BVR&MT – Ngày 28/7 tại Hội An (Quảng Nam), Bộ TN&MT tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH) cho 19 tỉnh/thành khu vực miền Trung.
Thỏa thuận Paris về BĐKH đã được các quốc gia thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của LHQ về BĐKH (COP 21) tháng 12/2015, là văn bản pháp lý toàn cầu đầu tiên quy định trách nhiệm ứng phó với BĐKH của tất cả các bên.
Trọng tâm của Thỏa thuận Paris là đưa ra các quy định liên quan đến trách nhiệm xây dựng và thực hiện đóng góp do mỗi nước tự quyết định khi tham gia Công ước Paris.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết Việt Nam đã chủ động, tích cực xây dựng đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định và đệ trình vấn đề này lên Ban Thư ký Công ước khung của LHQ về BĐKH vào tháng 9/2015.
Đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được hỗ trợ quốc tế.
Đồng thời, Việt Nam sẽ thực hiện nhiều hoạt động thích ứng giúp tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tạo điều kiện để có thể đóng góp nhiều hơn cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Mặc khác, Việt Nam đưa việc ứng phó với BĐKH là 1/17 mục tiêu của phát triển bền vững.
Để đạt được mục tiêu đặt ra, Nhà nước ta đã từng bước xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan, nhằm tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước, góp phần thay đổi tư duy, nhận thức về BĐKH, hướng tới hình thành nền kinh tế carbon thấp.
Ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục BĐKH (Bộ TN&MT) cho biết, vào năm 2018, Chính phủ dự định sẽ ban hành một nghị quyết quy định lộ trình, phương thức triển khai cắt giảm khí nhà kính và đến năm 2020, sẽ xây dựng Luật BĐKH nhằm tạo hành lang pháp lý chặt chẽ hơn đối với vấn đề này.
Hiện nay, một số tỉnh/thành phố tại khu vực như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ngãi đã xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định số 2053/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.