BVR&MT – Nằm trên địa bàn huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên), Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Thần Sa – Phượng Hoàng sở hữu khoảng 20 ngàn ha rừng đặc dụng với nhiều loài động, thực vật quý hiếm.
Do địa hình chia cắt bởi núi đá hiểm trở (chiếm 87% diện tích đất rừng đặc dụng), lại nằm trên khu vực tận cùng phía Nam của dãy Ngân Sơn bắt đầu từ tỉnh Bắc Kạn với độ cao tuyệt đối trung bình khoảng 700m, KBTTN Thần Sa – Phượng Hoàng mang trong mình hệ sinh thái rừng núi đá độc đáo, có tính đa dạng sinh học phong phú với nhiều nguồn gen là nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật quý hiếm và nhiều hệ sinh thái chuẩn của vùng núi đá.
Trong khu vực thuộc Ban quản lý KBTTN Thần Sa – Phượng Hoàng có nhiều hang động mang trong mình vẻ đẹp tự nhiên như hang Thằm Bau, Động Thăm Luông, hang Phiêng Tung, Động Bó Pha, Thác mưa rơi… Ở đây có những nhũ đá mang hình tượng độc đáo, sinh động được hình thành một cách tự nhiên mang vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ.
Nổi bật nhất là hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà là những hang động không chỉ có cảnh quan đẹp, hấp dẫn mà còn có tiềm năng phát triển về du lịch, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Cùng với đó là Mái Đá Ngườm là một di chỉ khảo cổ học của Người Việt thời Trung kỳ đồ đá cách đây khoảng 30.000 năm, là nơi cung cấp tư liệu, cơ sở nghiên cứu khoa học, lịch sử cho các học sinh, sinh viên và các nhà nghiên cứu.
Đa dạng thực vật với nhiều loài quý hiếm
Điều kiện khí hậu và địa hình nơi đây đã tạo nên tính đa dạng, phong phú của các loài động thực vật với tổng số 160 họ thực vật, 1.096 loài, trong đó cây cho gỗ là 319 loài, cây dược liệu 574 loài, cây làm cảnh 84 loài, cây ăn được 162 loài. Trong đó, có một số loài quý hiếm như: Củ bình vôi, rau sắng, giảo cổ lam, ba kích…
Một số loài cây quý, hiếm cần được bảo tồn, phát triển như: Lan Kim tuyến (Nhóm 1B); những cây cổ thụ lớn như: Nghiến, Trai Lý, Thông tre, Đinh Sến… Đây cũng là những loại cây quý hiếm cần được bảo vệ nguồn gen và phát triển rộng rãi.
Đa dạng các loài động vật
So với một số vườn quốc gia và các khu bảo tồn có địa hình núi đá vôi ở vùng núi phía Bắc, KBTTN Thần Sa – Phượng Hoàng có số loài động, thực vật phong phú và đa dạng hơn hẳn.
Không chỉ riêng đa dạng về các loài thực vật, KBTTN Thần Sa – Phượng Hoàng còn phong phú, đa dạng của các loài động vật hoang dã với 295 loài, 93 họ và 80 bộ. Trong đó, lớp thú có 56 loài, 25 họ và 8 bộ; loài chim có 117 loài, 43 họ và 15 bộ; 28 loài bò sát, có 15 loài thuộc nhóm IB và 19 loài thuộc nhóm IIB, lớp lưỡng cư có 11 loài, lớp cá 77 loài.
Quá trình điều tra, khảo sát những dấu vết để lại và theo thông tin cung cấp của người dân bản địa cho thấy vẫn còn gặp các loài động vật như: Khỉ mặt đỏ năm đến bảy đàn, mỗi đàn từ 9-15 cá thể. Bên cạnh đó, còn có các loài thú lớn, các loài chim thuộc họ Hồng hoàng, một số loài Hon, Cầy Voi, Sóc, Lửng, Cày Bạc Má, Sơn Dương, Cắng mặt đỏ…, các loài bò sát như: Kỳ đà, Trăn, Hổ mang chúa, Hổ mang bành và các loại Ếch suối, song đã giảm đi nhiều. Trong đó, Khỉ Mặt đỏ là loài động vật quý hiếm còn rất ít, đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và danh sách các loài cần được bảo vệ và phát triển giống nòi.
Thạch Thảo – Xuân Mạc