Nhiêu khê khi xử lý đất sạt lở, dư thừa tại công trình

BVR&MT – Một số công trình xử lý sạt lở, đầu tư công trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên phát sinh đất dư thừa, khối lượng không lớn, nhưng cũng phải thực hiện theo quy trình gần như cấp phép khai thác khoáng sản, làm chậm thời gian thực hiện công trình, kéo dài thời gian giải ngân vốn. Nhiều công trình xây dựng nhà dân bị ách tắc vì không thể xử lý được đất thừa. Sự rườm rà, ách tắc này ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội.

Tập kết đất sạt lở ở đèo So tại một địa điểm để đấu giá, thanh lý dẫn đến việc xử lý sạt lở để thông đường bị chậm.

Chưa đúng bản chất, thiếu thực tế

Quốc lộ 3C đoạn qua đèo So, lý trình Km34+700 đến Km34+900 từ huyện Định Hóa (Thái Nguyên) đi huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) và ngược lại sạt lở cuối tháng 4/2023, khoảng 50 nghìn m3 đất từ ta-luy dương sạt xuống mặt đường, giao thông ách tắc.

Tuy nhiên, gần một tháng mới xử lý được điểm sạt lở này, làm cho việc vận tải hàng hóa, hành khách, đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn, đi đường vòng xa 40-50km.

Phó Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở Giao thông vận tải Thái Nguyên) Lê Ngọc Phớt, cho biết, nguyên nhân chủ yếu làm việc xử lý sạt lở tại đèo So bị chậm do xử lý khối lượng đất sạt lở theo quy trình gần như với khoáng sản.

Khi xử lý số đất dư thừa này, phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền, căn cứ vào bản vẽ, xác định khối lượng để tiến hành thanh lý, đơn vị được phép khai thác làm vật liệu san lấp phải nộp đủ thuế, phí thì mới được cấp có thẩm quyền cho phép khai thác, vận chuyển ra bên ngoài. Quy trình này mất rất nhiều thời gian, làm chậm tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng, kéo dài thời gian giải ngân, chậm đưa công trình vào sử dụng.

Cụ thể, qua một số cuộc họp, cơ quan chức năng xác định khối lượng đất sạt lở là vật liệu san lấp (như khoáng sản) nên phải xử lý như khoáng sản, không được đổ tùy tiện, mà phải tập kết tại một vị trí để đấu giá, thanh lý theo quy định.

Khu vực lân cận đèo So không có mặt bằng phù hợp, phải vận chuyển xa hàng chục km mới có vị trí tập kết khối lượng đất sạt lở nêu trên nên rất tốn kém, có khi tiền bán đấu giá, thanh lý số đất này còn thấp hơn tiền vận chuyển.

Trong trường hợp này, việc quy định đất sạt lở là vật liệu san lấp, xử lý gần như với khoáng sản là chưa đúng bản chất, thiếu thực tế, gây chậm trễ trong việc xử lý sạt lở, chậm thông xe, tốn kém tiền vận chuyển.

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, một số dự án đầu tư công được triển khai, trong quá trình thực hiện có đất dư thừa phải xử lý, điển hình như các dự án xây dựng Trường Trung học phổ thông Tức Tranh (huyện Phú Lương), đầu tư Bệnh viện A Thái Nguyên, trụ sở Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh… phát sinh đất dư thừa phải xử lý, chuyển đi để xây dựng công trình. Theo quy định của Luật Khoáng sản, đất dư thừa này là vật liệu san lấp, quy trình xử lý gần như với khai thác khoáng sản.

Được giao làm chủ đầu tư các dự án này, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Văn Hà cho biết, khi xử lý số đất dư thừa này, phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền, căn cứ vào bản vẽ, xác định khối lượng để tiến hành thanh lý, đơn vị được phép khai thác làm vật liệu san lấp phải nộp đủ thuế, phí thì mới được cấp có thẩm quyền cho phép khai thác, vận chuyển ra bên ngoài. Quy trình này mất rất nhiều thời gian, làm chậm tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng, kéo dài thời gian giải ngân, chậm đưa công trình vào sử dụng.

Kiến nghị tháo gỡ vướng mắc

Nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, khi xây dựng nhà ở, công trình của gia đình, cần phải đào khối lượng đất, dù không lớn để tạo mặt bằng xây dựng, nhưng không thể thực hiện được, vì vướng quy định coi đất san lấp là khoáng sản.

Mặt khác, đối với việc cấp mỏ đất làm vật liệu san lấp dù khối lượng chỉ vài nghìn m3, giá trị không lớn, thời gian khai thác chỉ vài tháng, phục vụ cho một công trình cụ thể, cũng phải thực hiện quy trình, các thủ tục như với khai thác khoáng sản.

Nhiều quy định làm việc xử lý sạt lở ở xóm Thái Trung, xã Quy Kỳ, huyện Định Hóa bị chậm, ảnh hưởng đời sống người dân.

Giám đốc Sở Xây dựng Thái Nguyên, Hoàng Đức Khánh cho biết, quy trình, thủ tục để cấp một mỏ đất, nhanh cũng mất 18 tháng. Đến khi được cấp phép, tổ chức, doanh nghiệp không thỏa thuận giải phóng mặt bằng được, dẫn đến không tiến hành khai thác được.

Do đó, theo ông Hoàng Đức Khánh, qua nhiều lần làm việc với cấp có thẩm quyền, nhiều sở, ngành của tỉnh kiến nghị xem xét, sửa đổi các quy định của Luật Đất đai theo hướng nhà nước thực hiện thu hồi đất đối với các dự án đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trong đó có mỏ đất san lấp.

Đồng thời, đề nghị xem xét, sửa đổi các quy định về cấp phép khai thác đất san lấp theo hướng đưa đất san lấp ra ngoài danh mục khoáng sản hoặc sửa đổi, bổ sung hướng dẫn riêng, đơn giản hóa trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ cấp phép khai thác đất san lấp.

Cụ thể, đối với trường hợp đề nghị khai thác đất làm vật liệu san lấp với diện tích dưới 1ha, trữ lượng dưới 30 nghìn m3, thời gian khai thác dưới 1 năm, chỉ cung cấp cho các công trình, dự án có địa chỉ cụ thể thì không phải tiến hành đấu giá, không phải thăm dò, cấp phép cho chủ đầu tư hoặc đơn vị trúng thầu thi công.

Đối với trường hợp dự án đầu tư xây dựng công trình phải san gạt mặt bằng, hạ thấp độ cao; các hộ gia đình san gạt tạo mặt bằng có lượng đất dư thừa thì nên cho phép chủ đầu tư công trình hoặc hộ gia đình thực hiện việc đăng ký khu vực, công suất, khối lượng với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, giao cho chính quyền địa phương cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, giám sát quá trình các chủ đầu tư hoặc hộ gia đình tổ chức thực hiện xử lý mặt bằng, đóng thuế, phí đầy đủ cho ngân sách.