5 tập đoàn dầu khí chi 250 triệu euro vận động hành lang EU về chính sách khí hậu

BVR&MT – Theo một nghiên cứu mới được liên minh các tổ chức phi chính phủ công bố, tính từ năm 2010, BP, Shell, Chevron, ExxonMobil và Total – 5 công ty dầu khí lớn nhất – đã chi ít nhất 251 triệu euro vận động hành lang Liên minh châu Âu (EU) về các chính sách khí hậu.

Dữ liệu về quy mô vận động hành lang của các công ty dầu mỏ được đưa ra khi 200 tổ chức yêu cầu thiết lập rào cản để ngăn ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch ảnh hưởng tới nền chính trị dân chủ.

Các tuyên bố từ đăng ký minh bạch của EU tiết lộ BP, Shell, Chevron, ExxonMobil và Total đã đăng ký chi 123 triệu euro từ năm 2010 đến 2018 cho vận động hành lang các tổ chức thuộc EU. 13 tập đoàn công nghiệp cũng tuyên bố chi thêm 128 triệu euro trong cùng thời gian.

Các nhà nghiên cứu thuộc Corporate Europe Observatory, Food & Water Europe, Friends of the Earth Europe và Greenpeace cho biết con số này chỉ thể hiện phần nổi của tảng băng chìm vì trong một số năm, các công ty không đưa ra tuyên bố chỉ tiêu nào trong đăng ký tự nguyện. Báo cáo cũng không kiểm tra chi tiêu vận động hành lang của mỗi công ty liên quan đến quốc hội và các định chế quốc gia.

Phân tích hồ sơ các cuộc họp công khai của Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy các công ty dầu mỏ thuê 200 nhà vận động hành lang hoạt động ở Brussels, tổ chức 327 cuộc họp với các quan chức EC hàng đầu kể từ năm 2014, khi Jean-Claude Juncker nhậm chức – tương đương với hơn một cuộc họp mỗi tuần.

Cùng lúc đó, lợi nhuận của năm ông lớn tăng lên hơn 82 tỷ USD trong năm 2018.

Ảnh: F1 Online/REX

Pascoe Sabido, nhà nghiên cứu thuộc Corporate Europe Observatory cho biết: “Những công ty gây ô nhiễm lớn như Shell, BP và các nhóm vận động hành lang của họ đã đổ nhiều tiền để trì hoãn, làm suy yếu và phá hoại hành động của EU nhằm giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu. 250 triệu euro đó đã mua được nhiều quyền tiếp cận và ảnh hưởng ở Brussels trong thập kỷ qua.

Các tổ chức NGO đứng sau báo cáo đang yêu cầu chính trị phải nằm ngoài ảnh hưởng của nhiên liệu hóa thạch. Lời kêu gọi, được hỗ trợ bởi 200 tổ chức xã hội dân sự ủng hộ chỉ rõ rằng họ muốn chấm dứt tình trạng ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch tiếp cận với quá trình ra quyết định. Họ kêu gọi:

  • Chấm dứt các cuộc họp vận động hành lang với các công ty nhiên liệu hóa thạch hoặc đại diện của nhóm này
  • Không “lại quả” giữa cơ quan công quyền và ngành dầu khí
  • Kết thúc trợ giá nhiên liệu hóa thạch
  • Không tài trợ hoặc hợp tác với đại diện của ngành dầu khí

Cả BP, Shell, Chevron, ExxonMobil và Total đều phủ nhận báo cáo hoặc từ chối bình luận.

Nhật Anh (Theo Guardian)