BVR&MT – Định hướng quy hoạch đầu tư phát triển trong những năm tới, tỉnh Bình Dương sẽ bổ sung vào quy hoạch sân bay lưỡng dụng với diện tích khoảng 200 ha, nhưng mới chỉ là ý tưởng, đề xuất của tỉnh, chưa được thông qua.
Những ngày qua, người dân cũng như nhà đầu tư rất phấn khởi trước thông tin tỉnh Bình Dương sẽ có sân bay lưỡng dụng đầu tiên tại huyện Dầu Tiếng.
Nhiều “cò đất” liên tục tung tin với các nội dung như “sắp có sân bay ở Dầu Tiếng”; “đất Dầu Tiếng chuẩn bị “sốt” khi có sân bay”; “cơ hội đầu tư hấp dẫn chỉ có ở Dầu Tiếng”…để thu hút nhà đầu tư.
Anh T.- một “cò đất” có tiếng ở Bình Dương, Bình Phước chia sẻ nếu như trước đây lúc mới chỉ nghe thông tin về quy hoạch sân bay Técníc ở Hớn Quản- Bình Phước, nhà đầu tư đã đổ xô đi mua đất, rồi tạo nên những cơn sốt ảo chưa từng có chỉ trong vòng khoảng 3 ngày thì nay dù “cò đất” chào hàng liên tục, cũng không có ai ngó ngàng.
“Từ bài học sân bay Técníc, nhiều nhà đầu tư, người dân đã kỹ hơn và không còn vội vàng để nhận lại cái kết đắng”- anh T. cho hay.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương khẳng định sân bay lưỡng dụng ở huyện Dầu Tiếng chỉ là ý tưởng, đề xuất của tỉnh, chưa được thông qua.
Trước đó, tại hội nghị S kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và 9 tháng năm 2023, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, chỉ đạo các cấp chính quyền cần sớm hoàn thiện công tác quy hoạch, đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh; trong đó có quy hoạch sân bay lưỡng dụng tại Dầu Tiếng.
Ông Lợi cho hay định hướng quy hoạch đầu tư phát triển trong những năm tới, tỉnh Bình Dương sẽ bổ sung vào quy hoạch sân bay lưỡng dụng với diện tích khoảng 200 ha, thuận lợi để lập dự án xây dựng sân bay phục vụ phát triển kinh tế kết hợp đảm bảo an ninh quốc phòng trong những năm tiếp theo.
Theo quy hoạch, xã Định An của huyện Dầu Tiếng là nơi bố trí đất cho kế hoạch làm sân bay lưỡng dụng.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho hay hiện dư địa phát triển của tỉnh không còn nhiều. Mặt khác, tỉnh đang phải tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, hạ tầng kỹ thuật để tạo ra động lực, dư địa phát triển cho giai đoạn tiếp theo; trọng tâm là đầu tư phát triển đa dạng các hình thức giao thông đường thủy, đường bộ và đường sắt đồng bộ, hiện đại, liên kết vùng.