BVR&MT – Nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 130 km về phía Tây, Vườn Quốc gia Xuân Sơn (VQG Xuân Sơn) được biết đến không chỉ là một trong những VQG lớn nhất Việt Nam mà còn đặc trưng bởi cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học được đánh giá vào loại bậc nhất của khu vực Bắc Bộ. Hơn hết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu đang tác động ngày một cực đoan thì đây cũng chính là “lá phổi xanh” bảo tồn đa dạng sinh học và những nguồn gene động, thực vật quý hiếm cho cả nước cũng như góp phần ứng phó biến đổi khí hậu một cách thiết thực nhất.
Lời tòa soạn: Hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với thực trạng biến đổi khí hậu đáng lo ngại và các tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt hơn. Chính vì vậy ngày 26/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 nhằm chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất. Đối với tỉnh Phú Thọ, ngày 13/10/2020 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2664/QĐ-UBND Quyết định về việc phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu cho tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết về nhiệm vụ bảo vệ rừng và các hệ sinh thái tự nhiên đối với việc thích ứng với biến đổi khí hậu để giảm nhẹ thiên tai, thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tăng cường vai trò của cộng đồng trong việc tổ chức quản lý, bảo vệ các khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và hành lang đa dạng sinh học góp phần ứng phó biến đổi khí hậu. Nhằm góp phần tuyên truyền cho những chủ trương và chính sách trên, Tòa soạn Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường xin gửi đến độc giả bài viết “Vườn Quốc gia Xuân Sơn: Tăng cường bảo vệ và phát triển rừng ứng phó biến đổi khí hậu” được phóng viên thực hiện tại VQG Xuân Sơn với hình ảnh và tư liệu thực tế cùng sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý. Hy vọng bài viết sẽ đem đến cho độc giả những thông tin bổ ích cũng như góp phần cổ vũ cho các lực lượng bảo vệ và phát triển rừng, góp phần vào công cuộc ứng phó biến đổi khí hậu của Quốc gia. |
Vườn Quốc gia Xuân Sơn – “Kho tàng” thiên nhiên trên núi đá vôi
Nằm ở điểm cuối của dãy Hoàng Liên Sơn, Vườn quốc gia Xuân Sơn có tổng diện tích tự nhiên 15.048 ha nằm trên địa phận xã Xuân Sơn và một phần của các xã Xuân Đài, Kim Thượng, Đồng Sơn, Lai Đồng thuộc huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ). Đây là một trong những vùng có tính đa dạng sinh học cao nhất Việt Nam, đồng thời cũng là “kho tàng” thiên nhiên duy nhất có rừng nguyên sinh trên núi đá vôi.
Đến với VQG Xuân Sơn vào một ngày thời tiết oi ả mặc dù đã là giữa tháng 11 đầu đông của năm 2023, tôi bất giác hình dung về hệ quả của biến đổi khí hậu đang ngày càng rõ rệt như thế nào. Ấy vậy mà khi vượt qua quãng đường 30km từ trung tâm huyện Tân Sơn để tới nơi đây, bầu không khí quanh tôi cũng dần biến đổi từ nóng nực sang mát dịu và dễ chịu hơn hẳn. Và khi vào tới Ban quản lý của VQG Xuân Sơn thì tiết trời đã trở về đúng nghĩa với cái lạnh đặc trưng của mùa đông Bắc Bộ, nó khiến tôi phải khoác vội chiếc áo rét đã chuẩn bị trước đó.
Vừa tới nơi phóng viên đã nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt từ anh Trần Ngọc Cường, Giám đốc VQG Xuân Sơn và các cán bộ nơi đây. Nhâm nhi tách trà mới pha, anh Cường vừa mời tôi vừa hồ hởi chia sẻ, đây là trà Shan Tuyết đặc sản của vùng này, uống thơm và vị rất thanh chứ không chát. Phải nói rằng được thưởng thức thứ thức uống đặc sản ấy trong tiết trời se lạnh khiến bất kỳ ai cũng có một cảm giác thư thái khó tả. Tiếp đó tôi được anh giới thiệu về lịch sử hình thành cũng như những nét đặc trưng thú vị của kho báu thiên nhiên này, nơi mà anh và các đồng nghiệp đang từng ngày gìn giữ.
Theo đó, Rừng Xuân Sơn được nằm trong danh sách khu rừng cấm tại Quyết định 194/CT ngày 09/8/1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ). Ngày 28/11/1992, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Sơn được thành lập. Ngày 17/4/2002, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Sơn được chuyển hạng thành Vườn Quốc gia Xuân Sơn theo Quyết định số 49/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Xuân Sơn tự hào là VQG duy nhất có rừng nguyên sinh trên núi đá vôi với tổng diện tích 15.048ha, chính vì vậy mà hệ động, thực vật ở đây vô cùng phong phú và độc đáo. Riêng về thực vật, VQG Xuân Sơn thống kê được 1.259 loài thực vật bậc cao có mạch, thuộc 699 chi của 185 họ, trong 6 ngành. Trong đó, có 47 loài thuộc Danh lục đỏ quốc tế IUCN, Sách đỏ Việt Nam năm 2007 và Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, như: Trai lý (Cyrtophyllum fragrans), Gù hương (Cinnamomum balansae), Chò nâu (Dipterocarpus retusus), Chò chỉ (Parashorea chinensis), Máu chó poilane (Knema saxatilis de Wilde),…
Ở độ cao trên 1000m cùng môi trường ẩm ướt quanh năm, lại nhiều tầng rừng phong phú, VQG Xuân Sơn rất phù hợp cho việc phát triển cho các loài cây lâu năm như: re, chò trắng, sồi… Đặc biệt, có những cây tuổi đời hàng nghìn năm, ở ngay trong các xóm có người dân sinh sống và được bảo vệ an toàn. Bên cạnh đó, Xuân Sơn còn là cánh rừng phong phú của các loài cây làm thuốc với 665 loài và cây ăn quả hoặc làm rau ăn với 132 loài. Khí hậu Xuân Sơn thích hợp cho sự phát triển của rau sắng, một loại cây quý, đem lại nguồn lợi kinh tế cao cho người dân bởi tất cả các bộ phận của cây đều có thể ăn hoặc dùng làm thuốc.
VQG Xuân Sơn còn là nơi sinh sống của 370 loài động vật thuộc 94 họ, 25 bộ. Trong đó, có 51 loài động vật quý, hiếm thuộc Danh lục đỏ quốc tế IUCN, Sách đỏ Việt Nam năm 2007 và Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, như: Gấu ngựa (Ursus thibetanus), Gấu chó (Helarctos malayanus), Sơn dương (Naemorhedus sumatraensis), Sóc bay lông tai (Belomys pearsoni), Trăn đất (Python molurus), Báo hoa mai (Panthera pardus), Beo lửa (Catopuma temminckii).
Ngoài ra theo anh Cường, Xuân Sơn còn có địa hình đa dạng, nhiều cảnh đẹp và có những đặc điểm tự nhiên hoang dã (rừng, hồ, núi, thung lũng…) với trên 30 hang động, trong đó một số hang động có vẻ đẹp rất kỳ ảo và hấp dẫn như: hang Lạng, hang Lun, hang Na, hang Thổ Thần… Với tiềm năng đó, VQG Xuân Sơn đang được tỉnh Phú Thọ tập trung đầu tư thành một khu du lịch trọng điểm với việc xây dựng hệ thống cáp treo, những con đường lên hang động, đảm bảo thuận tiện cho việc tham quan du lịch.
Tăng cường bảo vệ và phát triển rừng ứng phó biến đổi khí hậu
Ý thức được vai trò là một trong những rừng đặc dụng quan trọng nhất của Việt Nam, những năm qua Ban quản lý VQG Xuân Sơn đã không ngừng nâng cao chất lượng trong công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững tài nguyên sinh vật, tài nguyên đất, tài nguyên nước, đồng thời phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái, nâng cao đời sống của người dân địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong khu vực, ứng phó biến đổi khí hậu.
Theo anh Trần Ngọc Cường, Giám đốc VQG Xuân Sơn thì đơn vị anh là một trong 30 VQG nằm trong hệ thống rừng đặc dụng của cả nước. Tuy nhiên, Xuân Sơn là một Vườn quốc gia “độc nhất vô nhị” về tổ chức bộ máy khi không có Hạt Kiểm lâm trực thuộc. Đây được coi là khó khăn và thử thách mà tập thể cán bộ viên chức Vườn quốc gia Xuân Sơn phải vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ “lá phổi xanh” của tỉnh Phú Thọ.
Hơn nữa, khi được thành lập, VQG Xuân Sơn có tổng số 20 biên chế trong đó có 3 đảng viên, đóng trên địa bàn vùng đặc biệt khó khăn, hầu như trắng về cơ sở hạ tầng phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng (không điện, không có nhà làm việc, không biết tiếng dân tộc…, đường đi lại gặp nhiều khó khăn, thông tin liên lạc hạn chế) và đặc biệt hơn cho đến nay, vì không có Hạt Kiểm lâm nên trách nhiệm này được giao cho Đội chuyên trách bảo vệ rừng. Vì vậy, lực lượng tham gia bảo vệ rừng không được trang bị những vật dụng cần thiết (không quân trang, quân phục, không công cụ hỗ trợ và không được hưởng chế độ chính sách kèm theo…).
Với những khó khăn, thử thách trên đã không làm nhụt trí mà còn tạo động lực thôi thúc tập thể cán bộ viên chức Vườn quốc gia Xuân Sơn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao thể hiện thông qua sự phát triển không chỉ về công tác quản lý bảo vệ rừng mà còn thể hiện qua sự phát triển về đời sống của người dân và kinh tế xã hội của địa phương trong khu vực.
Cụ thể, trong những năm qua, diện tích rừng được bảo vệ tốt, rừng tăng lên cả về số lượng và chất lượng rừng, nâng độ che phủ của rừng từ 56% (năm 2002) lên 86%( năm 2014), cơ sở hạ tầng phục vụ công tác bảo tồn được đầu tư, nhận thức của người dân về bảo vệ rừng được nâng cao, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân trong khu vực được cải thiện và nâng lên thông qua các chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển.
Nghiên cứu mới nhất của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc cho thấy, bảo vệ rừng là một yếu tố quan trọng để đạt được các mục tiêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Các chính sách nhằm đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) của chính phủ các nước sẽ không thể hoàn chỉnh nếu thiếu nỗ lực bảo vệ rừng. Bảo vệ các khu rừng – nơi cư trú của hầu hết các sinh vật hoang dã trên cạn không chỉ giúp giảm tác động của biến đổi khí hậu mà còn góp phần giải quyết các khủng hoảng thiên nhiên. |
Riêng đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, anh Nguyễn Phong Tuyến, Trưởng phòng Quản lý rừng và Bảo tồn thiên nhiên, VQG Xuân Sơn cho biết, đơn vị đã tích cực nghiên cứu, phối hợp và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch trong thời gian qua như: Dự án DANIDA (Phát triển kinh tế cho người dân sống trong vùng đệm của VQG), dự án AFAP (Nâng cao năng lực bảo tồn tại VQG Xuân Sơn và một số xã vùng đệm). Các dự án này đã làm thay đổi bộ mặt cuộc sống người dân nơi đây bằng việc giúp họ xây dựng những mô hình kinh tế thiết thực như: nuôi gà nhiều cựa, nuôi lợn lửng (lai giữa lợn rừng và lợn nhà), trồng rau sắng…, từ đó làm giảm tác động đến rừng, tăng cường ý thức cộng đồng trong bảo vệ phát triển rừng, làm tiền đề thích ứng biến đổi khí hậu.
Đặc biệt vừa qua, VQG Xuân Sơn đã tham gia dự án “Phục hồi và quản lý nguồn nước cho lưu vực sông Hồng và sông Tiền tại VQG Xuân Sơn và Khu bảo tồn Sinh thái Đồng Tháp Mười”. Đây là hoạt động chính thức đầu tiên WWF-Việt Nam, HEINEKEN Việt Nam và Vụ HTQT – Bộ NN&PTNT đồng tổ chức và thực hiện với đối tác địa phương mới là VQG Xuân Sơn trong chương trình hợp tác kéo dài 4 năm về “Bảo tồn và quản lý nguồn nước ở các lưu vực sông quan trọng của Việt Nam”.
Thông qua dự án đã thực hiện trồng mới 10 ha rừng; khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và xúc tiến tái sinh 400 ha rừng tự nhiên; tổ chức các hoạt động hỗ trợ công đồng trong sáng kiến bảo vệ và phục hồi nguồn nước, ứng phó biến đổi khí hậu như: áp dụng các giải pháp hạn chế rác thải ra môi trường; các giải pháp tiết kiệm nước trong cộng đồng; xây dựng mô hình tạo thu nhập bền vững cho cộng đồng thông qua xây thương hiệu “ Chè Shan tuyết hữu cơ” tại Vườn quốc gia Xuân Sơn … và một số hoạt động thiết thực khác cho sinh kế cộng đồng.
Có thể nói với những nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể lãnh đạo, cán bộ VQG Xuân Sơn, sự chỉ đạo sâu sát từ cơ quan quản lý nhà nước, sự tham gia tích cực của các tổ chức trong nước và quốc tế cùng sự ủng hộ của cộng đồng dân tộc địa phương đã tạo nền móng quan trọng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng kết hợp với công tác giáo dục môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, giữ vững an ninh rừng. Từ đó góp phần cho việc bảo tồn và phát triển Vườn quốc gia Xuân Sơn một cách bền vững, trở thành một “thành trì xanh” của tỉnh Phú Thọ nói riêng và cả nước trong vai trò ứng phó biến đổi khí hậu thời gian tới.
Hậu Thạch