Chủ động phòng chống bão, ngập úng cho công trình xây dựng ngành Nông nghiệp

BVR&MT – Mới đây, Sở NN&PTNT TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 2117/SNN-QLXD yêu cầu các đơn vị trực thuộc chủ động đối phó, phòng chống bão, ngập úng, đảm bảo an toàn công trình, giảm nhẹ thiên tai do bão gây ra.

Ảnh minh họa.

Theo đó, để chủ động phòng, chống và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi xảy ra bão, ngập úng do mưa lớn nhằm bảo vệ an toàn tính mạng người dân, bảo vệ tài sản, công trình nông nghiệp, sản xuất của người dân thì các đơn vị trực thuộc cần tăng cường công tác kiểm tra các công trình đang thi công, sẵn sàng vật tư, phương tiện phòng chống lụt bão theo phương châm “4 tại chỗ”; chủ động đối phó với mọi diễn biến của mưa bão để công trình sẵn sàng ứng phó với các tình huống khi có mưa, lũ lớn. Đặc biệt, đối với các công trình xử lý cấp bách trên địa bàn huyện Chương Mỹ (Xử lý cấp bách nâng cấp đê tả Bùi đoạn từ trạm bơm Trung Hoàng đến hết tràn Thanh Bình; sự cố sạt lở đê hữu Bùi II đoạn qua 3 xã Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) đang thi công phải đề nghị nhà thầu tập trung thực hiện ngay các công việc thi công các hạng mục để vượt lũ.

Đối với Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố Hà Nội (Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa) – giai đoạn 1: Khẩn trương chỉ đạo nhà thầu thi công gói thầu số 19 lắp đặt ngay cửa van cho cống tiêu tự chảy; kiểm tra, khơi thông lòng dẫn kênh La Khê phạm vi thượng, hạ lưu cống La Khê đảm bảo tiêu thoát cho kênh La Khê khi Trạm bơm Yên Nghĩa vận hành bơm tiêu.

Đồng thời, phải có phương án đảm bảo an toàn công trình, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện máy móc thi công, con người và vật tư phù hợp để phòng chống như sử dụng bạt phủ cho tràn nước chủ động nhằm giảm thiểu thiệt hại khi nước dâng vượt đỉnh đê; bao tải dự trữ, cát, đá để sẵn sàng hàn khẩu. Có phương án phòng chống lụt bão, ngập úng ở các công trình đang thi công đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nơi xây dựng công trình để xử lý kịp thời, hiệu quả nếu có sự cố xảy ra.

Bên cạnh đó, cần tăng cường cán bộ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tại hiện trường, nhất là các vị trí trọng điểm, các vị trí xung yếu phát hiện kịp thời các yếu tố gây bất lợi đến an toàn công trình, phát hiện kịp thời mạch đùn, mạch sủi, thông tin kịp thời theo quy định để xử lý giờ đầu ngăn chặn diễn biến xấu đối với công trình. Rà soát phương án phòng chống lụt bão, ngập úng ở các công trình đang thi công, các vị trí trọng điểm, đôn đốc thực hiện theo đúng phương án được duyệt…

Thạch Thảo