BVR&MT – Huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) đã và đang trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy vậy, môi trường trên đảo bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lượng rác từ sinh hoạt và hoạt động du lịch, đặc biệt là rác thải nhựa.
Chính quyền và nhân dân huyện đảo Cô Tô đang thực hiện nhiều giải pháp làm sạch các bãi biển và môi trường sinh thái. Đặc biệt là việc tuyên truyền, vận động sự chung tay bảo vệ môi trường của chính du khách đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Phát triển du lịch gây áp lực lên môi trường đảo
Huyện đảo Cô Tô sở hữu nguồn tài nguyên quý giá từ hệ sinh thái biển, đảo, núi rừng nguyên sinh. Những năm qua, huyện đã phát triển mạnh nhiều loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp như du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch khám phá thu hút lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế đến với đảo.
Tuy nhiên, rác thải nhựa đang một trong những thách thức lớn đối với đảo ngọc xinh đẹp. Trước thách thức về môi trường biển đảo cần được bảo vệ, huyện Cô Tô đã triển khai đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa”, và từ ngày 1/9 Cô Tô thí điểm áp dụng quy định “Du khách không mang chai nhựa, túi nylon, vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khi đi khu lịch trên đảo” với mục tiêu hạn chế rác thải nhựa; ngăn chặn việc phát sinh rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường; từng bước khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của huyện một cách bền vững.
Ông Nguyễn Hải Linh, Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Cô Tô cho biết: Trong 4 ngày nghỉ dịp lễ Quốc khánh 2/9, đã có khoảng 60 chuyến tàu đưa du khách từ đất liền ra đảo Cô Tô và ngược lại. Theo đó, tổng lượng khách đến với huyện đảo trong dịp nghỉ lễ này ước tính đạt 5.600 lượt người và tổng lưu trú đạt 11.000 lượt. Điều này cho thấy, du lịch Cô Tô có sức hút đặc biệt với du khách trong và ngoài nước; đồng thời, những giải pháp quảng bá, thu hút khách du lịch, phục hồi kinh tế dịch vụ hậu Covid-19 của huyện đảo đã phát huy hiệu quả tích cực.
Tuy nhiên, lượng khách du lịch tới Cô Tô ngày một lớn cũng gây ra những sức ép không nhỏ tới năng lực xử lý rác thải và vệ sinh môi trường của đảo. Bắt đầu từ ngày 1/9, huyện Cô Tô đã thực hiện thí điểm quy định du khách không mang túi nylon, đồ nhựa dùng một lần và các vật dụng có khả năng gây ô nhiễm môi trường khi đi tham quan, du lịch tại Cô Tô. Đây là một trong chuỗi hoạt động nhằm triển khai Đề án “Huyện Cô Tô không có rác thải nhựa”.
Anh Trần Hoài Nam, du khách đến từ Hà Nội, cho biết: Tôi rất ủng hộ quy định này của Cô Tô. Gia đình tôi đã đi du lịch nhiều nơi và thấy rác thải nhựa là một vấn đề rất bức xúc, đặc biệt là ở các vùng biển. Biển Cô Tô rất đẹp nên nếu xử lý được vấn đề rác thải thì sẽ thu hút được nhiều du khách tới đây hơn.
Còn Bà Higgins Ielhaam, du khách Nam Phi ,chia sẻ: Tôi rất vui mừng và bất ngờ khi được hướng dẫn đổi túi nylon sang túi thân thiện với môi trường trước khi lên tàu ra đảo. Cô Tô là một trong những hòn đảo đẹp nhất mà chúng tôi từng tới và tôi mong muốn quy định mới này sẽ được thực hiện lâu dài, hiệu quả để giữ mãi vẻ đẹp của hòn đảo.
Sáng tạo sản phẩm du lịch kết hợp bảo vệ môi trường
Hiện tại, một số nhà nghỉ, khách sạn trên đảo đã sáng tạo một tour du lịch mới có tên “tour nhặt rác”, được nhiều du khách và người dân hưởng ứng, đặc biệt là du khách nước ngoài. Vừa thu gom rác ở các đảo và bờ biển, vừa được trải nghiệm, khám phá các địa điểm du lịch tuyệt đẹp trên đảo, vì thế “tour nhặt rác” đang trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn nhiều du khách và nhận được sự hưởng ứng tích cực của những người làm du lịch trên huyện đảo Cô Tô. Mới đây, nhiều cơ sở du lịch trên đảo đã đưa hoạt động này vào các trải nghiệm để giới thiệu cho khách du lịch nhằm khuyến khích du khách cùng người dân chung tay làm sạch bãi biển, bảo vệ môi trường.
Để hạn chế việc xả thải đồ nhựa, túi nylon trong sinh hoạt hằng ngày mà còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường.
Anh Vũ Mạnh Long, chủ quán cà-phê Ocean ở thị trấn Cô Tô cho biết: Dù biết giá thành của cốc thủy tinh, cốc và ống hút giấy cao hơn giá của cốc nhựa, ống hút nhựa một lần nhưng tôi vẫn lựa chọn sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường. Tôi ý thức được việc ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa sẽ gây áp lực rất lớn đến quá trình phát triển du lịch của đảo. Giảm lượng rác thải nhựa từ các quán cà-phê, quán nước cũng sẽ giảm áp lực cho công ty môi trường trong việc xử lý rác.
Cùng quan điểm với anh Long, chị Nguyễn Minh Huệ, chủ homestay Coto Center ở xã Đồng Tiến chia sẻ: Chuẩn bị nước uống cho khách trong các phòng nghỉ, gia đình tôi sử dụng chai thủy tinh đựng nước thay thế cho các chai nhựa dùng một lần. Chúng tôi cũng mua túi giấy cho khách đựng đồ. Chúng tôi đã duy trì thay đổi này từ 7 năm nay, mỗi năm chúng tôi giảm thiểu thải ra môi trường hàng nghìn chai nhựa. Với việc sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường từ mây, tre, cói, gỗ trang trí cho homestay chúng tôi mong muốn tạo cho du khách có cảm nhận thoải mái với các vật dụng gần gũi với thiên nhiên khi nghỉ dưỡng tại homestay.
Hướng tới mục tiêu “Cô Tô không có rác thải nhựa”
Vào những ngày cao điểm mùa du lịch, Công ty Môi trường phải thu gom lượng rác thải rất lớn, từ 15 đến 17 tấn/ngày, trong đó, riêng lượng rác thải nhựa chiếm khoảng 1 tấn/ngày, nhưng Công ty chỉ thu gom, xử lý chỉ đạt khoảng 20 đến 30%, còn lại phải đốt và chôn lấp. Trong quá trình đốt nhựa sẽ sinh ra các khí độc hại. Với số lượng lớn rác thải nhựa phải chôn lấp như vậy chúng tôi cũng không biết chôn ở đâu cho hết. Rác thải nhựa là những chất không được phân hủy, hoặc cần thời gian rất lâu để phân hủy trong môi trường tự nhiên, chính vì thế xử lý rác thải nhựa trên địa bàn huyện đang gặp rất nhiều khó khăn.
Bí thư huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cô Tô Nguyễn Việt Dũng cho biết: Việc triển khai đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa” từ ngày 1/9 đã thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân trên đảo hướng đến trở thành huyện đảo của Quảng Ninh không có rác thải nhựa. Việc ngăn chặn những tác động tiêu cực của rác thải nhựa đến môi trường biển đảo chính là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, thiết thực để phát triển du lịch một cách bền vững, gắn phát triển với bảo tồn, phục hồi nguồn tài nguyên, qua đó tạo sự bứt phá cho kinh tế du lịch, bảo đảm sinh kế người dân, đồng thời giữ được cảnh quan, môi trường tự nhiên.