Phát triển khu công nghiệp xanh tại Bình Dương

BVR&MT – Với định hướng phát triển công nghiệp bền vững gắn với đô thị thông minh, tỉnh Bình Dương đang hình thành các khu công nghiệp (KCN) xanh nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư “sạch”, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh.

Không gian xanh bên trong Khu công nghiệp VSIP 2 ở Bình Dương.

Việc triển khai KCN xanh theo mô hình mới tại Bình Dương phù hợp nhu cầu thực tế và đáp ứng đòi hỏi tất yếu của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, giúp tỉnh thu hút đầu tư hiệu quả hơn. Trong quý I/2022, tỉnh đã thu hút gần 1,7 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó, có 98% đầu tư vào các KCN. Hiện tỉnh Bình Dương đang nhân rộng mô hình này nhằm đón nhận làn sóng đầu tư mới, hậu Covid-19.

Sức hấp dẫn từ KCN xanh

Tháng 3/2022, Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam – Singapore (VSIP) đã khởi công xây dựng KCN Việt Nam – Singapore 3 (VSIP 3) tại Bình Dương. Với quy mô 1.000 ha, tổng vốn đầu tư 6.407 tỷ đồng, VSIP 3 đánh dấu cột mốc quan trọng mới đối với liên doanh vì dự án này thực hiện việc chuyển đổi chiến lược theo hướng phát triển bền vững hơn.

VSIP 3 được thiết kế để tích hợp công nghệ thông minh trong các hoạt động tại KCN, từ việc sử dụng năng lượng, nước, chất thải, đến quản lý giao thông và an ninh. Việc sử dụng các thiết bị giám sát theo thời gian thực để theo dõi, phân tích và tối ưu hóa hiệu suất từ xa, giúp tăng cường giám sát trực quan trước các hoạt động sẽ làm cho KCN trở nên an toàn, đáng tin cậy và hiệu quả hơn. Điểm nổi bật khác của VSIP 3 là trang trại năng lượng mặt trời tại chỗ rộng 50 ha, mang lại lợi ích và tính bền vững trong cung cấp điện cho các khách hàng lớn.

Sức hấp dẫn từ KCN xanh VSIP 3 đã thể hiện rõ khi mới khởi công nhưng theo thông tin từ VSIP, đến nay đã có 31 tập đoàn và công ty trong nước và nước ngoài quan tâm tìm hiểu khả năng phát triển sản xuất tại đây, tương đương với 176 ha đất công nghiệp và 1,8 tỷ USD vốn đầu tư dự kiến. Bên cạnh đó, giai đoạn 1 của KCN đã đạt điều kiện để được cấp Chứng nhận xanh Green Mark của Cơ quan Quản lý xây dựng Singapore (BCA) đối với các KCN, giúp dự án này trở thành một trong những môi trường làm việc xanh và bền vững nhất tại Việt Nam.

Chọn KCN xanh VSIP 3 để đầu tư dự án sản xuất sạch, dự án 1,3 tỷ USD của Tập đoàn LEGO đến từ Đan Mạch nhằm sản xuất đồ chơi bằng nhựa, các bộ phận của đồ chơi; sản xuất khuôn mẫu, các bộ phận của khuôn mẫu đã được UBND tỉnh Bình Dương trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào tháng 3/2022. Đây là dự án đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của một công ty Đan Mạch tại Việt Nam, dự kiến khởi công xây dựng trong năm 2022.

Ông Preben Elnef, Phó Chủ tịch Tập đoàn LEGO chia sẻ: Chúng tôi đang cố gắng để dự án đầu tư này phát triển bền vững bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời mái nhà và cánh đồng năng lượng mặt trời để bảo đảm nhà máy trung hòa về khí thải carbon. Nhà máy tại Việt Nam sẽ là nhà máy bền vững nhất của chúng tôi trên thế giới về mặt thiết kế, xây dựng và sẽ được vận hành với trang thiết bị hiện đại. Thông qua dự án này tại Việt Nam, không chỉ nhắm đến việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng cho sự phát triển vượt bậc của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chúng tôi còn đóng góp tạo việc làm cho hàng nghìn lao động có tay nghề…; trực tiếp giúp đỡ trẻ em trên khắp Việt Nam trải nghiệm học tập thông qua vui chơi…

Cũng chuyển hướng phát triển theo mô hình KCN xanh, Tổng công ty Becamex IDC đang đẩy nhanh triển khai KCN khoa học và công nghệ theo lộ trình thực hiện Đề án “Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương” tại KCN Bàu Bàng và KCN Bàu Bàng mở rộng.

Với quy hoạch là hệ sinh thái xanh, sạch, thu hút nguồn vốn đầu tư vào sản xuất có chọn lọc, nơi đây cũng thu hút nhiều dự án mới hàng trăm triệu USD trong quý I/2022, như: Dự án Nhà máy 2 Công ty TNHH Paihong Việt Nam (Samoa) sản xuất vải các loại (không nhuộm, giặt), vốn đầu tư 35 triệu USD; Công ty TNHH A.J. Plast Việt Nam (Thái Lan) sản xuất màng định hướng hai chiều (màng BO), vốn đầu tư hơn 33 triệu USD; Nhà máy Công ty TNHH DSR Vina Bàu Bàng (Hàn Quốc) sản xuất các loại dây thép, vốn đầu tư 29 triệu USD…

Theo Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương, Bùi Minh Trí, quý I/2022, các KCN Bình Dương thu hút 1,65 tỷ USD, tăng khoảng năm lần so cùng kỳ năm 2021, đạt 135% kế hoạch năm 2022; trong đó cấp mới 17 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,45 tỷ USD, tăng gần năm lần về số vốn so cùng kỳ; 32 lượt dự án điều chỉnh tăng thêm vốn đầu tư 169 triệu USD, tăng 332% về vốn. Kết quả này nâng nguồn lực đầu tư FDI tại các KCN Bình Dương lên 2.343 dự án với tổng vốn đăng ký 27,3 tỷ USD. Ngoài ra, tại các KCN còn có 672 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 86.810 tỷ đồng.

Lan tỏa mô hình KCN xanh

Ông Teo Ban Seng, Giám đốc điều hành Sembcorp Development, đồng Chủ tịch VSIP Group cho biết:

VSIP đã trải qua một chặng đường dài kể từ khi thành lập và hiện đã nhân rộng thành công mô hình KCN và đô thị hiện đại ra miền bắc, miền trung Việt Nam. VSIP 3 tại Bình Dương đánh dấu sự thay đổi đáng kể qua việc chuyển đổi để có thể phát triển bền vững hơn. VSIP rất tự hào khi công bố khái niệm thiết kế mới cho KCN thông minh và bền vững.

Các thiết bị thông minh sẽ mang lại sự an toàn, đáng tin cậy và hiệu quả cho các khách hàng cùng người lao động trong KCN. Những tính năng bền vững một khi đưa vào vận hành sẽ giúp VSIP 3 tại Bình Dương trở thành một trong những môi trường làm việc xanh và bền vững bậc nhất Việt Nam. VSIP cũng đóng góp một phần của mình thông qua việc tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo tại các dự án thông qua việc thúc đẩy lắp đặt các hệ thống năng lượng mặt trời áp mái ngay tại tòa nhà văn phòng cũng như các nhà xưởng.

Và đặc biệt hơn là kế hoạch xây dựng 50 ha trang trại điện mặt trời ngay tại KCN VSIP 3 tại Bình Dương. Đây sẽ là một tiền lệ trong thiết kế KCN dựa vào sự ổn định của mạng lưới điện và những lợi ích bền vững mang lại cho các nhà sản xuất lớn.

Sau KCN VSIP 3, trong quý II/2022, tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục khởi công xây dựng KCN Cây Trường, quy mô 700 ha do Tổng công ty Becamex IDC đầu tư.

Tổng Giám đốc Tổng công ty Becamex IDC Phạm Ngọc Thuận chia sẻ:

Cũng như việc xây dựng KCN khoa học-công nghệ, KCN Cây Trường sẽ được xây dựng theo mô hình hệ sinh thái công nghiệp kiểu mới với nền tảng đổi mới sáng tạo, khoa học-công nghệ, kết hợp với hạ tầng giao thông kết nối vùng, hệ thống logictics, đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, đầy đủ dịch vụ y tế, giáo dục và hạ tầng xanh, tạo ra môi trường sống và làm việc tốt cho chuyên gia và người lao động. Có như vậy mới giúp địa phương phát triển ổn định, bền vững. Đó là sự kiên định và triết lý “phát triển kinh tế gắn liền với trách nhiệm xã hội” của Becamex IDC, thông qua việc kiến tạo một hệ sinh thái hoàn thiện phục vụ nhà đầu tư, người lao động và người dân.

Chuyển hướng phát triển các KCN xanh, với việc VSIP 3, một mô hình KCN kiểu mới vừa khởi công xây dựng tại tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Võ Văn Minh cho rằng: Sau hơn 20 năm hình thành, đến nay VSIP đã trở thành biểu tượng vững chắc của quan hệ hợp tác kinh tế tốt đẹp giữa Singapore và Việt Nam khi mô hình VSIP Group đang dần phát triển và lớn mạnh trên khắp cả nước.

Bên cạnh việc sở hữu cơ sở hạ tầng hiện đại, các dự án KCN của VSIP luôn hướng đến mô hình KCN xanh với những cam kết bảo vệ môi trường cùng các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi tái tạo năng lượng sạch, năng lượng mặt trời và giảm rác thải, khí thải, phù hợp định hướng phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Lãnh đạo tỉnh tin tưởng, VSIP 3 sẽ sớm đi vào hoạt động theo đúng tiến độ, hình thành môi trường thuận lợi phục vụ các nhà đầu tư tại tỉnh Bình Dương nói riêng và khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía nam nói chung, đóng góp tích cực vào sự hội nhập, phát triển toàn diện và bền vững của Việt Nam trong tương lai. Đây cũng là mô hình KCN kiểu mới, tạo sự lan tỏa cho các KCN tại Bình Dương tiếp tục nhân rộng và nâng cấp phát triển nhằm thu hút vốn đầu tư bền vững hơn trong giai đoạn mới.