BVR&MT – Độc giả hỏi: Tôi muốn hỏi cụ thể thế nào rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng?
Ý kiến của Luật sư Hãng Luật TGS LawFirm:
Rừng sản xuất, nhà nước quy định khái niệm cụ thể là rừng được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh gỗ, các lâm sản ngoài gỗ và kết hợp phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường (Quyết định số 49/2016/QĐ-TTg).
Theo đó, rừng sản xuất được phân ra thành hai loại:
- Rừng sản xuất là rừng tự nhiên gồm có: Rừng tự nhiên và rừng được phục hồi bằng biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên; căn cứ vào trữ lượng bình quân trên một hecta rừng tự nhiên được phân loại thành: Rừng giàu, rừng trung bình, rừng nghèo kiệt và rừng chưa có trữ lượng.
- Rừng sản xuất là rừng trồng gồm có: Rừng trồng bằng vốn ngân sách nhà nước, rừng trồng bằng vốn chủ rừng tự đầu tư (vốn tự có, vốn vay, vốn liên doanh, liên kết không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước) hoặc có hỗ trợ của nhà nước và các nguồn vốn khác.
Rừng phòng hộ là Rừng được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Bao gồm: rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển; rừng phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái.
Rừng phòng hộ được phân loại như sau:
Theo vị trí:
- Rừng phòng hộ đầu nguồn: Nhằm điều tiết nguồn nước cho các dòng chảy, các hồ chứa để hạn chế lũ lụt, giảm xói mòn, bảo vệ đất, ngăn sự bồi lấp lòng sông, lòng hồ. Chủ yếu là những nơi đồi núi có độ dốc cao, yêu cầu đối với rừng phòng hộ đầu nguồn phải tạo thành vùng tập trung có cấu trúc hỗn loài, nhiều tầng, có độ che phủ của tán rừng là 0,6 trở lên.
- Rừng phòng hộ ven biển: Được thành lập với mục đích chống gió hạn, chắn cát bay, ngăn chặn sự xâm mặn của biển, chắn sóng lấn biển, chống sạt lở, bảo vệ các công trình ven biển.
- Rừng phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái: Nhằm mục đích điều hòa khí hậu, chống ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư, khu đô thị, khu du lịch.
Theo mức độ xung yếu
- Rất xung yếu
- Xung yếu
Rừng đặc dụng là loại rừng được xác lập theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, có giá trị đặc biệt về bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng quốc gia, nguồn gen sinh vật rừng; nghiên cứu khoa học; bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; phục vụ nghỉ ngơi, du lịch, kết hợp phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường. (Khoản 1, Điều 3, Nghị định 117/2010/NĐ-CP về việc tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng)
Hệ thống rừng đặc dụng bao gồm:
- Vườn quốc gia
- Khu bảo tồn thiên nhiên gồm dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài- sinh cảnh
- Khu bảo vệ cảnh quan gồm khu rừng di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh
- Khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học
Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn Giám Đốc Hãng Luật TGS LawFirm Địa chỉ: Số 9 Ngách 6A – Ngõ 6 – Phạm Văn Đồng, Q.Cầu Giấy, TP. Hà Nội Số di động: 0918 368 772 Email: contact@newvisionlaw.com.vn |