BVR&MT – Quế được xác định là cây chủ lực trong phát triển kinh tế rừng của Trấn Yên với diện tích 19.924 ha.
Những năm qua, Huyện ủy Trấn Yên đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động về phát triển kinh tế nông – lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, quế được xác định là cây chủ lực trong phát triển kinh tế rừng của huyện với diện tích 19.924 ha, tập trung nhiều tại các xã: Tân Đồng 1.915 ha, Kiên Thành 2.779 ha, Hồng Ca trên 2.526 ha, Y Can 2.166 ha, Lương Thịnh 2.221 ha, Hòa Cuông 1.199 ha… Trong đó, vùng quế chuyên canh hữu cơ là 8.100 ha; diện tích đạt tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn trong nước hơn 2.200 ha.
Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm quế, huyện Trấn Yên đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, thâm canh và thu hoạch sản phẩm quế cho nông dân. Đến nay, nhân dân địa phương đã nắm được cơ bản các yêu cầu kỹ thuật đối với trồng, thâm canh quế như: sản xuất giống, trồng đảm bảo mật độ, thực hiện các kỹ thuật tỉa thưa, thu hoạch, sơ chế sản phẩm từ quế…
Quế là loại cây có tốc độ tăng trưởng khá nhanh, chi phí trồng thấp, tốn ít công chăm sóc, ước tính người dân đầu tư chỉ hơn 10 triệu đồng/ha. Sau 5 đến 10 năm, cây đã có thể cho khai thác, đặc biệt, tất cả các bộ phận của cây từ vỏ đến thân, cành, lá đều có giá trị. Sản lượng thu hoạch và giá trị thu nhập từ cây quế tăng từng năm đã góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nhân dân các xã vùng cao của huyện.
Đến nay, sản lượng vỏ quế khô hàng năm trên địa bàn huyện xuất bán ra thị trường đạt từ 4.000 – 5.000 tấn, đem lại thu nhập trên 400 tỷ đồng. Sản phẩm gỗ quế được cung cấp cho các cơ sở chế biến ván bóc, ván ghép thanh, các xưởng sản xuất đồ mộc dân dụng… với sản lượng gỗ trung bình hàng năm đạt 40.000 m3, trị giá trên 100 tỷ đồng.
Ngoài ra, người dân còn chặt tỉa cành, lá theo chu kỳ để bán cho các cơ sở chiết xuất tinh dầu quế với sản lượng trên 10.000 tấn lá tươi/năm với trị giá trên 20 tỷ đồng. Đặc biệt, những năm gần đây, huyện luôn quan tâm thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư chế biến sản phẩm từ quế, khuyến khích, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm quế gắn với thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tại địa phương; xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm từ quế; tư vấn, hỗ trợ, thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chế biến sâu các sản phẩm quế đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cho các thị trường khó tính… góp phần, nâng cao giá trị cây quế và nâng cao thu nhập cho người dân.
Các sản phẩm quế của người dân sau khai thác đều được tiêu thụ hết thông qua các công ty và tư thương trong, ngoài huyện. Trên địa bàn huyện hiện có Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam và gần 100 cơ sở chuyên thu mua sản phẩm vỏ quế để xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan.
Ngoài ra, có một số công ty tại Hà Nội đã thu mua, chế biến quế để xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và các nước châu Âu… Giá bán sản phẩm vỏ quế và tinh dầu quế tương đối ổn định như: giá sản phẩm vỏ quế tươi trung bình 25.000 đồng/kg; lá quế trung bình 2.000 đồng/kg; tinh dầu quế từ 550.000 – 600.000 đồng/kg.
Phát triển kinh tế rừng từ trồng quế không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn có giá trị trong phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn đất, duy trì nguồn nước. Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực thu mua, chế biến và xuất khẩu sản phẩm quế trên địa bàn, đã góp phần giải quyết việc làm, mang lại thu nhập nâng cao đời sống cho người dân.
Vì vậy, từ nay đến năm 2025, huyện Trấn Yên phấn đấu phát triển vùng quế với diện tích trên 20.000 ha; hàng năm khai thác và trồng mới từ 1.200 ha trở lên; xây dựng vùng sản xuất quế hữu cơ 10.000 ha, diện tích quế đạt tiêu chuẩn quốc tế và trong nước trên 3.000 ha; sản lượng vỏ quế khô mỗi năm đạt trên 5.000 tấn, sản lượng tinh dầu quế đạt trên 100 tấn.
Cùng đó, tiếp tục phát triển mở rộng diện tích vùng nguyên liệu quế gắn với tiêu thụ và chế biến sản phẩm theo hướng bền vững; tạo điều kiện thuận lợi cho các tư thương, doanh nghiệp vào đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, bao tiêu chế biến sản phẩm; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm quế của huyện để có sức cạnh tranh trong việc xuất khẩu và nâng cao giá trị theo hướng có lợi cho người nông dân.