BVR&MT – Ở một số tỉnh miền núi phía bắc trong đợt rét này có những vùng xuất hiện băng giá, tuyết rơi. Với những khách du lịch, ngắm tuyết, chơi đùa trong giá rét… là niềm vui thích nhưng với người dân bản địa, nhất là nông dân thì đó lại là mối lo thắt ruột.
Tại Lào Cai, từ 8h30 ngày 31/1, ở khu vực đèo Ô Quý Hồ (Sa Pa) đã xuất hiện tuyết rơi khá dày, khiến nhiều du khách thích thú tìm đến trải nghiệm.
Tuyết rơi từ rất sớm nên đến gần trưa, cây cối trên các sườn núi và dọc hai bên đường đã phủ màu trắng xóa với độ dày vài cm. Đến đầu giờ chiều, tuyết còn rơi cả ở khu vực trung tâm thị trấn Sa Pa.
Dọc tuyến Quốc lộ 4D từ thị trấn Sa Pa đến đèo Ô Quý Hồ, nhiều du khách đến rất sớm để ngắm tuyết. Phần lớn du khách đều cảm thấy thích thú với hiện tượng thiên nhiên hiếm gặp này.
Nhưng trái ngược với niềm vui, sự phấn khích của số đông du khách, nhiều người dân trên địa bàn huyện Sa Pa tỏ ra rất lo lắng trước hiện tượng này, nhất là những hộ trồng hoa, rau và chăn nuôi gia súc. Với họ “băng giá, tuyết rơi” là thiên tai khốc liệt vì nó ảnh hưởng ngay đến con trâu, con bò, là “đầu cơ nghiệp của họ”, đến vườn rau, vườn cây thuốc quý và những cây trồng khác…
Những người dân ở đây đã gấp rút tìm mọi cách để bảo vệ những chậu hoa cảnh, vườn rau, đàn trâu, bò vì trước đó, trong đợt tuyết rơi năm 2015 và những năm trước đây, nhiều gia đình đã thiệt hại rất lớn.
Người dân lo lắng cũng phải vì nếu tuyết rơi dày và kéo dài, nhiều loại cây trồng sẽ bị chết vì rét mà chống chọi với tuyết thì thật khó.
Ở Yên Bái, thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho hay tính đến 16 giờ ngày 31/1, số gia súc bị chết rét trên địa bàn huyện Trạm Tấu đã lên đến 28 con.
Còn tính tính từ đầu tháng 1/2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có 161 con gia súc bị chết rét.
Về tình hình gia súc bị chết do giá rét, ngày 31/1, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, theo thống kê của các địa phương, tính đến ngày 30/1 tại các tỉnh miền núi phía bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên đã có 2.163 con gia súc bị chết do đói, rét, TTXVN cho biết.
Các tỉnh có số gia súc chết nhiều nhất là Cao Bằng 666 con, Lào Cai 440 con, Điện Biên 400 con, Hòa Bình 250 con…
Trước tình hình đó, Cục Chăn nuôi đã chỉ đạo các địa phương triển khai nhiều biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc. Đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc đang chịu đợt rét đậm, một số địa phương đã xuất hiện băng, tuyết.
Cục Chăn nuôi cũng cử các đoàn công tác đi chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc phòng, chống đói, rét; đặc biệt chú trọng khu vực vùng cao, xã biên giới, những nơi có nguy cơ vật nuôi bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét. Đồng thời, giao trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền cơ sở và người đứng đầu thôn, bản phối hợp với các đoàn thể để huy động nguồn nhân lực tại chỗ, bám sát địa bàn, khẩn trương áp dụng các biện pháp chống đói, rét cho vật nuôi.
Đó là giải pháp thiết thực giúp người dân giảm được thiệt hại.