BVR&MT – Sừng sững giữa khung cảnh núi rừng hùng vĩ, chùa Cổ Am khoác trên mình lối kiến trúc cổ xưa nhưng vẫn toát lên một vẻ đẹp tráng lệ và lộng lẫy. Nơi đây không chỉ là chốn dừng chân của các phật tử mà còn là điểm du lịch tâm linh của du khách thập phương khi ghé thăm Nghệ An, đặc biệt vào những dịp đầu xuân năm mới.
Chùa Cổ Am – một viên ngọc quý nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa Lèn Hai Vai và cách trung tâm thành phố Vinh 46,7 km, thuộc xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Tọa lạc giữa bức tranh núi rừng hùng vĩ, chùa mang đến vẻ đẹp tuyệt trần với kiến trúc hoành tráng, độc đáo và tinh xảo. Nơi đây được đánh giá là ngôi chùa đẹp nhất huyện Diễn Châu và là một trong những ngôi chùa đẹp nhất tỉnh Nghệ An. Chùa không chỉ là một danh thắng với nhiều công trình kiến trúc độc đáo mà còn là điểm đến tâm linh thu hút đông đảo người dân khắp nơi tìm về.
Theo những hàng chữ Nho khắc trên cột đá trước chánh điện thì chùa được xây dựng từ thời Hậu Lê, đến nay đã hơn 600 năm tuổi. Được khởi công xây dựng từ thế kỷ XV vào thời nhà Hậu Lê (tức hơn 600 năm trước), ban đầu chùa chỉ là một cái am nhỏ trên núi Hồ Lĩnh cho dân làng đến cúng bái. Tuy nhiên, cuối thế kỷ XVIII, Diễn Minh xảy ra nhiều hiện tượng tâm linh huyền bí và được đổi tên thành Hương Phúc Tự. Thời vua Minh Mạng 11, chùa được chuyển dời xuống chân núi và lấy tên là Hương Linh Tự, sau đó được gọi là Cổ Am Tự đến hôm nay.
Chùa chứng kiến tất cả các dấu ấn lịch sử của quần thể di tích quanh chùa. Trong đó, nổi bật là trận chiến sinh tử Lê – Mạc của Lai Quận công Phan Công Tính và Mạc tướng Nguyễn Quyện ở núi Hai Vai, để tưởng nhớ dũng tướng phù Lê can trường, người dân đã lập đền thờ thần Độc Lôi ở làng Hào Kiệt. Thời kỳ Mỹ xâm lược đã rải bom tàn phá hầu hết Việt Nam và chùa Cổ Am cũng hứng chịu những đợt bom rơi mà trở nên tan tác và hoang phế. Tháng 12/1994, chùa Cổ Am đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch ghi nhận là di tích lịch sử quốc gia. Mãi đến năm 2010, sư thầy Thích Chân Tính là người đặt những viên gạch đầu tiên cải tạo lại Cổ Am tự.
Trải qua bao nhiêu năm Chùa Cổ Am không chỉ là nơi linh thiêng mà còn là trung tâm tổ chức những sự kiện tâm linh lớn. Hằng năm, chùa tổ chức các lễ lớn như Đại Lễ Phật Đản, Đại Lễ Vu Lan Báo Hiếu, Cầu An Đầu Năm cùng nhiều sự kiện khác như lễ kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật A Di Đà và ngày thành đạo của Đức Phật Thích Ca. Mỗi buổi lễ mang đến những ý nghĩa sâu sắc, giúp mọi người hiểu rõ hơn về giá trị của đạo Phật và tìm về với cội nguồn đạo đức tâm linh, mang lại trải nghiệm chân thật và ý nghĩa.
Đến với chùa Cổ Am, chúng ta sẽ được hòa mình vào không gian thiên nhiên với một lèn núi xanh tươi cùng vô vàn thảo mộc, được chiêm ngưỡng những kiến trúc độc đáo cổ xưa pha lẫn hiện đại của ngôi cổ tự giữa lưng chừng lèn và Đại hùng bảo điện ở cạnh chân lèn, cùng nhau bước vào động Như Ý với những thạch nhũ tuyệt đẹp được tạo ra cách đây hàng vạn năm và khám phá những câu chuyện tâm linh huyền bí.
Đặc biệt, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng tượng quan âm lớn nhất Nghệ An với 3 mặt hướng về 3 phía khác nhau và tham dự những lễ hội tâm linh hoành tráng, đầy ý nghĩa nhân văn. Được biết, để có được những phong cảnh tuyệt đẹp này, các phật tử tại chùa đã cùng nhau bài trí những tiểu cảnh, chậu hoa, bồn cây, lồng đèn tự chế… phục vụ người dân và du khách đến lễ chùa, thưởng ngoạn.
Không chỉ là một danh thắng với nhiều công trình kiến trúc quy mô thu hút hàng vạn người về chiêm bái mỗi năm. Chùa Cổ Am còn là môi trường đạo đức tâm linh lý tưởng cho thiện nam tín nữ xa gần. Khi dịch bệnh chưa bùng phát, hàng tháng, chùa mở ra các ngày dạy giáo lý, các ngày tu niệm Phật, nhằm giúp cho bà con Phật tử xa gần có điều kiện trau dồi kiến thức Phật học, tìm hiểu những giáo lý mầu nhiệm của đạo tỉnh thức, từ đó áp dụng vào cuộc sống hằng ngày, đem đến sự an lạc cho bản thân và những người xung quanh. Bên cạnh đó, chùa còn quan tâm đến việc giáo dục thể chất cũng như tinh thần cho giới trẻ bằng việc mở ra các lớp võ thuật, các lớp học hè để các em về tham dự và học tập.
Hà Linh