BVR&MT – Chính phủ Mỹ hôm 27/6 cho biết nước này sẽ tăng cường hợp tác với Việt Nam và một số quốc gia đối tác khác để ngăn chặn tình trạng đánh bắt hải sản trái phép.
Ngày 27/6, trong khuôn khổ Hội nghị Đại dương Liên hợp quốc lần thứ 2 đang diễn ra tại Lisboa, thủ đô Bồ Đào Nha, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký Biên Bản ghi nhớ An ninh Quốc gia (NSM) để giải quyết tình trạng Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (illegal, unreported and unregulated fishing – IUU) cũng như các hoạt động đánh bắt có hại có liên quan khác. Hành động này nhắm đối phó với các đội tàu đánh bắt các trái phép trên biển, trong đó nổi bật là các tàu cá của Trung Quốc.
Theo bản ghi nhớ này, Mỹ sẽ thành lập đoàn công tác gồm 21 cơ quan liên bang và khởi động chiến lược quốc gia 5 năm về chống đánh bắt IUU vào cuối tháng 7.
Nhiệm vụ chính của nhóm công tác này là “nhằm chống đánh bắt IUU, hạn chế buôn bán toàn cầu đối với cá và sản phẩm từ cá trong các hoạt động này, đồng thời thúc đẩy an ninh hàng hải toàn cầu, hợp tác với các chính phủ và cơ quan chức năng khác, ngành hải sản, học viện và các bên phi chính phủ liên quan”.
Trong đó, Việt Nam và Đài Loan, Ecuador, Panama, Senegal là các đối tác của Mỹ để cùng giải quyết những vấn đề trên.
Mỹ cũng sẽ hợp tác với Anh và Canada để thành lập Liên minh Hành động Đánh bắt IUU nhằm tăng cường động lực trong cuộc chiến chống đánh bắt IUU. Trong đó, các bên sẽ cam kết thực hiện các hành động khẩn cấp để cải thiện việc giám sát, kiểm soát nghề cá, tăng cường tính minh bạch trong các đội tàu đánh cá và thị trường thủy sản.
Mỹ cho rằng việc xây dựng các mối quan hệ đối tác mới sẽ giúp ngăn chặn các đối tượng khai thác trái phép.
Theo một quan chức Mỹ, nỗ lực của Mỹ không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào, tuy nhiên Trung Quốc đang “là nước dẫn đầu trong hoạt động đánh bắt IUU trên toàn thế giới, đồng thời cản trợ quá trình xây dựng các biện pháp chống đánh bắt IUU và đánh bắt quá mức của các tổ chức quốc tế.”
Báo cáo gần đây của Quỹ Công lý Môi trường cho biết Trung Quốc có các đội tàu lớn nhất thế giới có khả năng đánh bắt ở các vùng biển xa bờ và thường xuyên bị báo cáo lạm dụng đánh bắt.
Những nhà vận động chính sách của Anh chia sẻ rằng các thuyền viên đến từ Indonesia và Ghana trong các cuộc phỏng vấn của họ đã kể lại việc bị thuyền trưởng Trung Quốc ép làm thêm nhiều giờ mà không được trả lương, có hành động đe dọa hoặc bạo lực với thuyền viên, cung cấp thực phẩm chất lượng thấp cho người lao động dẫn đến các bệnh tiêu chảy và nhiều bệnh khác.
Bích Ngọc (Theo AFP)