7 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

BVR&MT – Vừa qua, ngày 08/03/2024 Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 29/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/08/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (Chương trình).

Sau gần 7 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó đã gặt hái đạt được những thành tựu đáng mừng như: Diện tích và chất lượng rừng ngày càng tăng, tỉ lệ che phủ rừng đạt trên 42%. Kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, công nghiệp chế biến, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản tăng nhanh. Đời sống, việc làm, thu nhập của người dân ở khu vực có rừng, trong đó có các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa từng bước được cải thiện

Tuy nhiên, kết quả thực hiện Chỉ thị còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Chỉ thị hiệu quả chưa cao. Cơ chế, chính sách, pháp luật về lâm nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chưa đồng bộ với pháp luật chuyên ngành khác, nhất là pháp luật về đất đai. Hiệu quả hoạt động của nhiều doanh nghiệp nhà nước sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp thấp, tiến độ sắp xếp, đổi mới chậm.

Chưa khai thác hiệu quả, bền vững giá trị của hệ sinh thái rừng; dịch vụ môi trường rừng chưa phát triển; việc thu dịch vụ hấp thụ, lưu giữ các bon và phát triển thị trường tín chỉ các bon rừng còn chậm. Việc thực hiện các giải pháp trồng rừng, phục hồi rừng, nâng cao chất lượng rừng, hạn chế suy thoái rừng chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến xói mòn, lũ lụt, sạt lở đất… ngày càng tăng.

Tổ chức bộ máy quản lý lâm nghiệp từ Trung ương đến địa phương chưa thống nhất, thiếu ổn định, một bộ phận cán bộ năng lực, đạo đức hạn chế. Đời sống người làm nghề rừng, người dân ở khu vực có rừng còn nhiều khó khăn.

Nhằm đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW và chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt với 7 nhiệm vụ trọng tâm sau:

1- Đổi mới, đa dạng hoá, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững; 2- Hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách về lâm nghiệp; 3- Phát triển kinh tế lâm nghiệp; 4- Tổ chức thực hiện có hiệu quả quy hoạch lâm nghiệp quốc gia và một số đề án trọng điểm; 5- Sắp xếp tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về lâm nghiệp; 6- Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; 7- Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và chủ động, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về lâm nghiệp.

Trong đó, Chương trình tiếp tục phát triển mới, nhân rộng một số mô hình kinh tế nông – lâm – ngư nghiệp kết hợp, vừa đáp ứng yêu cầu bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng, vừa phát huy tiềm năng, giá trị tài nguyên của rừng đặc dụng. Phát triển các mô hình bảo vệ rừng, bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn gắn với nuôi trồng thuỷ sản.

Đồng thời, giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong việc sắp xếp, đổi mới của các công ty nông, lâm nghiệp tại các địa phương, nhất là việc bàn giao, tiếp nhận các công ty lâm nghiệp từ các bộ, ngành cho Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý.

Xử lý triệt để tồn đọng, tranh chấp về đất đai có nguồn gốc từ lâm trường, công ty lâm nghiệp; chấm dứt tình trạng công ty lâm nghiệp, doanh nghiệp được giao đất nhưng không sử dụng (nhượng lại, cho thuê, cho mượn, khoán trắng) hoặc sử dụng không hiệu quả; xử lý dứt điểm diện tích đất lâm nghiệp bị chồng lấn, tranh chấp, lấn chiếm….

Vũ Trà