BVR&MT – Nhằm nâng cao và khẳng định phụ nữ không chỉ là đối tượng hưởng lợi từ rừng mà còn là lực lượng tham gia tích cực vào những nỗ lực quản lý, bảo tồn và phát triển rừng. Với 140 đại biểu tham gia Diễn đàn “Thúc đẩy bình đẳng giới cho phát triển lâm nghiệp bền bền vững” đã nhất trí công nhận vai trò quan trọng của phụ nữ, đồng thời cho rằng việc trao quyền cho họ là một yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp.
Ngày 5-6 tháng 10 năm 2023, tại Thành phố Thành phố Quy Nhơn, Bình Định đã diễn ra Diễn đàn “Thúc đẩy bình đẳng giới cho phát triển lâm nghiệp bền bền vững” – Diễn đàn không chỉ giúp tăng cường hiểu biết về bình đẳng giới trong ngành lâm nghiệp cho các bên liên quan mà còn tạo cơ hội kết nối và thúc đẩy sự hợp tác trong thực hiện các mục tiêu chung. Đây cũng là dịp quý báu để các bên cùng thảo luận phương hướng trong cải thiện bình đẳng giới và đóng góp của bình đẳng giới vào phát triển lâm nghiệp bền vững. Ví dụ như hoạt động nâng cao chất lượng rừng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu sẽ đạt hiệu quả và bền vững hơn khi lồng ghép các biện pháp đảm bảo an toàn xã hội và bình đẳng giới; Tăng tỷ lệ phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và đào tạo phụ nữ về kỹ thuật và quản lý sẽ góp phần giải quyết tình trạng bất bình đẳng giới trong môi trường làm việc.
Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT nhận định: “Trong chuỗi các hoạt động lâm nghiệp, bao gồm quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản của ngành, luôn tiềm ẩn và có thể xuất hiện sự bất bình đẳng trong phân công lao động, chênh lệch tiền lương và cơ hội việc làm; trong giao đất rừng, quyền sử dụng đất, lợi ích xã hội và môi trường lao động…. Những bất bình đẳng này chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ. Do đó, thực hiện bình đẳng giới trong ngành lâm nghiệp sẽ không chỉ quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ngành mà còn đối với quốc gia”.
Hiểu rõ vai trò, nhu cầu và kinh nghiệm khác nhau trong quản lý và bảo vệ rừng của phụ nữ và nam giới là bước đầu quan trọng trong việc chuyển đổi ngành lâm nghiệp sang hướng bền vững và công bằng xã hội. Để đạt được điều này, môi trường xã hội và chính sách cần nỗ lực tạo cơ hội công bằng cho phát triển nghề nghiệp của cả phụ nữ và nam giới. Tuy nhiên, cần nhiều nỗ lực hơn nữa để đảm bảo rằng cả phụ nữ và nam giới đều nhận được lợi ích bình đẳng từ rừng.
Ông Santiago Alonso Rodriguez, Trưởng phòng hợp, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam phát biểu chúc mừng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đối tác Việt Nam liên quan vì những nỗ lực xuất sắc trong việc thu hẹp khoảng cách giới: “Chúng ta cần sự đóng góp mạnh mẽ của phụ nữ, nhưng đôi khi tiềm năng này chưa được khai thác đầy đủ trong ngành lâm nghiệp Việt Nam cũng như nhiều ngành và quốc gia khác. Vì vậy, còn nhiều công việc cần được thực hiện trong nhiều lĩnh vực và cấp độ khác nhau”.
Thúc đẩy bình đẳng giới đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng một ngành lâm nghiệp bền vững. Bình đẳng giới không chỉ đơn thuần là vấn đề công bằng xã hội mà còn là yếu tố quan trọng đảm bảo sự tồn tại lâu dài và thành công của ngành lâm nghiệp. Bằng cách tích cực thu hút sự tham gia phụ nữ và nam giới từ các tầng lớp xã hội khác nhau vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, chúng ta nhận thấy rằng họ tạo nên sự đa dạng về vai trò, nhu cầu và kinh nghiệm trong ngành này. Nhìn nhận và hài hòa được những khác biệt này có thể dẫn đến những quá trình ra quyết định hiệu quả và bao trùm hơn, đồng thời đảm bảo rằng các thực hành lâm nghiệp được thực hiện một cách bền vững.
Chia sẻ kinh nghiệm với Diễn đàn về lồng ghép giới trong công tác tác bảo vệ, phát triển rừng tại cơ sở, bà Hoàng Lạc Tú Minh, Kế toán trưởng, Công ty Lâm nghiệp Quy Nhơn khuyến nghị: “Lồng ghép giới và công bằng giới cần thực hiện thông qua nâng cao nhận thức về giới, xóa bỏ định kiến giới, không phân biệt đối xử. Đặc biệt là cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ pháp luật về bình đẳng giới trong lãnh đạo và quản lý cán bộ”.
Trưng bày tại Diễn đàn, 10 bức ảnh với chủ đề “Lâm nghiệp qua góc nhìn phụ nữ” đã nêu bật vai trò và đóng góp đa dạng của phụ nữ trong ngành lâm nghiệp. Thông qua đó, chúng ta được khám phá những câu chuyện, quan điểm và trải nghiệm giàu cảm xúc từ mười phụ nữ đang trực tiếp đóng góp vào các nỗ lực lồng ghép và thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lâm nghiệp. Sau Diễn đàn, nhưng bức ảnh này sẽ tiếp tục được trưng bày tại nhiều sự kiện khác nhằm lan tỏa cảm hứng rộng rãi trong công chúng.
Diễn đàn đã chứng kiến sự tham gia tích cực của 140 đại biểu là lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, các cán bộ kỹ thuật, và các bên liên quan trong ngành, họ đã cùng thảo luận và đề xuất các giải pháp cho các vấn đề quan trọng liên quan đến bình đẳng giới. Diễn đàn về “Thúc đẩy bình đẳng giới cho phát triển lâm nghiệp bền vững ” đã được Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định và Ban Quản lý Dự án Lâm nghiệp, phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ thay mặt cho Bộ Phát triển Hợp tác Kinh tế của Đức (BMZ) thực hiện.
Thông tin về ngành lâm nghiệp tại Việt Nam
Với độ che phủ 42,02% tổng diện tích của đất nước, rừng Việt Nam đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thực hiện các chức năng về kinh tế, xã hội, môi trường và an ninh quốc phòng. Rừng còn là bể chứa carbon tự nhiên, góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050. Ngành lâm nghiệp cũng là một ngành kinh tế kỹ thuật mang lại cơ hội việc làm cho người dân.
Phụ nữ đã đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế lâm nghiệp ở Việt Nam. Không chỉ đến bây giờ, vai trò của phụ nữ trong lực lượng lao động nông nghiệp nói chung và lâm nghiệp nói riêng đã đáng kể từ nhiều thập kỷ trước. Tuy nhiên, vai trò và sự đóng góp về mặt kinh tế của họ trong các hệ thống sản xuất lâm nghiệp thường bị bỏ qua và đánh giá thấp.
Một nghiên cứu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và GIZ phối hợp với Viện Lâm nghiệp Châu Âu phối hợp thực hiện vào năm 2023 cho thấy rằng phụ nữ trong ngành lâm nghiệp thường ít có khả năng tiếp cận đối với các cơ hội đào tạo về chuyên môn và kỹ thuật. Do đó, thu nhập của họ thường thấp hơn nam giới và khoảng cách lương theo giới trong ngành lâm nghiệp lớn hơn đáng kể so với các ngành kinh tế và công nghiệp khác tại Việt Nam. Phụ nữ nông thôn thường vẫn bị thiệt thòi do bất bình đẳng giới trong tiếp cận các lợi ích từ các chính sách và dịch vụ, có thể thấy điều này ở sự chênh lệch giữa nam và nữ về tỷ lệ đăng ký tham gia và nhận tiền phân bổ từ nguồn thu Dịch vụ Môi trường Rừng (PFES).
Tuy nhiên, các thách thức liên quan đến bình đẳng giới cũng tồn tại đối với nam giới trong ngành lâm nghiệp. Một số công việc trong ngành này thường do lao động nam đảm nhiệm, chẳng hạn như các nhiệm vụ đòi hỏi nhiều sức lực. Tuy nhiên, do những công việc như vậy thường theo vụ việc hoặc mùa vụ, những người đàn ông này thường làm việc không có hợp đồng lao động và do đó không có sự bảo vệ của bất kỳ lưới an sinh xã hội nào. Tình trạng này khiến họ trở nên dễ bị tổn thương hơn phụ nữ vì phụ nữ thường có cơ hội đảm nhiệm các công việc hành chính với hợp đồng lao động ổn định.
Diễn đàn này nhằm mục đích tăng cường hiểu biết thông qua xem xét cách phân chia lao động phổ biến trong việc làm ngành lâm nghiệp và sự phân biệt về vai trò kinh tế giữa nam và nữ trong các hệ thống sinh kế dựa vào rừng. Các bên tham gia Diễn đàn cũng thảo luận để đề xuất các khuyến nghị về tăng cường bình đẳng giới nhằm thúc đẩy phát triển lâm nghiệp bền vững.
Hà Linh