BVR&MT – Hạn hán, biến đổi khí hậu, tham vọng phát triển và chính trị nguồn nước thượng nguồn đang đẩy Đông Nam Á vào mối thảm họa tiềm tàng.
Các chuyên gia cảnh báo hạn hán nghiêm trọng đã khiến mực nước sông Mê Công ở Đông Nam Á giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 100 năm qua có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho cá cũng như hàng chục triệu người sống và lao động dọc theo sông.
Cuộc khủng hoảng bắt đầu khi những cơn mưa đầu mùa, thường bắt đầu vào cuối tháng 5 ở khu vực sông Mê Công, không đến. Thời tiết khô hanh, do hiện tượng El Niño và trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu, kéo dài sang tận tháng 7. Cùng lúc, các nhà quan sát cho biết tình hình trở nên tồi tệ hơn bởi các nhà điều hành đập thủy điện thượng nguồn, ở Trung Quốc và Lào, giữ nước cho mục đích riêng.
Rồi cuối cùng, vào hạ tuần tháng 7, những cơn mưa cũng bắt đầu rơi ở phần lớn lưu vực sông, mực nước tăng chậm, các chuyên gia cảnh báo thiệt hại tiềm ẩn từ hạn hán có thể tồi tệ hơn năm 2016, khi hạn hán gây cháy rừng quanh Hồ Tonle Sap ở Campuchia và làm gián đoạn trên diện rộng sản xuất lương thực.
Nhiều nông dân trong khu vực đã không thể gieo trồng vụ chính, làm dấy lên lo ngại về lượng thu hoạch giảm sút mạnh vào mùa thu này.
Lưu lượng nước ít hơn cũng có thể có tác động tàn phá đến sinh sản của cá trong lưu vực sông Mê Công. Đây thường là thời gian cá lấy mực nước tăng làm chỉ dấu đẻ trứng và phát tán cá con, nhưng cho đến thời điểm này trong năm nay, có rất ít bằng chứng cho thấy điều này xảy ra.
Điều đáng báo động hơn là các chuyên gia cho rằng hạn hán và gián đoạn dòng chảy sông Mê Công sẽ trở nên phổ biến hơn, thậm chí toàn bộ hệ sinh thái có thể sụp đổ.
Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Stimson, Washington cho biết “việc xây dựng ngày càng nhiều các đập dòng chính cùng với tác động tích lũy của biến đổi khí hậu sẽ khiến Mê Công kiệt quệ và thời điểm bùng phát sẽ bắt đầu khi Mê Công không thể gánh nổi những thay đổi ngày càng đến gần”.
Xung lũ
Bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, sông Mê Công chảy qua sáu quốc gia châu Á, bao gồm Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, trước khi đổ ra Biển Đông. Lưu vực sông là nơi có nghề cá trên đất liền lớn nhất thế giới, cung cấp sinh kế cho hơn 60 triệu người phụ thuộc.
Rất ít con sông trên thế giới có mực nước lên xuống theo mùa nhiều như sông Mê Công, có thể chỉ còn 12 m ở một số nơi vào cuối mùa khô. Khi những cơn mưa mùa đến, thường tạo ra xung lũ mang theo trầm tích thiết yếu cho nông nghiệp cũng như vô vàn ấu trùng và cá con, bao gồm nhiều loài cực kỳ nguy cấp như cá tra dầu, vào hồ Tonle Sap Hồ và các vùng đồng bằng ngập nước khác, nơi chúng có thể trưởng thành.
Hàng năm, các nhà khoa học vẫn thu thập mẫu cá nhỏ và ấu trùng trên sông Mê Công gần Phnom Penh, Campuchia. Tuy nhiên, thời điểm này năm nay, mực nước dưới mức bình thường đã không tạo ra xung lũ nên họ không thấy bất kỳ sự phát tán ấu trùng cá nào.
Zeb Hogan, nhà sinh vật học chuyên nghiên cứu về cá thuộc Đại học Nevada, Reno, cũng là người đứng đầu một dự án của USAID có tên Kỳ quan sông Mê Công, cho biết: “Không có xung lũ, cá có thể chậm đẻ hoặc không đẻ trứng. Đối với các loài quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng, tình trạng này đe dọa sự sống còn của loài, còn với các loài cá quan trọng về mặt thương mại, lượng đánh bắt được trong tương lai có thể giảm đáng kể”.
Theo nhà sinh thái học thuộc Tổng cục Thủy sản Campuchia Peng Bun Ngor, dòng chảy cạn cũng buộc cá bố mẹ phải tập trung trong những không gian dễ bị ngư dân bắt hơn.
“Điều này làm tăng thêm vấn đề hiện tại là lượng cá bổ sung thấp”.
Chính trị và các con dập
Năm nay, thời tiết khô hạn ở khu vực sông Mê Công kéo dài do hiệu ứng El Niño. Nhưng các chuyên gia cho rằng biến đổi khí hậu cũng là một yếu tố khiến mùa mưa mùa ngắn đi đáng kể.
“Tôi chắc rằng hạn hán hiện tại do sự thay đổi của các kiểu thời tiết thế giới là kết quả của thay đổi toàn cầu, đặc biệt là xu hướng ấm lên, và sẽ không ngạc nhiên nếu hiện tượng này kéo dài thêm vài năm nữa”, Peter Moyle, giáo sư danh dự sinh học thuộc Đại học California, phân tích.
Nhóm của Moyle cho rằng các con đập ở thượng nguồn sông Mê Công đang góp phần làm suy thoái toàn bộ hệ thống sông.
“Các con đập giữ trầm tích, ngăn cá di cư và tạo ra các hồ chứa”, ông nói thêm rằng các con đập sẽ làm ảnh hưởng từ hạn hán tệ hơn.
Trung Quốc, vận hành 11 đập dọc theo dòng chính sông Mê Công, đã bị chỉ trích đặc biệt việc bí mật vận hành các con đập mà không quan tâm nhiều đến dòng chảy xuống hạ nguồn. Nước này cũng không phải là thành viên của Ủy hội sông Mê Công quốc tế – cơ chế liên chính phủ được thành lập năm 1995 để thúc đẩy đối thoại khu vực ở lưu vực hạ nguồn dòng sông.
Quyết định của Trung Quốc về việc giảm một nửa lượng nước xả ra từ đập Cảnh Hồng trong hai tuần tháng 7 do “bảo trì lưới điện” được cho là tác nhân quan trọng gây ra mực nước sông Mê Công thấp lịch sử vào năm nay. Việc Trung Quốc hứa sẽ xả nhiều nước hơn trong tương lai càng làm tăng mối lo ngại về mức độ mà nước này kiểm soát dòng chảy của sông Mê Công.
“Điều này nêu bật sự bất bình đẳng tiềm tàng giữa các quốc gia lưu vực sông Mê Công. Những quốc gia giàu có hơn thu được nhiều lợi ích hơn từ các đập thủy điện, bao gồm lợi ích kinh tế và tăng nguồn cung năng lượng trong khi các quốc gia nghèo bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi suy thoái môi trường và giảm an ninh lương thực”, theo Sarah Null, giáo sư Khoa Khoa học lưu vực thuộc Đại học bang Utah.
“Cục pin của châu Á”
Nhiều chuyên gia đặc biệt lo ngại về tác động môi trường từ kế hoạch của Lào, biến mình thành “cục pin của Đông Nam Á” bằng cách xây dựng hàng chục đập thủy điện trên sông Mê Công và các dòng nhánh rồi bán điện cho các nước láng giềng.
Đầu tháng 7, cùng lúc Trung Quốc giảm xả nước từ đập Cảnh Hồng, Lào cũng tiến hành thử nghiệm tại con đập Xayaburi khổng lồ ở phía bắc nước này – dự án thủy điện đầu tiên trên dòng chính sông Mê Công, dự kiến hòa lưới điện vào tháng 10 năm nay. Các thử nghiệm có thể đã làm gián đoạn thêm dòng chảy sông Mê Công.
Là một trong những quốc gia nghèo nhất khu vực, Lào có gần 50 thủy điện hoạt động trên nhiều dòng nhánh sông Mê Công và hơn 50 đập khác được lên kế hoạch hoặc đang được xây dựng, nhiều đập trong số này nằm dọc theo dòng chính sông Mê Công. Năm ngoái, một con đập vỡ ở miền nam Lào, làm ngập lụt nhiều khu vực rộng lớn và cướp đi tính mạng hàng chục người.
Các nhà môi trường từ lâu đã cảnh báo rằng chi phí môi trường trong các dự án của Lào không được đánh giá đầy đủ hoặc không là yếu tố quan trọng trong quá trình ra quyết định.
Eyler, tác giả của cuốn sách Những ngày cuối cùng của sông Mê Công, chỉ rõ “có cả một hệ thống hỗn hỗn về thủy điện và chính trị nguồn nước trong khu vực. Không hề có cái gọi là tầm nhìn tổng thể về “cục pin của Châu Á” và hoàn toàn không có tầm nhìn về cách thức cục pin đó hoạt động như thế nào”.
Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu cho thấy một số quốc gia trong lưu vực sông Mê Công đang chuyển sang các dạng năng lượng thay thế. Các quan chức Campuchia bày tỏ nghi ngờ về kế hoạch đối với hai con đập trên sông Mê Công do Trung Quốc xây dựng ở phía bắc nước này, thay vào đó Campuchia muốn tăng sản lượng điện mặt trời.
Hogan nói rằng sông Mê Công phải tránh được số phận của những con sông bị tàn phá nặng nề khác như Colorado ở Mỹ – nơi chứng kiến sự thay đổi hoàn toàn của thủy văn tự nhiên và gần như thất bại trong việc sinh sản và bổ sung hầu hết các loài cá bản địa.
Ông chỉ ra rằng dù lưu vực sông Mê Công đã được chứng minh là có khả năng phục hồi đáng kể qua nhiều năm thì hiện tại vẫn đang phải đối mặt với áp lực chưa từng có.
“Thay đổi diễn ra nhanh hơn cùng với các tác động tích lũy từ các yếu tố gây căng thẳng xuyên biên giới và các tác động sắp xảy ra của biến đổi khí hậu chỉ ra một nỗi sợ rằng dòng sông, là huyết mạch của hầu hết Đông Nam Á, sẽ dần mất đi chức năng cho đến khi nó không còn duy trì được sự đa dạng lớn lao của động vật hoang dã và hàng triệu người phụ thuộc vào”.
Nhật Anh (Theo National Graphic)