BVR&MT – Lệnh cấm của Trung Quốc là không đủ để cứu những con voi trên thế giới nếu không giải quyết được nạn buôn bán bất hợp pháp đang bùng nổ.
Cuối năm 2017, Trung Quốc đã thực hiện lời hứa năm 2015 với Hoa Kỳ về việc cấm bán ngà voi hợp pháp. Dù chắc chắn đây là một trợ lực lớn cho bảo tồn voi, Trung Quốc sẽ cần phải giải quyết nạn buôn bán ngà voi bất hợp pháp để có tác động lâu dài.
Trong tiền sảnh sân bay thủ đô Bắc Kinh, dường như cứ mỗi 100 mét lại xuất hiện một hình ảnh quảng cáo lôi cuốn: cầu thủ bóng rổ nổi tiếng thế giới Diêu Minh “chạm nắm đấm” với một con voi. Phía trên quảng cáo là dòng chữ bằng tiếng Trung nêu rõ: “Theo luật pháp, ngà voi không còn là hàng hóa”.
Quảng cáo này có ý nghĩa nhắc nhở thực tế là vào ngày 31/12/2017, mặc dù là thị trường ngà voi hợp pháp lớn nhất thế giới, việc buôn bán ngà voi hợp pháp bị chấm dứt – như National Geographic đưa tin, điều đó có nghĩa là “tất cả các xưởng chạm khắc và bán lẻ ngà voi được cấp phép đã bị đóng cửa”.
Một số chuyên gia hoài nghi về việc liệu Trung Quốc có tuân theo cam kết năm 2015, cùng với Hoa Kỳ, để thực hiện lệnh cấm ngà voi hay không. Nhưng không chỉ giữ lời hứa, Trung Quốc đã và đang thực hiện các những đi hữu hình để thực thi.
Tháng 2/2019, Trung Quốc ủng hộ quyết định của Tanzania trong việc kết án nữ hoàng ngà voi Dương Phụng Lan 15 năm tù cho tội buôn lậu ngà voi. Dương Phụng Lan sống ở Tanzania từ những năm 1970 và đóng nhiều vai, từ chủ một nhà hàng Trung Quốc đến Phó chủ tịch “Hội đồng doanh nghiệp Trung Quốc – châu Phi” – vị trí bà này nắm giữ tại thời điểm bị bắt giữ năm 2015. Trang web của tổ chức cho rằng họ cam kết phục vụ các nhà đầu tư Trung Quốc ở châu Phi, phụng sự cho sự phát triển của châu Phi và tích cực hưởng ứng các biện pháp của Diễn đàn về Hợp tác Trung Quốc – châu Phi (FOCAC). Dương Phụng Lan bị bắt cùng với hai công dân Tanzania, ngoài án tù 15 năm, còn bị phạt 13 triệu USD.
Trong thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao, phát ngôn viên Cảnh Sảng cho biết “Trung Quốc không bảo vệ công dân của mình phạm tội ở nước ngoài, và Trung Quốc giữ nguyên quyết định chính đáng của Tanzania trong trường hợp này”. Ông Cảnh cũng nói rõ ràng “cùng với cộng đồng quốc tế, trong đó có Tanzania, Trung Quốc sẵn sàng góp phần bảo vệ ĐVHD đang bị đe dọa và đàn áp buôn bán bất hợp pháp”. Không nghi ngờ gì nữa, sự chấp thuận của Trung Quốc về việc bắt giữ Dương Phụng Lan là một bước quan trọng để kiềm chế buôn bán ngà voi.
Trong khi đó, lệnh cấm gần đây, mới chỉ ban hành hơn một năm, đã bắt đầu cho thấy kết quả trong việc thay đổi quan điểm của người tiêu dùng Trung Quốc đối với ngà voi (mặc dù còn quá sớm để nói rằng lệnh cấm này có ảnh hưởng gì đến quần thể voi hay không). Tuy nhiên, không có buôn bán ngà voi hợp pháp thì buôn bán ngà voi bất hợp pháp đã phát triển. Để lệnh cấm năm 2017 có hiệu lực đúng nghĩa, Trung Quốc cũng sẽ cần phải kiểm soát buôn lậu ngà voi.
Để hiểu vì sao việc buôn bán ngà voi của Trung Quốc diễn tiến như ngày nay, cần quay trở lại điểm khởi nguồn từ những năm 1990.
Do nạn săn trộm voi tràn lan trong những năm 1980, Công ước CITES đã đưa voi vào danh mục Phụ lục I vào năm 1990. Phân loại này chỉ dành riêng cho những loài động thực và thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới, và việc đưa voi vào danh sách này có nghĩa là hoạt động bán ngà voi trên toàn thế giới về cơ bản đã bị cấm.
Ban đầu, nhiều quốc gia ở châu Phi báo cáo rằng lệnh cấm vô cùng hiệu quả và giúp ổn định quần thể voi của những nước này. Tuy nhiên, do nhiều quốc gia châu Phi không có nguồn lực dồi dào để bảo tồn động vật hoang dã nên nạn săn trộm tiếp diễn mặc dù ở mức độ thấp hơn nhiều so với trước lệnh cấm năm 1990 của CITES. Để quyên tiền bảo tồn voi, năm 1999, CITES đã chấp thuận việc “bán một lần” 49,4 tấn ngà voi dự trữ từ Botswana, Namibia và Zimbabwe sang Nhật Bản.
Số tiền từ việc bán ngà voi bị tịch thu này được sử dụng để tài trợ cho việc bảo vệ voi, và từ thành công của việc bán này mà CITES đã chấp thuận một vụ “bán một lần” khác vào năm 2008. Tuy nhiên, lần này được bán sang cả Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, ngoài 15 triệu đô la gây quỹ cho việc bảo tồn voi, vụ việc cũng góp phần hồi sinh cơn sốt ngà ở Trung Quốc – một quốc gia mà buôn bán ngà voi khi đó là hợp pháp.
Ở Trung Quốc, ngà voi được xem là biểu tượng giàu có. Những chiếc ngà thô được đưa vào Trung Quốc thường được biến thành đủ mọi thứ, từ tượng phật đến đũa. Với sự gia tăng tràn lan nhu cầu về ngà sau năm 2008, Tanzania đã chứng kiến quần thể voi hoang dã giảm từ 110.000 con voi vào năm 2009 xuống còn 44.000 con vào năm 2014. Dương Phụng Lan được cho là chịu trách nhiệm cho ít nhất 400 con voi bị giết. Là loài động vật có thời gian mang thai tới 22 tháng, việc phát triển quần thể voi là vô cùng khó khăn.
Trong khi đó, với sức mạnh mềm của Trung Quốc ngày càng tăng ở châu Phi, ngày càng nhiều công dân Trung Quốc bắt đầu chuyển đến sống ở những quốc gia có công nghiệp nặng của Trung Quốc hoạt động. Khi cơn sốt ngà voi tỏa nhiệt, một số người Trung Quốc này phát hiện ra rằng họ có thể kiếm lợi mà không làm dấy lên quá nhiều nghi ngờ từ chính quyền địa phương.
Hai quốc gia nói riêng liên quan nhiều đến công nghiệp Trung Quốc là Tanzania, nơi Dương Phụng Lan bị bắt và Mozambique. Tại Mozambique, Trung Quốc kiểm soát ngành công nghiệp gỗ địa phương, ngư dân từ Phúc Kiến và Quảng Đông chuyển đến đó từ những năm 1990 để tận dụng lợi thế của ngành công nghiệp hải sâm. Điều này mang lại sự phát triển của cộng đồng người Trung Quốc ở Đông Phi tuy nhỏ bé nhưng sôi nổi. Một khi họ nhận ra rằng ngà voi có lợi nhuận cao hơn nhiều so với hải sâm thì cái được gọi là “tổ chức Thủy Đông” đã ra đời.
Buôn lậu ngà voi bùng nổ do lệnh cấm ngà voi vào năm 1990 và sự quan tâm của người Trung Quốc đối với ngà voi tái hiện vào năm 2008, tạo ra một ngành kinh doanh béo bở cho những ngư dân biết cách xoay sở để đưa ngà voi bất hợp pháp từ châu Phi – nơi voi bị cấm săn bắn ở nhiều quốc gia về Trung Quốc – nơi được bán hợp pháp.
Một trong những tập đoàn tội phạm nổi tiếng hơn hoạt động trong lĩnh vực ngà voi là từ Thủy Đông, một thành phố nhỏ nằm ở phía bắc đảo Hải Nam trên Biển Đông. Một báo cáo quan trọng do Cơ quan điều tra môi trường quốc tế (EIA) công bố đã nêu chi tiết về sự vươn lên của “tổ chức Thủy Đông”.
Thành phố này ban đầu chuyên về các chuyến hàng hải sâm, ngư dân thường thực hiện các chuyến đi dài đến các đảo Zanzibar ở Tanzania và cảng Mombasa ở Kenya. Hiện nay những ngư dân đánh bắt hải sâm trước kia sẽ đi theo một tuyến đường phức tạp, qua đó họ vận chuyển ngà voi thô từ thành phố duyên hải Pemba ở Mozambique đến Hàn Quốc, nơi ngà ít bị hải quan kiểm tra. Từ Hàn Quốc, băng đảng mang hàng về Hồng Kông, ngụy trang thành hàng địa phương, và ngà voi qua mặt hải quan để đến Thượng Hải.
Từ Thượng Hải, ngà voi bất hợp pháp được đưa đến điểm đến cuối cùng trên đất liền, Thủy Đông, nơi chứa đến 80% ngà voi hiện là bất hợp pháp ở Trung Quốc. Đến cuối chuyến đi, theo ước tính của tờ The Economist, mỗi kilogram ngà voi có giá trị xấp xỉ 750 USD và mỗi lô hàng dự kiến thu được 1,3 triệu.
Tổ chức Thủy Đông vẫn tồn tại nhưng lệnh cấm ngà voi của Trung Quốc đang tạo ra sự khác biệt. Kể từ khi lệnh cấm có hiệu lực vào năm ngoái, một cuộc thăm dò do National Geographic thực hiện cho thấy “72% số người được hỏi sẽ không mua ngà voi so với tỷ lệ 50% trước khi có lệnh cấm”. National Geographic bình luận thêm rằng rất có thể đó là kết quả từ thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về tác động của việc buôn bán ngà voi vì cuộc thăm dò cho thấy chỉ 8% số người được thăm dò biết về lệnh cấm.
Ngoài ra, một báo cáo của WWF và TRAFFIC cho thấy 8/10 người được phỏng vấn đồng ý rằng lệnh cấm “sẽ khiến họ ngừng mua ngà voi…, chứng tỏ lệnh cấm có tác động đáng kể đến ý định mua hàng”.
Vanda Felbab-Brown, chuyên gia về buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và tội phạm có tổ chức thuộc Viện Brookings cho rằng bước tiếp theo là Trung Quốc nên thực hiện các cuộc khám xét quy mô lớn và liên tục với giới buôn bán. Điều này sẽ thực sự gửi thông điệp cho nhiều người Trung Quốc rằng ngà voi không còn là hàng hóa. Tuy nhiên, kể từ tháng 7/2017, đã không có một vụ bắt giữ đáng chú ý nào đối với bất kỳ ai ở Thủy Đông vì ngà voi.
Một cuộc điều tra khác của TRAFFIC cho thấy mặc dù tất cả các cửa hàng được cấp phép họ đến năm 2017 không còn bán ngà voi vào năm 2018, tổng lượng ngà voi bất hợp pháp mà họ phát hiện lại tăng. Từ 2017 đến 2018 TRAFFIC đã điều tra tại nhiều thành phố, kể cả một số thành phố dọc biên giới với Việt Nam, một điểm nóng khét tiếng về buôn bán ngà voi. Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại là các cửa hiệu tại các thành phố loại hai bán ngà voi bất hợp pháp dường như không bị ảnh hưởng.
Điều đáng báo động là 76% ngà voi được phát hiện năm 2018 là “ngà mới”, nghĩa là bị cắt sau lệnh cấm của Công ước CITES năm 1989. Tất cả ngà voi được tìm thấy ở các thành phố loại ba đều “còn mới”. Rõ ràng các nhà cung cấp vẫn đang săn trộm voi để lấy ngà.
Vụ bắt giữ Dương Phụng Lan gần đây và sự chấp thuận cấp cao của Bộ Ngoại giao là rất quan trọng bởi cho thấy không những Trung Quốc không còn tham gia vào buôn bán ngà voi mà còn ít nhất là ở cấp cao nhất của chính phủ, cam kết bảo tồn động vật hoang dã và hỗ trợ những nước khác – ngay cả khi điều đó có nghĩa là bỏ tù công dân Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong khi vụ bắt giữ Dương Phụng Lan là một tín hiệu quan trọng cho người Trung Quốc đi du lịch quốc tế về hậu quả của các hoạt động bất hợp pháp, nếu nước này không rà soát và trừng phạt những kẻ buôn lậu trong biên giới của mình, lệnh cấm sẽ không đạt được tác động lâu dài.
Dù vậy, việc thực thi lệnh cấm và bắt giữ Dương Phụng Lan là chỉ dấu cho thấy trong tương lai Trung Quốc sẽ chú trọng bảo tồn động vật hoang dã hơn. Đây là tín hiệu tốt cho những con voi.
Nhật Anh (Theo Thediplomat)