BVR&MT – Đó là lưu ý của đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, tại Hội nghị sơ kết quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm 2019 của Chương trình, chiều 3/4.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU, trong quý I/2019, thành phố Hà Nội tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng của thành phố, chính quyền các quận, huyện, thị xã triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh Dịch tả lợn châu Phi, bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm A/H5N6… Toàn Thành phố đã chuyển đổi được hơn 38.770 ha sau dồn điền đổi thửa sang các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, qua đó giúp tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác tăng.
Việc ứng dụng công nghệ cao đã được quan tâm, đẩy mạnh trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản cho năng suất cao, đảm bảo an toàn thực phẩm. Thống kê đến nay, toàn Thành phố có 131 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (tăng 4 mô hình so với năm 2018). Trong đó đáng chú ý là mô hình sản xuất nấm kim châm theo công nghệ Nhật Bản ở xã Đốc Tín (huyện Mỹ Đức); mô hình sản xuất rau thủy canh ở xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm); mô hình sản xuất giống và hoa lan hồ điệp ở xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng),… Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố.
Về xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay Hà Nội đã có 4 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức); 323/386 xã được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn NTM, về đích trước 2 năm so với mục tiêu đề ra. Thành phố đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để 3 huyện Quốc Oai, Gia Lâm, Phúc Thọ đạt chuẩn NTM năm 2018. Toàn thành phố có 325/386 xã đạt chuẩn NTM và 3 xã: Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung (huyện Đan Phượng) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2018. Trong số 61 xã chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 7 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí, 46 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, còn 8 xã đạt và cơ bản đạt từ 11-14 tiêu chí.
Từ năm 2016 đến tháng 3/2019, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình 02 là trên 39.772 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn xã hội hoá từ đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân là gần 3.482 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, 12 quận nội thành đã chung tay hỗ trợ các huyện xây dựng cơ sở hạ tầng NTM với tổng kinh phí trên 438 tỷ đồng.
Những kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình 02 đã giúp đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 46,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 1,81%. Trong đó, các huyện có thu nhập bình quân đầu người cao như: Thạch Thất 58 triệu đồng, Hoài Đức 48,6 triệu đồng, Gia Lâm 47,6 triệu đồng, Đông Anh 47 triệu đồng,…
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến tham luận của lãnh đạo các huyện, thị xã đã chỉ ra những khó khăn liên quan đến thực hiện các tiêu chí trong xây dựng NTM. Đó là công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tuy đã được quan tâm nhưng còn hạn chế; việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn khiêm tốn; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất cập. Đặc biệt đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân vùng xa trung tâm, thuần nông, vùng đồng bào dân tộc còn thấp, thiếu ổn định, kinh tế còn khó khăn, như huyện Ứng Hòa 37,1 triệu đồng/người/năm, Mỹ Đức 38 triệu đồng/người/năm, Ba Vì 38,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch tiêu chuẩn đô thị tại một số huyện còn thấp như: Ứng Hòa (32%), Mỹ Đức (33%),…
Đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong việc thực hiện Chương trình số 02 quý I/2019, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố còn rất nhiều thách thức. Đáng chú ý, trong quý I vừa qua, dịch tả lợn châu Phi bùng phát đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất của các hộ chăn nuôi. Do đó, đồng chí đề nghị các địa phương tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm sớm khống chế dịch bệnh. Đối với 12 quận, huyện đã phát sinh dịch bệnh, cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nguy cơ lây lan, thực hiện hỗ trợ kịp thời cho hộ chăn nuôi… Đặc biệt, các địa phương phải thành lập các đoàn đi kiểm tra nhằm kiểm soát và xử lý triệt để tình hình dịch bệnh.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, năm 2019 là năm được Hà Nội xác định tập trung để, tăng tốc, là giai đoạn nước rút để thực hiện hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu công tác lớn, trong đó có Chương trình số 02. Theo đó, các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh các mô hình nông nghiệp cho giá trị kinh tế cao và an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu gắn với chế biến nông sản để tạo thành chuỗi liên kết khép kín, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng cường công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực của ngành nông nghiệp nhất là lĩnh vực phân bón, thức ăn gia súc, chất lượng vật tư nông nghiệp … Đáng chú ý khuyến khích các xã đăng ký sản phẩm cho Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Đây là lĩnh vực mà Hà Nội có tiềm năng, lợi thế lớn nhưng chưa phát huy hết.
Về xây dựng NTM, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 02 yêu cầu, tăng cường tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức để tạo sự đồng thuận thống nhất cao trong nhân dân; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư cho xây dựng NTM; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch duy trì, nâng chất lượng các tiêu chí NTM ở các huyện và các xã đã đạt. Hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, công nhận 3 huyện (Quốc Oai, Gia Lâm, Phúc Thọ) đạt chuẩn NTM năm 2018. Hà Nội phấn đấu năm 2019, có từ 30 xã trở lên đạt chuẩn NTM và thị xã Sơn Tây hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, có thêm 2 đến 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới… Đối với các xã được quy hoạch trong đề án lên phường trong thời gian tới ở các huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức cần tập trung đầu tư đồng bộ, đáp ứng các tiêu chí của phường… Phải gắn quy hoạch xây dựng NTM theo hướng xây dựng đô thị, nhằm đồng bộ cơ sở hạ tầng trong tương lai…
Bên cạnh đó, các địa phương phải quản lý chặt chẽ các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, không để biến tướng đất nông nghiệp thành đất ở. Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU sẽ kiểm tra hiệu quả của các công trình hạ tầng sau đầu tư trong xây dựng NTM, trong đó có công trình của các quận hỗ trợ các huyện. Phó Bí thư Thường trực Ngô Thị Thanh Hằng cũng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc công tác tiếp dân, không để phát sinh điểm nóng, khiếu kiện đông người…
Tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã trao Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho 10 tập thể và 9 cá nhân có thành tích xuất sắc thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 – 2018.