BVR&MT – Ngày 15/10, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) công bố báo cáo Sức sống Hành tinh 2022. Theo báo cáo, quần thể các loài hoang dã thuộc các lớp thú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá đã giảm trung bình 69% kể từ năm 1970.
Theo Báo cáo, quần thể các loài hoang dã (được giám sát) – thuộc các lớp thú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá – đã giảm trung bình 69% kể từ năm 1970. Báo cáo đã cho thấy hiện trạng rõ nét của thiên nhiên và cảnh báo các chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng thực hiện các hành động khẩn cấp, mang tính chuyển đổi để đảo ngược tình trạng suy thoái đa dạng sinh học đang diễn ra.
Với bộ dữ liệu lớn nhất từ trước đến nay, bao gồm gần 32.000 quần thể của 5.230 loài, Chỉ số Sức sống Hành tinh (LPI), do ZSL (Hiệp hội Động vật học London) nghiên cứu, chỉ ra rằng các loài động vật hoang dã có xương sống (được giám sát trong LPI) đang giảm mạnh với tỷ lệ đáng báo động tại các khu vực nhiệt đới. WWF đặc biệt lo ngại trước tình trạng trên bởi những khu vực này cũng là những nơi có đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Cụ thể, dữ liệu LPI cho thấy từ năm 1970 cho đến 2018, những quần thể động vật hoang dã được giám sát tại châu Á – Thái Bình Dương giảm trung bình 55%. Con số này tại châu Phi, châu Mỹ Latinh và khu vực Caribbe là 94%.
Nguyên nhân chính làm suy giảm các quần thể động vật hoang dã trên khắp thế giới bao gồm suy thoái và mất sinh cảnh, khai thác, du nhập các loài ngoại lai xâm hại, ô nhiễm, biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Báo cáo LPR chỉ rõ, để xây dựng một tương lai trong đó thiên nhiên được bồi hoàn thì cộng đồng địa phương và người bản địa ở khắp thế giới phải được công nhận quyền trong việc tham gia quản lý và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.
Nhận xét về những kết luận này của báo cáo, ông Marco Lambertini, Tổng Giám đốc WWF Quốc tế, cho biết: “Chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp kép do chính con người gây ra: biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học – những yếu tố đe dọa tới phúc lợi của thế hệ hiện tại và tương lai. WWF vô cùng lo lắng trước những số liệu về sụt giảm quần thể mới được công bố, đặc biệt tại các khu vực nhiệt đới – nơi sở hữu những cảnh quan đa dạng lớn nhất thế giới.
Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ có buổi gặp mặt tại Hội nghị lần thứ 15 giữa các bên tham gia về Công ước về Đa dạng Sinh học (CBD COP15) vào tháng 12 này để bàn thảo các hành động cần thiết nhằm đảm bảo lợi ích của con người và hành tinh. WWF vận động các nhà lãnh đạo cam kết một thỏa thuận tương tự như“thỏa thuận Paris” có khả năng đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học nhằm đảm bảo một thế giới trong đó thiên nhiên được bồi hoàn vào năm 2030.
Hội nghị lần thứ 15 giữa các bên về Công ước của Liên hợp quốc về Đa dạng Sinh học (COP15) dự kiến sẽ diễn ra tại Montreal, Canada, từ ngày 7 – 9/12/2022. Tại Hội nghị COP15, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam với sự hỗ trợ của WWF Việt Nam sẽ tổ chức một sự kiện nhằm chia sẻ Chiến lược Đa dạng Sinh học quốc gia, được phê duyệt vào tháng 2/2022. Sự kiện cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới trong việc bảo vệ đa dạng sinh học. Việt Nam cũng là quốc gia tiên phong tham gia các cam kết quốc tế trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Hậu Thạch