk-Rủi ro): Khả năng tổn thất hay rủi ro do tai biến gây ra.

H (Hazard- tai biến): Khả năng xảy ra tai biến. Giá trị của H sẽ được xác định trong khoảng 0 đến 1, trong đó H = 0 tương ứng với không có tai biến xảy ra, và H = 1 tương ứng với chắc chắn có tai biến. H không có đơn vị.

V (Vulnerability-khả năng gây tổn thất): Khả năng xảy ra có thể gây tổn thất (tổn thương) đến con người, môi trường và các đối tượng liên quan tới đời sống sản xuất, sinh hoạt của con người. V được hiểu là khả năng con người và các tài sản về vật chất, xã hội, kinh tế, môi trường, văn hóa, thể chế, chính trị có thể bị tổn thất do tai biến gây ra. V không có đơn vị và có giá trị trong khoảng 0 đến 1, trong đó V = 0 tương ứng với không gây tổn thương và V = 1 tương ứng với tổn thương hoàn toàn [4].

E (Value of Vulnerable Elements): Giá trị ước tính của các yếu tố có thể bị tổn thất.

  1. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

3.1. Đánh giá về tác động của nhiệt độ

Sự thay đổi nhiệt độ là một trong những yếu tố gây ra tác động lớn nhất đến đặc điểm sinh trưởng và phát triển của ngao nuôi, làm con ngao chậm lớn, chất lượng ngao bị suy giảm. Kết quả thảo luận nhóm với cộng đồng nuôi ngao tại xã Giao An cho thấy nhiệt độ thay đổi được người dân địa phương quan sát biểu hiện thông qua số đợt nắng nóng kéo dài tăng lên vào năm 2010, 2015, 2016.

Hình 1. Đánh giá của cộng đồng địa phương về tác động của sự thay đổi nhiệt độ đến hoạt động nuôi ngao tại xã Giao An

Kết quả chung chấm điểm thảo luận nhóm cộng đồng về tác động của biến đổi nhiệt độ đối với hoạt động nuôi ngao được trình bày như Hình 1.

Từ kết quả trên cho thấy biến đổi về nhiệt độ tác động lớn nhất đến con nuôi và môi trường nuôi với tổng điểm trung bình là 11.5 điểm, trong đó tốc độ tăng sinh trưởng của ngao và sức khỏe ngao nuôi được cho điểm cao nhất lần lượt là 4 điểm và 3.2 điểm. Đối với HST liên quan có bị ảnh hưởng nguyên nhân do BĐKH cũng chưa rõ rệt. Điều kiện KT-XH của cộng đồng người dân bị ảnh hưởng với mức độ trung bình với 13 điểm.

3.2. Đánh giá về tác động của lượng mưa

Tác động do biến đổi lượng mưa ảnh hưởng đến sức khỏe ngao nuôi và môi trường nuôi (làm thay đổi giá trị pH, hàm lượng nồng độ oxy hòa tan trong nước). Kết quả thảo luận nhóm với cộng đồng nuôi ngao tại xã Giao An do biến đổi lượng mưa được trình bày như Hình 2.

Hình 2. Đánh giá của cộng đồng địa phương về tác động của sự thay đổi lượng mưa đến hoạt động nuôi ngao tại xã Giao An

Từ kết quả trên cho thấy biến đổi về lượng mưa tác động lớn nhất đến con nuôi và môi trường nuôi với tổng điểm trung bình là 13.6 điểm, trong đó sức khỏe con nuôi là 4.5 điểm, môi trường nuôi là 4.3 điểm . Đối với HST liên quan có bị ảnh hưởng nguyên nhân do biến đổi lượng mưa cũng bị tác động với yếu tố bị tác động lớn nhất là chất lượng môi trường nước (4.0 điểm). Điều kiện KT-XH của cộng đồng người dân bị ảnh hưởng với mức độ dưới trung bình.

3.3. Đánh giá về tác động của nước biển dâng

Người dân xã Giao An chủ yếu nuôi ngao ngoài bãi bồi. Do đó, tác động do NBD có sự khác nhau giữa hình thức nuôi ngoài bãi biển và hình thức nuôi trong đất liền. Các xóm được phỏng vấn đều có số hộ nuôi ngoài bãi bồi nhiều hơn số hộ nuôi trong đất liền. Đối với các hộ nuôi trong đất liền ở xã Giao An do có đê biển ngăn nên tác động của NBD chưa rõ rệt hoặc ít tác động. Vì vậy, việc đánh giá tác động do NBD chủ yếu quan tâm đến lượng ngao nuôi ngoài bãi bồi. Kết quả thảo luận nhóm với cộng đồng nuôi ngao tại xã Giao An do biến đổi lượng mưa được trình bày như Hình 3.

Hình 3. Đánh giá của cộng đồng địa phương về tác động của nước biển dâng đến hoạt động nuôi ngao tại xã Giao An

Như đã nói ở trên đối với Ngao nuôi ngoài bãi bồi ven biển thì tác tác động do NBD là tác động lớn nhất, tác động này ảnh hưởng đến mọi mặt của cộng đồng nuôi ngao. Kết quả thảo luận nhóm và chấm điểm ở Hình cho thấy, tác động của NBD chủ yếu tác động đến Môi trường nuôi với 15 điểm, và tác động đến KT-XH của cộng đồng nuôi rất lớn(17.83 điểm), đặc biệt là làm giảm sản lượng Ngao và thu nhập của cộng đồng cư dân. Với yếu tố còn lại là tác động đến hệ sinh thái liên quan chưa thật sự rõ rệt.

3.4. Đánh giá về tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan: bão, lũ

Theo ý kiến của cộng đồng và cán bộ xã thì bão thường đi kèm với mưa lớn và có thể gây nên lũ lụt. Thiệt hại của bão kèm theo lũ lụt cùng với mưa lớn gây lụt do tác động kèm theo của gió mạnh và nước biển dâng cao gây tác hại rất lớn đối với ngành nuôi ngao tại bãi bồi xã Giao An. Những năm trở lại đây, cường độ và tần suất của bão lũ có xu hướng bất thường khó cảnh báo gây nhiều bất lợi cho hoạt động nuôi ngao địa phương. Kết quả thảo luận nhóm với các cộng đồng địa phương cũng cho thấy, đa số sản lượng ngao nuôi ngoài bãi bồi ven biển sẽ hứng chịu tác động nặng nề của loại hình thiên tai này. Kết quả chấm điểm và thảo luận nhóm bởi tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan được trình bày như Hình 4.

Hình 4. Đánh giá của cộng đồng địa phương về tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan đến hoạt động nuôi ngao tại xã Giao An.

Như vậy, đối với đa số sản lượng ngao nuôi ngoài bãi bồi ven biển sẽ hứng chịu tác động nặng nề của loại hình thiên tai này. Cũng tương đương như tác động của NBD, tác động đến môi trường nuôi là 13.83 điểm và đến KT-XH của cộng đồng nuôi rất lớn với tổng điểm trung bình là 17.67 điểm.

3.5. Lượng giá tổn thất do tác động của BĐKH tác động tới sản lượng nuôi ngao

Để lượng giá tổn thất do hoạt động của BĐKH đối với sản lượng nuôi ngao, chúng tôi tập trung vào nghiên cứu tổn thất từ yếu tố nhiệt độ và với quy mô nghiên cứu này, vùng bị tổn thương nhỏ, việc xác định lượng tổn thất do tác động của BĐKH được thực hiện dựa trên kết quả của một số nghiên cứu trước đây. Nhóm tác giả sử dụng một số kết quả nghiên cứu tại miền Bắc vịnh Lagoom, nước Ý của Solidoro và cộng sự năm 2000 [2] bởi đây là khu vực có giống ngao và chịu tác động tương đương xã Giao An, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

Nghiên cứu này tính toán chi tiết theo kịch bản nhóm A1B- phát thải trung bình. Các kịch bản phát thải khác được tính toán tương tự. Nhiệt độ trung bình mùa hè khu vực Giao An là 28,5oC, theo kịch bản BĐKH tầm nhìn 2030 nhiệt độ sẽ tăng 0,5oC,  sự sinh trưởng phát triển của ngao giảm 30%, nhiệt độ tăng lên 1,0oC sự sinh trưởng phát triển của ngao sẽ giảm 40-50%. Đồng thời, xác suất có thể xảy ra của của từng trường hợp lần lượt là 5%, 75% và 20%. Do đó, mức độ thiệt hại cho nghề nuôi ngao đối với kịch bản nhóm A1B ước tính như sau:

          R2030 = (H1*V1 + H2*V2 + H3* V3) * E
= (0.05 *0.3+0.75*0.4+0.2*0.5)*E
= 0.405E.

Như vậy đến năm 2030 nghề nuôi ngao xã Giao An có khả năng giảm 40.5% do nhiệt độ tăng. Kết hợp với giá trị ước tính của các yếu tố có thể bị tổn thất (E) theo mô hình tính toán IMPACT do DElgalo thực hiện cho khu vực Đông Nam Á, nghiên cứu tìm ra kết quả tính toán tổn thất theo các kịch bản tầm nhìn 2030 (Bảng 1).

Như vậy, theo tính toán đến năm 2030, mức tổn thất do tác động của BĐKH tại xã Giao An ước tính khoảng 3.62 – 3.8 triệu USD. Đây là lượng tổn thất lớn, đòi hỏi địa phương phải có những biện pháp phù hợp nhằm giảm thiểu và thích ứng với tác động của BĐKH.

  1. KẾT LUẬN

Kết quả đánh giá ở cấp độ cộng đồng cho thấy hoạt động nuôi ngao tại xã Giao An, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định bị ảnh hưởng lớn nhất do biểu hiện của NBD với tổng điểm trung bình là 38,03 điểm và các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ, hạn hán với 36,27 điểm. Tác động của lượng mưa và nhiệt độ đối với hoạt động nuôi ngao tại xã Giao An ở mức thấp hơn với 32,83 điểm và 25,20 điểm. Trong các yếu tố bị tổn thương thì sức khỏe con nuôi, môi trường ao nuôi và thu  nhập của cộng đồng cư dân bị tác động mạnh nhất.

Lượng giá tổn thất do sự thay đổi nhiệt độ từ tác động của BĐKH tác động tới sản lượng nuôi ngao với cách tiếp cận theo quan điểm của Trung tâm quốc tế về địa tai biến (ICG) của Viện Địa Kỹ thuật Na Uy. Theo tính toán đến năm 2030, mức tổn thất do tác động của BĐKH tại xã Giao An ước tính khoảng 3,62 – 3,8 triệu USD.

LỜI CẢM ƠN

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự hỗ trợ của Đề tài “Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, mô hình quản lý, sử dụng khôn khéo đất ngập nước tại Khu Dự trữ Sinh quyển ven biển liên tỉnh Châu thổ Sông Hồng”, mã số ĐTĐL.CN-24/17.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2017, Kịch bản biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Hồng, cập nhật 2016.
[2]. Cosimo Solidoro, R. Padres, D. Melaku Canu, M. pellizzato, R. Ross, 2000, Modelling the growth of Tapes philippinarum in Northern Adriatic lagoons. Marine Ecology Progress Series.
[3]. Diễn đàn Phát triển Việt Nam -VDF, 2017, Biến đổi khí hậu và sinh kế ven biển.
[4]. Nguyễn Thị Vĩnh Hằng, 2014, Đánh giá rủi ro tai biến trượt lở về người và tài sản tại thị xã Bắc Kạn. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Kinh tế và Kinh doanh. Tập 30, Số 1 (2014) 26-35.
[5]. Uzielli, M., 2009, Quantitative Estimation of Vulnerability to Landslides: the VIS framework. International Centre for Geohazards (ICG). Norwegian Geotechnique Institute.
[6]. Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, 2016, Dự án phân tích khí hậu độ phân giải cao cho Việt Nam.
[7]. Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường – IMHEN, 2011, Tài liệu hướng dẫn đánh giá tác động của BĐKH và xác định các giải pháp thích ứng. NXB Khoa học và Kỹ thuật.

Nhóm tác giả thực hiện:
Trần Thanh Lâm, Đỗ Thị Mỹ Lương, Lê Anh Tú, Ngô Đức Thuận,
Ngô Thị Định,
Mai Thị Huyền
(Viện Khoa học MT&BĐKH, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam),
Ngô Trần Quốc Khánh
(Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội).