BVR&MT – Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 25/10 Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường, biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết xác nhận kết quả việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn; thảo luận về dự án Luật Căn cước, Luật Viễn thông (sửa đổi).
Trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm; tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau đó, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Căn cước.
Tiếp đó, trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội nghe báo cáo kết quả kiểm phiếu; dự thảo Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn và biểu quyết thông qua Nghị quyết. Sau đó, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).
Trước đó, trong phiên họp sáng 24/10, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024. Tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024 (trong đó có Kế hoạch tài chính – ngân sách Nhà nước 3 năm 2024 – 2026; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2023, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2024 của các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý; việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan ở Trung ương, các địa phương). Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện các kế hoạch: Phát triển KT-XH năm 2021 – 2025; cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025. Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Buổi chiều cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Tại phiên thảo luận, đã có 10 đại biểu phát biểu, 2 ý kiến tranh luận; trong đó ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu đã tập trung thảo luận về: phạm vi điều chỉnh; xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; công trình lưỡng dụng; chế độ bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn công trình quốc phòng và khu quân sự; vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống ăng-ten quân sự; phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự; chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự; chế độ, chính sách đối với địa phương, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị tác động bởi hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; lực lượng bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; xử lý công trình, vật kiến trúc; quản lý, sử dụng đất, mặt nước trong phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; các hành vi bị nghiêm cấm; trách nhiệm của Chính phủ; trách nhiệm của HĐND, UBND các cấp; giải thích từ ngữ…
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Tiếp đó, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trình bày Tờ trình về dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm.
Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Kết quả, đã có 472 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,95% tổng số ĐBQH), trong đó có 471 đại biểu tán thành (bằng 95,34% tổng số ĐBQH); có 1 đại biểu không tán thành (bằng 0,20% tổng số ĐBQH).