BVR&MT – Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trong sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi đã thành lập Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp kiểu mới mạnh dạn đầu tư cải tạo vườn đồi kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có múi như: Cam, quýt, bưởi,… Bước đầu đã mang lại hiệu quả cao trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, qua đó góp phần giúp người dân tăng thu nhập.
HTX Mường Động thành lập tháng 9/2016 với 26 thành viên, đăng ký 16 ngành nghề sản xuất, kinh doanh, trong đó, xác định trọng tâm là trồng cam, quýt và các loại cây ăn quả có múi khác. Ngay sau khi thành lập, HTX đã tổ chức thành 5 nhóm sản xuất bao gồm các thành viên có diện tích sản xuất gần nhau để tiện lợi cho việc hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm giữa các hộ, đồng thời để BQL HTX tiến cử các thành viên nhiều kinh nghiệm đến hỗ trợ kỹ thuật cho các nhóm.
Hiện, HTX có 147 ha canh tác cây ăn quả có múi. Toàn bộ đều được cấp chứng nhận sản xuất đủ điều kiện ATTP và đang trong quá trình đánh giá để cấp chứng nhận VietGAP. Trong đó đã có 3,2 ha được chứng nhận sản xuất hữu cơ. Với phương châm “Sát cánh cùng người sản xuất – đồng hành cùng người tiêu dùng”, mục tiêu của HTX là xây dựng và phát triển chuỗi liên kết trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản ATTP.
Một trong những hộ gia đình tiêu biểu trong HTX là gia đình anh Nguyễn Văn Thắng với diện tích 4,7 hecta chủ yếu trồng cây ăn quả có múi và một số cây nhãn muộn. Anh cho biết, mặc dù mới được thành lập, song HTX được đầu tư với cách thức bài bản, áp dụng hàng loạt giải pháp, khoa học kỹ thuật như: xác định vùng sản xuất nằm trong quy hoạch cây có múi của tỉnh; áp dụng quy trình VietGAP trong canh tác và chuyển dần sang canh tác hữu cơ; sản phẩm được cấp chứng nhận đủ điều kiện ATTP; thực hiện nghiêm túc việc thanh tra, đánh giá nội bộ và nghiệm thu sản phẩm theo từng vườn, từng giống cây; sản phẩm được bao gói, rõ ràng nguồn gốc xuất xứ và có thể truy xuất nguồn gốc đến từng hộ, từng giống; áp dụng mã QR Code (mã phản hồi nhanh) cho phép thiết lập các thông tin cơ bản về sản phẩm cho từng hộ sản xuất là thành viên HTX. Bên cạnh đó HTX còn sử dụng hộp, băng dính được thiết kế riêng để đóng hộp sản phẩm, điều này cho thấy HTX đang dần công nghệ hóa từ quy trình trồng trọt, chăm sóc cho tới khâu đóng gói sản phẩm để sản xuất ra thị trường tiêu thụ.
Qua đó, tạo khối lượng lớn sản phẩm quả có múi an toàn với 100% sản phẩm đảm bảo chất lượng cao, được tiêu thụ qua hợp đồng và có thể truy xuất nguồn gốc. Khi cùng bắt tay khởi nghiệp mô hình này, các thành viên trong hội đồng HTX cũng đã hoạch định cụ thể từng bước đi cũng như đích cần vươn tới. Trong đó, xác định chìa khóa thành công chính là chất lượng sản phẩm, không ngừng nỗ lực để trao đến tay người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng cao mang tên “Quả có múi an toàn Mường Động”.
Cũng theo anh Thắng HTX có những thành viên là chuyên gia và nhà vườn giàu kinh nghiệm về canh tác cây có múi (trong đó có 1 tiến sĩ và 2 thạc sĩ nông nghiệp) nên hầu hết các yêu cầu về ứng dụng KH-KT vào canh tác, các vướng mắc phát sinh trong quá trình sản xuất đều được HTX chủ động giải quyết. Bên cạnh đó, HTX còn tổ chức cho các thành viên đăng ký chủng loại vật tư cần thiết và mua sắm tập trung số lượng lớn từ nhà sản xuất, bước đầu tư cung cấp một số vật tư đầu vào, chính vì vậy đã kiểm soát được chất lượng và giảm giá thành vật tư đầu vào cho các thành viên.
Qua trao đổi, anh Chung, phó Giám đốc phụ trách phát triển sản xuất cũng chia sẻ: HTX có vườn ươm giống và đội ngũ cán bộ, công nhân thành thạo kỹ thuật nhân giống cây ăn quả có múi. Do đó, HTX vừa lai tạo các giống cây để cung cấp cho các thành viên của HTX và cho cả người dân địa phương. Những cây trồng được lựa chọn là những cây giống được khai thác từ các cây đầu dòng đã được công nhận. Những cây được đánh dấu, tuyển chọn từ những vườn đã thành thục, sạch sâu bệnh. Những điều kiện trên tạo nhiều thuận lợi cho việc áp dụng thống nhất quy trình sản xuất cây ăn quả có múi đảm bảo an toàn thực phẩm.
Anh Thắng cũng cho biết thêm, một trong những thuận lợi của các thành viên trong HTX là được giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà vườn với nhau. Bên cạnh đó, các thành viên còn được tập huấn các chương trình đảm bảo về tiêu chuẩn VietGAP, an toàn thực phẩm, cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cách nhận biết các loại sâu bệnh trên cây có múi. Ngoài những thuận lợi thì các thành viên cũng gặp phải những khó khăn như việc đưa sản phẩm ra thị trường rộng lớn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường, HTX cũng chưa có trụ sở chính và xưởng sơ chế các sản phẩm của HTX. Do đó sắp tới cũng đề xuất để xây dựng xưởng sản xuất, chế biến và đóng gói các sản phẩm của HTX.
Ngay trong niên vụ đầu tiên 2016 – 2017, với diện tích kinh doanh khoảng 50 ha, HTX đã đạt doanh thu 1,57 tỷ đồng, đồng thời đã giới thiệu ra thị trường 700 tấn quả đầu tiên mang nhãn hiệu “Quả có múi an toàn Mường Động”, bước đầu khẳng định được thương hiệu và vị thế của mình, Mặc dù là nhãn hiệu hoàn toàn mới nhưng ngay khi ra mắt, sản phẩm quả có múi an toàn Mường Động đã tạo được ấn tượng tốt với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, góp phần củng cố mạnh mẽ hơn thương hiệu quả có múi của tỉnh Hòa Bình nói chung và thị trường trong nước nói riêng.
Đánh giá về mô hình kinh tế gia đình anh Thắng, một trong những thành viên tiêu biểu của HTX Mường Động, Chị Vũ Thị Ngọc, trưởng phòng NN&PTNT huyện Kim Bôi cho rằng đây là một trong những HTX tiêu biểu đạt tiêu chuẩn và đem lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao đời sống kinh tế cho người dân. Chính vì thế cần được nhân rộng mô hình trên địa bàn.
Thạch Thảo – Đình Thọ