BVR&MT – Theo lộ trình trong Thông tư 48, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện hạng I trở lên hết năm 2023 phải triển khai bệnh án điện tử nhưng nay mới có rất ít cơ sở thực hiện. Cơ quan này đang đề xuất lùi thời hạn sang hết năm 2025.
Tốc độ quá chậm
Trong Thông tư 48/2018 quy định về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, Bộ Y tế nêu rõ đến hết năm 2023, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác căn cứ vào nhu cầu, năng lực thực tế để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử khi đáp ứng các yêu cầu quy định tại Thông tư 48 này.
Còn tới giai đoạn từ năm 2024-2028, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Trường hợp cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, Bộ ngành khác chưa triển khai được thì phải có văn bản báo cáo Bộ Y tế; các cơ sở khám chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của sở y tế chưa triển khai được phải có văn bản báo cáo sở. Văn bản báo cáo phải nêu rõ lý do, lộ trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nhưng phải hoàn thành trước ngày 31/12/2030.
Bệnh án điện tử được Bộ Y tế đánh giá là cốt lõi và điểm khởi đầu cho mọi nỗ lực chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế. Vấn đề là tốc độ chuyển đổi từ bệnh án – hồ sơ giấy sang dữ liệu điện tử hiện quá chậm.
Việt Nam có khoảng 1.300 cơ sở khám, chữa bệnh (gồm các bệnh viện, trung tâm y tế đa chức năng), trong đó có khoảng 135 bệnh viện hạng I trở lên. Theo dữ liệu cải cách hành chính từ website Bộ Y tế, đến giữa tháng 8, cả nước mới có khoảng 50 cơ sở y tế (gồm cả công lập và tư nhân) chính thức công bố chuyển từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử. Gần đây nhất là Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, một cơ sở y tế hạng II thuộc Sở Y tế Hà Nội.
Trong số 50 cơ sở y tế này, khoảng một nửa là cơ sở tuyến huyện, riêng tỉnh Phú Thọ “đóng góp” 11 trung tâm y tế huyện. Một số cơ sở triển khai thí điểm tại một số khoa phòng, chưa chính thức chuyển đổi trên toàn bệnh viện.
Không nhiều cơ sở y tế trong danh sách 50 đơn vị này là bệnh viện hạng 1, đặc biệt chưa có bệnh viện nào hạng đặc biệt thực hiện (như Bạch Mai, K, Trung ương Quân đội 108, Trung ương Thái Nguyên, Trung ương Huế).
Với bệnh viện trực thuộc Bộ, hiện có Bệnh viện Răng – Hàm – Mặt Trung ương Hà Nội (thuộc Bộ Y tế) và Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), chính thức công bố triển khai bệnh án điện tử. Hai bệnh viện trực thuộc trường Đại học gồm: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cũng đã thực hiện.
Về địa phương, Quảng Ninh thuộc top 2 địa phương có số cơ sở công lập dùng bệnh án điện tử nhiều nhất cả nước, chỉ sau Phú Thọ (17 cơ sở). Hà Nội có hơn 40 bệnh viện công lập trực thuộc nhưng mới có 4 cơ sở chính thức công bố triển khai bệnh án điện tử, trong đó có 2 bệnh viện hạng I là Xanh Pôn và Phụ Sản, 2 bệnh viện hạng II là Mỹ Đức và Vân Đình.
Đề xuất lùi thời hạn để bệnh viện hạng I trở lên áp dụng bệnh án điện tử
Liên quan đến bệnh án điện tử, Bộ Y tế hiện đang lấy ý kiến đóng góp dự thảo (phiên bản 1.0) Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Toàn văn dự thảo này được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Theo đó, dự thảo này đề xuất sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Khoản 2 của Điều 20 Thông tư 48 về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, như sau: Đến ngày 31/12/2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị.
Như vậy, so với Thông tư 48, các bệnh viện hạng I trở lên được “lùi” thời hạn 2 năm để áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử. Trong khi các cơ sở y tế còn lại phải cố gắng về đích trước 3 năm so với thời hạn cuối năm 2028 như trong Thông tư 48.
Chia sẻ với VietNamNet hồi đầu năm 2023 về tính khả thi của thời hạn thực hiện bệnh án điện tử, ông Nguyễn Trường Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia, Bộ Y tế, khẳng định về mặt kỹ thuật nghiệp vụ cơ bản, các bệnh viện đã sẵn sàng. Tuy nhiên, còn liên quan đến nguồn lực đầu tư vốn là điểm khó khăn nhiều nơi gặp phải.
Theo đó, hầu hết các bệnh viện đều được quản lý ở các địa phương. Khi đẩy mạnh CNTT, bệnh án điện tử, nếu các địa phương quan tâm tạo điều kiện bố trí kinh phí cho các bệnh viện, thì năm 2025 hoàn toàn có thể triển khai bệnh án điện tử thay bệnh án giấy, ông Nam chia sẻ.
Nếu bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, bỏ được bệnh án giấy, đã được coi là chuyển đổi số thành công đến 70%. 30% còn lại đến từ việc ứng dụng thêm các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ cao… PGS.TS Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam |