BVR&MT – Ngày 21/6, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Y tế và các Bộ ngành liên quan cùng UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển dược liệu vùng Tây Nguyên và các tỉnh Nam Trung Bộ”.
Tham dự hội nghị có ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ, PGS – TS Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục quản lý Y dược cổ truyền, Bộ Y tế, ông Lê Trung Chinh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố, ở khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ và các nhà khoa học, các nhà chuyên môn.
Theo báo cáo của Viện Dược liệu, hiện nay, ứng dụng khoa học công nghệ được tập trung vào sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Nhiều công nghệ và phương pháp nghiên cứu tiên tiến như: Viễn thám, định vị vệ tinh được ứng dụng để đánh giá thực trạng nguồn tài nguyên dược liệu. Vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ đã triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ để phát triển sản phẩm dược liệu, trong đó tiêu biểu như: Hoàn thiện quy trình sản xuất piperin và tích hợp công nghệ thu tinh dầu trong quá trình chế biến tiêu trắng tại tỉnh Đắk Nông; nghiên cứu công nghệ tách chiết sản xuất viên nang và trà hòa tan hỗ trợ bệnh cao huyết áp và mỡ máu từ đài hoa bụp giấm; nghiên cứu chiết tách phân đoạn kháng oxy hóa từ quả me rừng; sản xuất cao khô từ lá dâu tằm…
Để quản lý và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên và phát triển dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (tại quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013). Đây là cơ sở quan trọng để phát triển dược liệu mà khoa học công nghệ được xác định là một trong các giải pháp trọng tâm.
Hiện nay, các ứng dụng KH&CN đang được tập trung vào một số lĩnh vực để phát triển dược liệu như: điều tra, đánh giá nguồn tài nguyên dược liệu, nghiên cứu bảo tồn và phát triển các nguồn gen có giá trị, nghiên cứu chọn tạo giống, xây dựng quy trình trồng theo GACP, xây dựng mô hình trồng, nghiên cứu làm sáng tỏ giá trị của dược liệu và phát triển các sản phẩm từ dược liệu… Tuy vậy, việc ứng dụng KH&CN vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ, chưa tạo được nhiều đột phá trong công tác phát triển dược liệu cho vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ là vùng có tiềm năng to lớn về phát triển dược liệu. Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu của Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã xác định đây là 2 vùng phát triển dược liệu trọng điểm.
Trong những năm gần đây, các địa phương trong vùng đã có nhiều quan tâm, chú trọng đến công tác phát triển dược liệu. Nhiều tỉnh đã triển khai, thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu, đánh giá tiềm năng, lợi thế; xây dựng quy hoạch, chương trình, thông qua nghị quyết về phát triển dược liệu để phát triển kinh tế địa phương. Nhờ đó mà đã tạo ra được nhiều sản phẩm dược liệu mới phục vụ chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.
Nhiều chương trình dự án về khoa học công nghệ như: Chương trình Tây Nguyên, Chương trình sản phẩm quốc gia sâm ngọc linh, nhiều nhiệm vụ khoa học của các chương trình khác nhau như Chương trình Quỹ gen, Chương trình Nông thôn mới… đã triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào cuộc sống trong đó có thúc đẩy phát triển dược liệu.
Tuy nhiên, thực tiễn phát triển trong thời gian qua cho thấy, ngành dược liệu của vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị tạo ra chưa nhiều. Nhiều loại dược liệu quý chưa được quy hoạch, phát triển chuỗi giá trị dẫn đến hiệu quả thấp, có nguy cơ cạn kiệt.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển dược liệu còn hạn chế; chưa có chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển ngành dược liệu; chưa có sự liên kết chặt chẽ trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ dược liệu; công tác xây dựng và quảng bá thương hiệu dược liệu của các tỉnh trong vùng còn yếu kém.
Bàn giải pháp để đẩy mạnh phát triển vùng dược liệu, PGS.TS Lê Việt Dũng – Phó Viện trưởng Viện Dược liệu (Bộ Y tế) cho rằng: Cần xây dựng cơ chế đặc thù đối với công tác phát triển dược liệu ở địa phương để phục hồi, phát triển các vùng trồng dược liệu truyền thống; cần có chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp triển khai nuôi trồng, khai thác và phát triển dược liệu; ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất theo hướng hàng hóa hiện đại và phù hợp với cách mạng 4.0 trong phát triển dược liệu.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Toàn, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của VQG và KBTTN là triển khai các hoạt động bảo tồn. Nhìn chung, các loài thực vật được bảo vệ nguyên vị (in situ) tương đối tốt, đặc biệt trong các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, ban quản lý các VQG và KBTTN đã có nhiều cố gắng trong việc bảo vệ, duy trì hiện trạng đa dạng sinh học của khu vực quản lý. Công tác bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên được thực hiện thông qua các dự án bảo tồn, triển khai thực hiện nhiều đề tài khoa học và các dự án quốc tế với tài trợ từ nhiều tổ chức phi chính phủ.
Bảo tồn chuyển vị (ex situ) là cách thức di chuyển đối tượng bảo tồn khỏi vị trí mà chúng tồn tại và được lưu giữ trong ngân hàng gen, bảo tàng hoặc cũng có thể di chuyển đối tượng cần bảo tồn đến vị trí, địa điểm phù hợp hơn như vườn thực vật, vườn cây thuốc để bảo tồn các loài quý hiếm. Bảo tồn chuyển vị đã đóng góp đáng kể cho hoạt động bảo tồn các loài thực vật đã và đang bị diệt chủng ngoài tự nhiên. Đây là hoạt động chủ yếu trong thời gian qua vừa đảm bảo mục tiêu bảo tồn vừa phục vụ cho công tác phát triển giống của các loài dược liệu quý hiếm. Dựa trên cơ sở phát hiện các loài dược liệu quý hiếm, nhiều đơn vị nghiên cứu trong nước đã tiến hành thu thập mẫu giống và sử dụng các kỹ thuật sinh học, kỹ thuật nông nghiệp để nhân giống, gây trồng ở các khu vực khác ngoài VQG và KBTTN.
Tại hội nghị còn diễn ra các tham luận sự chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nghiệp Hàn Quốc về nghiên cứu giải pháp công nghệ chế biến dược liệu áp dụng vào Việt Nam.
Hồng Sơn