Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ): Đánh giá tính dễ bị tổn thương do thiên tai đối với sản xuất lúa

Tóm tắt – Biến đổi khí hậu, đặc biệt là thiên tai và thời tiết cực đoan có tác động mạnh mẽ đến ngành nông nghiệp nước ta, đặc biệt là ngành trồng lúa. Nghiên cứu được áp dụng theo đề xuất của IPCC – 2007 để đánh giá tính dễ bị tổn thương do thiên tai đối với hoạt động trồng lúa.

Ảnh minh họa.

Kết quả nghiên cứu ở các huyện chịu tác động của thiên tai ở Huyện Thanh Ba – Tỉnh Phú Thọ cho thấy, Xã Đỗ Xuyên và Yển Khê là 2 xã có tính dễ bị tổn thương cao nhất (0.64) trên địa bàn huyện Thanh Ba vì có khả năng thích ứng kém và độ nhạy cao (Yển Khê) nên tính dễ bị tổn thương cao, xã Lương Lỗ có mức độ phơi nhiễm cao nên tính dễ bị tổn thương (0.57) của xã cao, xã Đông Thành có khả năng thích ứng kém nên có tính dễ bị tổn thương cao (0.58). Thị trấn Thanh Ba có mức độ dễ bị tổn thương thấp nhất.

I. Đặt vấn đề

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21, đã và đang gây ra những biến đổi mạnh mẽ thông qua các hiện tượng khí hậu cực đoan như nhiệt độ tăng, bão mạnh, mưa lớn, lũ lụt, hạn hán và nước biển dâng cao.

Theo đánh giá của Liên Hợp quốc Việt Nam là một trong số những quốc gia chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Thiên tai diễn ra ngày càng khắc nghiệt hơn, diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, không theo quy luật, tần suất tăng lên, cường độ mạnh hơn rõ rệt.

Là một huyện nghèo của tỉnh Phú Thọ, Thanh Ba thường xuyên chịu tác động của thiên tai. Các hiện tượng bão, ngập lụt, sạt lở đất, sụt lún nhà… thường xuyên xảy ra. Điển hình năm 2016 trên địa bàn huyện đã xảy ra 4 đợt gió lốc, mưa lớn cục bộ, sét đánh; ảnh hưởng hoàn lưu của 03 cơn bão (bão số 1; bão số 2 và bão số 3) và 02 đợt lũ lớn trên sông Thao, gây ngập úng 108.4 ha lúa; 95.7 ha ngô và 11,9 ha rau màu; tràn, vỡ mất trắng 15,18 ha ao nuôi trồng thủy sản và nhiều thiệt hại khác. Tổng giá trị thiệt hại ước tính: 5,52 tỷ đồng.
Trong đó, lúa là loại cây chịu nhiều tổn thương nhất do thời tiết diễn biến thất thường gây ra. Do vậy, việc tính chỉ số dễ bị tổn thương do thiên tai đối với sản xuất lúa ở huyện Thanh Ba là rất cần thiết. Qua đó, đề xuất một số giải pháp nhằm giúp chính quyền địa phương dễ dàng quản lý và đưa ra những chính sách phù hợp cho phát triển bền vững cây lúa trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ta hiện nay.

II. Phương pháp đánh giá tính dễ bị tổn thương

Lựa chọn phương pháp đánh giá tính dễ bị tổn thương theo phương pháp chỉ số của IPCC (CVI ):

Bước 1: xác định các chỉ thị thành phần theo các biến của tính dễ bị tổn thương:

Khu vực nghiên cứu gồm 26 xã và 1 thị trấn trên địa bàn huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Chỉ số tổn thương (CVI) tổng hợp bao gồm ba chỉ số chính (chỉ số cấp I): Mức độ phơi nhiễm (Exposure): E; Độ nhạy cảm (Sensitivity): S; Khả năng thích ứng (Adaptive Capacity): AC.

Mức độ phơi nhiễm (E) trong việc đánh giá mức độ dễ bị tổn thương do thiên tai gây ra cho cây lúa được hiểu là mức độ hứng chịu hay tác động của các tác nhân liên quan đến thiên tai, khí hậu và tác động trực tiếp đến cây lúa . Phần lớn tác động của thiên tai gây ra trên địa bàn huyện là các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ, bão và áp thấp nhiệt đới, gió lốc và mưa lớn cục bộ, lượng mưa trung bình năm, nhiệt độ trung bình năm.

Các tiêu chí liên quan đến độ nhạy (Sensitivity) là mức độ của một hệ thống chịu tác động (trực tiếp hoặc gián tiếp) có lợi cũng như bất lợi bởi các tác nhân kích thích liên quan đến khí hậu. Các tiêu chí về độ nhạy cảm phải căn cứ vào điều kiện thực tế tại các xã và căn cứ vào số liệu có sẵn vì vậy các chỉ thị độ nhạy được chọn bao gồm: Sử dụng đất trồng lúa, năng suất cây lúa.

Khả năng thích ứng (Adaptive Capacity) là khả năng của một hệ thống nhằm thích nghi với biến đổi khí hậu (bao gồm sự thay đổi cực đoan của khí hậu), nhằm giảm thiểu các thiệt hại, khai thác yếu tố có lợi hoặc để phù hợp với tác động của biến đổi khí hậu. Đối với huyện thanh ba thì đại diện các chỉ số khả năng thích ứng là sử dụng đất trồng khác, tài chính

Bước 2: chuẩn hóa chỉ thị cấp 2:

Các chỉ thị được thể hiện theo các đơn vị khác nhau. Bởi vậy, các chỉ thị sẽ được chuẩn hóa theo phương pháp sử dụng trong báo cáo Chỉ số Phát triển Con người của UNDP (HDI) (UNDP, 2006). Theo cách này, để thu được các số không còn phụ thuộc vào đơn vị và được chuẩn hóa, đầu tiên, chúng cần được chuẩn hóa để nằm trong khoảng từ 0 đến 1 và quá trình chuẩn hóa được thực hiện theo công thức:

Trong đó, Xij là giá trị cần chuẩn hóa, Max Xij và Min Xij lần lượt là giá trị lớn nhất và nhỏ nhất của chỉ số phụ thứ j của vùng i. Rõ ràng các kết quả đều nằm trong khoảng từ 0 đến 1. Giá trị 1 có nghĩa là vùng có giá trị cao nhất và 0 nghĩa là vùng có giá trị thấp nhất.

II. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Dựa vào công thức tính của IPCC, và các tài liệu thống kê, khảo sát thực địa, tác giả đã tính toán được các chỉ số thành phần (Chỉ số chỉnh, chỉ thị cấp 1, chỉ thị cấp 2, đơn vị tính).

  1. Tính toán mức độ phơi nhiễm E theo các xã

Xây dựng bảng tính toán mức độ phơi nhiễm E theo các xã của huyện Thanh Ba.

Kết quả tính toán mức độ phơi nhiễm do thiên tai gây ra cho cây lúa theo các xã cho thấy, những xã có mức độ phơi nhiễm cao là những xã nằm ven sông như: Lương Lỗ, Đỗ Sơn, Đỗ Xuyên, Sơn Cương, Thanh Hà Hoàng Cương… Do những xã này thường xuyên chịu ảnh hưởng lớn bởi các trận lũ xảy ra trong năm, thiệt hại về lúa do thiên tai gây ra cũng thường nằm ở những xã này là chủ yếu nên những xã này có mức độ phơi nhiễm thường sẽ cao hơn những xã không nằm ven sông khác. Lương Lỗ là xã có mức độ phơi nhiễm cao nhất do xã này có diện tích trồng lúa khá lớn và đặc biệt là thường xuyên xảy ra tình trạng mất an toàn đê, trong năm 2014 xã Lương Lỗ đã có tổng chiều dài bờ, và sông bị sạt lở nghiêm trọng là 300m dọc tuyến đê tả Thao từ km56,4÷km56,7 điều này làm tăng mức độ phơi nhiễm cho xã Lương Lỗ. ngoài Lương Lỗ thì 2 xã Đỗ Sơn và Đỗ Xuyên cũng là 2 xã mà có mức độ phơi nhiễm cao thứ 2 và thứ 3 ở trong huyện do cũng thường xuyên chịu bão lũ và bị thiệt hại về cây lúa cao do thiên tai gây ra.

2. Kết quả tính toán độ nhạy cảm (S)

Xây dựng được bảng tính toán mức độ nhạy cảm (S) theo các xã. Kết quả tính toán mức độ nhạy cảm (S) cho thấy: Năng suất cây trồng ở các xã ven sông thường thấp hơn so với các xã khác. Vì các xã này thường xuyên chịu tác động nhiều hơn bởi lũ và thiên tai gây ra. Thiệt hại do thiên tai gây ra cho cây lúa cũng lớn hơn rất nhiều. Năng suất lúa thấp nhất là là Lương Lỗ sau đó là Đỗ Xuyên, Đỗ Sơn, Đông Thành. Sở dĩ các xã này năng suất lúa thấp là vì có độ phơi nhiễm cao, Đỗ Xuyên, Đỗ Sơn, Đông Thành, Lương Lỗ thuộc vùng đồng đất khó khăn, nằm về cuối huyện, chân hai vụ, ba vụ, nhiều đất cát pha, diện tích phải bơm tưới cao. Tập quán sản xuất nông nghiệp trong dân còn bảo thủ ít thay đổi. Việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Đỗ Xuyên là xã có làng nghề đan lát mang lại thu nhập khá nên nhân dân không mấy mặn mà đối với nông nghiệp.

Những xã có năng suất lúa cao như xã Thanh Vân, Thị trấn Thanh Ba, xã Năng yên, xã Đồng Xuân sở dĩ những vùng này có năng suất cây trồng cao là vì độ phơi nhiễm của thấp hơn, đầu tư công nghệ cao hơn, người dân có nhận thức về nông nghiệp tốt và chính sách địa phương cũng rất tốt dành cho họ.

Về sử dụng đất, các xã có diện tích gieo trồng và tỷ lệ đất trồng lúa trên diện tích đất nông nghiệp cao sẽ có độ nhạy cảm cao hơn các xã khác như xã Yển Khê, Đông Thành Đỗ Xuyên, Lương Lỗ và Đỗ Sơn. Những xã có diện tích gieo trồng và tỷ lệ đất trồng lúa trên diện tích đất nông nghiệp thấp sẽ có độ nhạy cảm thấp hơn như 1 số xã Thị trấn Thanh Ba có độ nhạy cảm về sử dụng đất là thấp nhất do học gieo trồng và tỷ lệ đất trồng lúa/ diện tích đất nông nghiệp là thấp nhất, các xã như Vân Lĩnh, Thái Ninh Năng yên cũng như vậy có đất gieo trồng và tỷ lệ đất thấp.

Xét 2 yếu tố trên ta tính toán được ra các xã có độ nhạy cảm S cao như xã Yển Khê, Chí Tiên, Đông Thành, Đỗ Xuyên vì các xã này có năng suất hay sử dụng đất với độ nhạy cao. Một số xã như Vân Lĩnh, Thái Ninh, Sơn Cương, Đông Lĩnh, Vũ Yển có độ nhạy cảm thấp.

3. Kết quả tính toán khả năng thích ứng AC (Yếu tố quyết định khả năng DBTT, chỉ thị cấp 1, chỉ thị cấp 2, đơn vị)

Bảng 1. Đánh giá khả năng thích ứng AC theo xã.

Kết quả tính toán trên cho thấy, nơi có khả năng thích ứng cao nhất là xã Chí Tiên vì xã này được đầu tư kinh phí cho việc phòng chống thiên tai cao, việc chuyển đổi sử dụng đất trong việc sản xuất nông nghiệp rất tốt, tỷ lệ người dân đã qua đào tạo tương đối cao (50%) và người dân tham gia tập huấn , đào tạo về kiến thức trồng lúa cũng là 55%. Đứng thứ 2 và 3 là các xã Khải Xuân và Thị Trấn Thanh Ba, tuy không được đầu tư kinh phí cho việc phòng chống thiên tai nhưng nhờ việc chuyển đổi sử dụng đất tốt (Khải Xuân) và giáo dục cho người dân rất tốt nên 2 địa phương trên có năng lực thích ứng rất tốt trong địa bàn huyện. Tương tự cũng như vậy, xã Sơn Cương là xã thường xuyên xảy ra thiên tai nên được chính quyền địa phương ưu tiên cung cấp kinh phí phòng chống thiên tai, việc chuyển đổi sử dụng đất của Sơn Cương cũng rất tốt làm cho năng lực thích ứng của xã rất tốt.

Các xã có năng lực thích ứng thấp kể đến như Vân Lĩnh, Đông Lĩnh, Thái Ninh, Yển Khê, Đông Thành, Hanh Cù là những xã không được cung cấp kinh phí cho việc ứng phó thiên tai, khả năng chuyển đổi sử dụng đất kém (có diện tích trồng cây thay thế cho cây lúa thấp), việc tỷ lệ người dân được đào tạo và tham gia tập huấn thấp. Một số xã có tỷ lệ thấp do đó là xã nghèo đường đi lại khó khăn, người dân còn bảo thủ chậm đổi mới như xã Yển Khê, Đông Thành, Hanh Cù. Đỗ Xuyên là xã có làng nghề đan lát mang lại thu nhập khá nên nhân dân không mấy mặn mà đối với nông nghiệp cho nên họ ít đi tập huấn đào tạo, nguồn nhân lực được đào tạo cũng rất thấp.

4. Kết quả tính toán tính dễ bị tổn thương do thiên tai gây ra cho cây lúa trên địa bàn huyện Thanh Ba

Như ta đã thấy ở trên thì chỉ số dễ bị tổn thương là tập hợp của 3 chỉ số chính là mức độ phơi nhiễm ( E ), độ nhạy cảm ( S ) và khả năng thích ứng ( AC ) và được tính toán theo công thức: V =( E + S + 1 – AC )/3 từ đây ta sẽ tính toán được tính dễ bị tổn thương cho các xã trên địa bàn huyện Thanh Ba như sau:

Bảng 2. Tính dễ bị tổn thương do thiên tai gây ra cho cây lúc trên địa bàn huyện Thanh Ba.

Kết quả tính toán cho thấy:

Xã Đỗ Xuyên và Yển Khê là 2 xã có tính dễ bị tổn thương cao nhất trên địa bàn huyện Thanh Ba vì có khả năng thích ứng kém và độ nhạy cao (Yển Khê) nên tính dễ bị tổn thương cao, xã Lương Lỗ có mức độ phơi nhiễm cao nên tính dễ bị tổn thương của xã cao, xã Đông Thành có khả năng thích ứng kém nên có tính dễ bị tổn thương cao.

Thị Trấn Thanh Ba có tính dễ bị tổn thương thấp nhất vì ở đây có độ phơi nhiễm thấp và khả năng thích ứng cao nên tính dễ bị tổn thương thấp, xã Sơn Cương có độ nhạy cảm thấp nên tính dễ bị tổn thương thấp, xã Thanh Vân có khả năng thích ứng tốt nên tính dễ bị tổn thương thấp.

5. Kết luận

Trong cơ cấu kinh tế của huyện Thanh Ba, sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trồng lúa chiếm tỷ trọng lớn. Vì vậy Thanh Ba là huyện dễ bị tổn thương do tác động thiên tai. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ, gió lốc mưa lớn cục bộ, gây thiệt hại nặng nề đến nông nghiệp.

Để đánh giá tính dễ bị tổn thương trong hoạt động trồng lúa ở các vùng chịu tác động của thiên tai ở Huyện Thanh Ba tác giả đã xây dựng được các chỉ thị thành phần của các tiêu chí Độ phơi nhiễm, độ nhạy cảm và khả năng thích ứng.

Kết quả tính toán tính dễ bị tổn thương do thiên tai gây ra cho cây lúa trên địa bàn huyện Thanh Ba cho thấy, xã có mức độ dễ bị tổn thương cao nhất là Yển Khê, Đỗ Xuyên, Đông Thành, Lương Lỗ… đây là những xã có mức độ nhạy cảm cao (Yển Khê), mức độ phơi nhiễm cao (Lương Lỗ), khả năng thích ứng kém (Đỗ Xuyên, Đông Thành). Các xã có tính dễ bị tổn thương thấp như Thị Trấn Thanh Ba, Thanh Vân, Sơn Cương là những xã có độ phơi nhiễm thấp và khả năng thích ứng cao nên tính dễ bị tổn thương tại các xã này là thấp nhất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban chỉ đạo Trung Ương về phòng chống thiên tai. Báo cáo tổng kết nhiệm vụ 2017
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2008. Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu
3. Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường 2016. Kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam 2016
4. Cục thống kê tỉnh Phú Thọ. Niên giám thống kê tỉnh Phú Thọ năm 2014,2016
5. Đài khí tượng thủy văn Việt Bắc. Số liệu nhiệt độ, lượng mưa từ năm 1961-2010
6. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Ba. Báo cáo tổng kết công tác phòng chống lụt bão và phương hướng nhiệm vụ 2011-2016
7. Phòng tài nguyên và môi trường huyện Thanh Ba. Báo cáo kết quả kiểm kê đất đai năm 2014, 2016 huyện Thanh Ba tỉnh Phú Thọ IPCC (Intergovermental Panel on Climate Change) (2007), Fourth Assessment Report Synthesis Report.
8. IPCC (2013). Climate Change 2013 The Physical Science Basis Working Group I Contribution to the Fifth Assessment Report of the Intergovernmental Panel on Climate Chang


Bùi Thị Phương Thùy – Nguyễn Đức Nhật
(Bộ môn Biến đổi khí hậu & Phát triển bền vững -Trường Đại học Tài nguyên & Môi trường Hà Nội)