Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe đến điện thoại thông minh, ô tô thông minh, thành phố thông minh, thậm chí là tủ lạnh thông minh. Thế nhưng bạn đã bao giờ nghe nói đến Khu bảo tồn thông minh chưa? Khu bảo tồn thông minh (Smart Parks) là tổ chức của một nhóm kỹ sư công nghệ có trụ sở tại Hà Lan tập trung vào việc sử dụng công nghệ hiện đại để hỗ trợ bảo tồn và chống săn trộm, tiêu biểu là công nghệ tầm xa (LoRa).
Công nghệ tầm xa (LoRa) là giao thức mạng sử dụng sóng vô tuyến giống như mạng 4G và Wi-Fi. Sự khác biệt chính là trong khi 4G và Wi-Fi được thiết kế để gửi nhiều dữ liệu trong khoảng cách ngắn bằng cách sử dụng nhiều năng lượng thì công nghệ LoRa được thiết kế để gửi một lượng nhỏ dữ liệu (có kích thước bằng một tin nhắn văn bản) trong khoảng cách dài, sử dụng ít điện năng hơn nhiều.
Tim van Dam – chuyên gia viễn thông, đồng sáng lập Smart Parks cho biết: “LoRa là sự kết hợp hoàn hảo để kết nối nhiều thứ từ những vùng xa xôi hẻo lánh để đảm bảo rằng ban quản lý khu bảo tồn có thể thu thập nhiều hơn dữ liệu từ thực địa.”
LoRa sử dụng ít điện năng nên Smart Parks có thể thiết kế các thiết bị theo dõi nhỏ hơn so với vòng cổ vệ tinh truyền thống. Điều này đặc biệt thuận lợi để theo dõi động vật, từ loài nhỏ như chó rừng – những loài không thể chịu được sức nặng của cục pin lớn trên các vòng cổ theo dõi truyền thống, đến những loài lớn như tê giác. Mặc dù tê giác có thể chịu được khối lượng của một cục pin nặng, nhưng vòng cổ không phù hợp với hình dạng cơ thể của chúng.
Một trong những mục tiêu chính hiện nay của Smart Parks là bảo vệ loài tê giác trắng phương Nam sắp bị đe dọa (Ceratotherium simum simum) và loài tê giác đen cực kỳ nguy cấp (Diceros bicornis). Với kích thước nhỏ hơn 3cm3, các bác sĩ có thể cấy thiết bị trực tiếp vào sừng tê giác.
Geoff Clinning – quản lý phát triển công nghệ của Các Khu bảo tồn Châu Phi – tổ chức chuyên về quản lý và bảo vệ các khu bảo tồn có hợp tác giữa chính phủ và cộng đồng địa phương, một trong những đơn vị áp dụng LoRa tại nhiều khu vực bảo tồn cho biết: “Theo dõi tê giác bằng GPS là điều chúng tôi mong muốn từ lâu. LoRa là một bước tiến vượt bậc khi giúp chúng ta xác định được vị trí của các cá thể tê giác vào các buổi sáng tối hàng ngày”.
Smart Parks hy vọng rằng dữ liệu được thu thập thông qua một loạt các cảm biến như vị trí động vật, điện áp hàng rào và chuyển động của xe được báo cáo cho một trung tâm đầu não qua mạng LoRa sẽ đem lại những hiệu quả cho các hoạt động chống săn trộm.
Jurgen Elbertse, giám đốc và đồng sáng lập Quỹ Timbo Afrika – người đã lắp đặt LoRa bao phủ 30.000 ha tại Central Tuli Block ở Botswana cho biết: “Mọi người đều nghĩ rằng chống săn trộm cần nhiều nhân lực bảo vệ, nhưng như thế là không đủ. Cần đảm bảo rằng bạn quản lý tài sản cần bảo vệ một cách thông minh và sáng suốt. Ví dụ, để bảo vệ một viên kim cương trong tòa nhà, thay vì cố gắng bảo vệ cả một tòa nhà, bạn nên tập trung vào việc xây dựng một hầm bảo mật an toàn để giữ viên kim cương”. Theo thuật ngữ chống săn trộm, “nhận thức tình huống” có được thông qua các cảm biến, giúp chúng ta hướng nỗ lực bảo tồn đến các điểm phân bố động vật trọng điểm một cách chiến lược.
“LoRa là công cụ rất có giá trị trong bộ công cụ của quản lý khu bảo tồn, song vẫn cần có những kiểm lâm viên được đào tạo bài bản – những người có thể trực tiếp tuần tra giám sát động vật hoang dã.” – Clinning chia sẻ.
Tất cả đều đồng ý rằng LoRa đặc biệt hữu ích ở những vùng sâu vùng xa, nơi chưa có mạng di động. Các khu bảo tồn cần phải trả chi phí thiết lập ban đầu. Một khi mạng lưới được thiết lập, các khu bảo tồn có thể thu thập hàng loạt thông tin ngoài việc theo dõi động vật để ngăn chặn nạn săn trộm, chẳng hạn như dữ liệu về nhiệt độ hoặc mực nước tại các khu vực trọng điểm. Thậm chí, quản lý khu bảo tồn có thể bật một công tắc để kích hoạt máy bơm nước – điều mà trước đây kiểm lâm phải mất một chuyến thực địa vài giờ để thực hiện ở một số khu bảo tồn lớn.
Bên cạnh ưu điểm trên, LoRa vẫn tồn tại những nhược điểm. Ở các khu vực bảo tồn có mạng di động tốt, chi phí thiết lập và bảo trì của LoRa có thể đắt hơn so với sử dụng mạng di động.
Ở một vài nơi khác, vị trí tuyệt đối mà mạng LoRa cần bao phủ khiến nó kém hiệu quả hơn. Clinning cho biết vòng cổ vệ tinh vẫn là công cụ tốt nhất để theo dõi quần thể voi rừng (Loxodonta cyclotis) và voi đồng cỏ (Loxodonta africana) trong Công viên Quốc gia Garamba ở Cộng hòa Dân chủ Cong. Bởi vì, ở đây, những con voi di chuyển khắp các khu vực rộng lớn và tháp LoRa ở một số vị trí nhất định sẽ dễ bị chúng phá hủy.
Đối với Smart Parks, việc xây dựng mạng LoRa chỉ là bước khởi đầu. Dự án mới nhất của Van Dam là vòng cổ ElephantEdge. Ngoài chức năng truyền vị trí, nó còn theo dõi âm thanh và chuyển động của động vật. Hy vọng rằng lượng dữ liệu mới này khi kết hợp với máy học có thể tạo ra những hiểu biết mới về hành vi và sinh thái của voi.
Thách thức lớn nhất của Smart Parks có thể là thiếu nguồn vốn dài hạn. Mặc dù gặp khó khăn tài chính, song Smart Parks vẫn để tất cả công nghệ của họ là mã nguồn mở, có nghĩa là bất kỳ ai cũng có thể kiểm tra và sửa đổi các thiết kế và mã. Điều này giúp những người khác trong ngành không lãng phí thời gian lặp lại những công việc tương tự, cũng như giúp những người khác có thể tiếp tục công việc nếu tổ chức của họ phải đóng cửa. Họ cũng đào tạo người dân bản địa chia sẻ kiến thức và những người khác có thể tái cài đặt mà không cần tốn thêm chi phí.
Thùy Dung (Theo Mongabay)