BVR&MT – Mèo Vạc là huyện vùng cao biên giới và cũng là một trong 6 huyện nghèo của Hà Giang được thụ hưởng Chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Trên mảnh đất huyện Mèo Vạc, đất chủ yếu là đá, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các điều kiện tự nhiên phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như đất canh tác và nước tưới gặp nhiều khó khăn. Vì vậy để phát triển kinh tế huyện Mèo Vạc phải dựa chủ yếu vào chăn nuôi gia súc, chủ yếu là phát triển chăn nuôi bò hàng hóa.
Trong những năm qua, huyện Mèo Vạc đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao số lượng và chất lượng đàn gia súc trên địa bàn. Trong đó, phương pháp thụ tinh nhân tạo cho đàn bò đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, thực sự mở ra con đường thoát nghèo bền vững cho người dân địa phương.
Ông Ma Quốc Trưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Nhằm tạo điều kiện cho người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhất là tập trung phát triển đàn gia súc hàng hóa trên địa bàn, huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích thông qua các chương trình, dự án. Trong năm 2017, huyện đã hỗ trợ 560 con bò sinh sản thuộc Nghị quyết 30a của Chính phủ cho các hộ nghèo không có trâu, bò; hỗ trợ lãi suất cho các hộ vay vốn phát triển chăn nuôi bò hàng hóa và cung cấp giống cỏ phục vụ chăn nuôi. Bên cạnh đó, huyện Mèo Vạc đã phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng và Gia súc Phó Bảng ( huyện Đồng Văn) thực hiện mô hình điểm về thụ tinh nhân tạo trên đàn bò. Để mô hình đạt hiệu quả cao, huyện đã tổ chức tập huấn phương pháp thụ tinh nhân tạo trên đàn bò cho 15 cán bộ kỹ thuật thuộc khối nông nghiệp của huyện.
Sau hơn một năm triển khai đã có 60 con bê lai ra đời. Qua đánh giá của cơ quan chuyên môn, bê lai mới sinh có trọng lượng lớn hơn so với bê con được phối giống tự nhiên, trọng lượng bê con mới sinh từ thụ tinh nhân tạo bình quân đạt từ 20 – 22 kg/con, cá biệt có con đạt trên 30 kg ( trong khi bê con phối giống tự nhiên có trọng lượng trung bình từ 14 – 15 kg/con). Đối với đàn bò cái được thụ tinh nhân tạo, tinh bò được khai thác từ những con đực giống đầu đàn của địa phương. Đây có thể xem như một bước đột phá, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng đàn bò, mở ra hướng đi mới trong phát triển đàn bò theo hướng hàng hóa của huyện Mèo Vạc.
Ông Vàng Sìa Chứ dân tộc Mông, xóm Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (huyện Mèo Vạc) cho biết: Gia đình tôi đã nuôi bò sinh sản trong nhiều năm, nhưng chưa bao giờ được một con bê con có trọng lượng tới 30 kg nhờ việc thụ tinh nhân tạo. Với kết quả này, gia đình sẽ tiếp tục thực hiện thụ tinh nhân tạo cho đàn bò để thay thế cho phối giống tự nhiên trong những năm qua.
Qua thực tế cho thấy, mô hình điểm về thụ tinh nhân tạo trên đàn bò, đã được đông đảo người dân của các xã trên địa bàn huyện Mèo Vạc đặc biệt quan tâm. Điều đó đã từng bước làm thay đổi tập quán chăn thả gia súc, cho gia súc phối giống tự nhiên của người nông dân, tạo điều kiện cho người nông dân đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào trong chăn nuôi. Đó cũng chính là một tiền đề quan trọng để không ngừng nâng cao năng suất và chất lượng đàn bò trên địa bàn của huyện.
Việc thụ tinh nhân tạo cho đàn bò đã và đang mang lại những kết quả khả quan, mở ra hướng áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo trong quá trình sinh sản của đàn bò. Từ những kết quả ban đầu đã góp phần quan trọng trong quá trình cải tạo đàn bò của huyện Mèo Vạc về cả số lượng và chất lượng nhằm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Đó cũng chính là một hướng mới mở ra con đường vươn lên thoát nghèo bền vững đối với người dân huyện Mèo Vạc – một vùng đất nhiều khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang.
Văn Phú