BVR&MT – Chiềng Nơi là xã vùng cao, đặc biệt khó khăn của huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Nơi đây, đường giao thông tại các bản làng hầu hết đều là đường đất; mùa khô bụi bặm, mùa mưa lầy lội; đi lại, giao thương hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Người dân ở Chiềng Nơi rất cần sự quan tâm, đầu tư các tuyến đường giao thông để tiếp thêm nguồn lực từng bước vượt khó.
Phiêng Khôm là bản xa nhất, khó khăn nhất của xã Chiềng Nơi. Quãng đường từ trung tâm xã đến đây dài khoảng 16 km nhưng phải mất gần 2 giờ đồng hồ phóng viên mới vượt qua được con đường này. Cơn mưa nặng hạt bất chợt đổ xuống khiến con đường đất trở nên lầy lội, trơn trượt, xe máy di chuyển rất khó khăn. Nhiều đoạn đường, người dân phải xuống đẩy xe qua những vũng lầy hay con dốc như dựng đứng.
Ông Cầm Văn Doan, Bí thư Chi bộ bản Phiêng Khôm cho biết, nhiều năm qua, người dân trong bản vẫn mong mỏi có con đường bê tông để đi lại an toàn hơn. Bà con còn nghèo, chỉ trông chờ vào cây sắn và một ít lúa nương; gần đây đã trồng thử cây nhãn, xoài, mận, nhưng không có đường giao thông thuận lợi khiến giao thương hàng hóa khó khăn. Bản có 64 hộ thì có tới 56 hộ nghèo.
Cách trung tâm xã Chiềng Nơi khoảng 10 km, người dân bản Huổi Sàng không chỉ đi đường đất mà còn phải qua một con suối rộng, có đoạn ngập sâu đến nửa người. Đây cũng là con đường đến điểm trường của một số học sinh thuộc 3 bản khác trong khu vực.
Theo Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Huổi Sàng Lường Văn Phiu, nếu nước không cạn, xe máy muốn qua phải lấy cây gỗ xuyên vào bánh trước và bánh sau để 4 người khiêng. Nông sản muốn chở về bán ở trung tâm xã cũng rất khó, nhất là mùa mưa, bởi vì xe máy còn không đi được, ô tô lại càng khó.
Phiêng Khôm và Huổi Sàng là 2 trong số 13 bản có đường giao thông chưa được cứng hóa của xã Chiềng Nơi. Đây là xã ở khu vực III, thuộc vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn của huyện Mai Sơn, cách trung tâm huyện khoảng 110 km. Hiện Chiềng Nơi có trên 1.100 hộ, thì có tới 75% là hộ nghèo, đời sống nhân dân còn nhiều thiếu thốn. Hiện nay, xã Chiềng Nơi đang rất cần có các tuyến đường được cứng hóa để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng đường giao thông cần nguồn kinh phí lớn, trong khi nguồn lực đầu tư từ các nguồn ngân sách chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, khả năng huy động nguồn vốn xã hội hóa còn khó khăn.
Ông Lường Văn Lập, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Nơi cho biết: Trong mùa mưa lũ, khi chưa có nguồn để xây dựng, sửa chữa các công trình giao thông, UBND xã đã chỉ đạo các bản huy động nhân dân trong bản góp ngày công để tu sửa đường, giúp việc đi lại dễ dàng hơn. Về lâu dài, người dân mong muốn các cấp chính quyền quan tâm hơn nữa để có tuyến đường được cứng hóa đến với các bản. Hiện nay, do đường giao thông đi lại khó khăn, vào vụ thu mua nông sản, người dân thường xuyên bị ép giá, phải bán thấp hơn so với các địa phương khác có đường giao thông thuận lợi.
Đối với xã đặc biệt khó khăn này, huyện Mai Sơn đã, đang triển khai các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, cân đối các nguồn lực để có lộ trình đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu, giúp Chiềng Nơi từng bước khắc phục khó khăn.
Theo bà Tòng Thị Chung, Phó Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch, huyện Mai Sơn, trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, phòng đã tham mưu đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét cân đối đầu tư cho xã Chiềng Nơi, đặc biệt là các công trình giao thông trọng điểm. Với các tuyến đường liên bản, nội bản, Phòng đã tham mưu cho huyện cân đối các nguồn vốn thực hiện theo thứ tự ưu tiên trong thời gian tới; đồng thời tham mưu triển khai chủ trương doanh nghiệp chung tay cùng cấp ủy, chính quyền giúp các xã khu vực III vươn lên thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn. Qua đó, rà soát, đánh giá thuận lợi, khó khăn, đề xuất phương án hỗ trợ cho nhân dân.
Những con đường giao thông được cứng hóa không chỉ là niềm mong mỏi của nhân dân để đi lại an toàn, thuận tiện, mà còn tăng kết nối giữa bản với bản, bản với xã, với huyện và tỉnh, giúp cuộc sống nơi đây ngày càng đổi thay và khởi sắc hơn.