BVR&MT – Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết 33 tác phẩm đoạt giải được Hội biên tập in thành sách “Thảm họa da cam-Sẻ chia và khát vọng” làm tài liệu tuyên truyền, nghiên cứu sau này.
Trong khuôn khổ các hoạt động Kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam, tối 27/12, tại Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức lễ Trao giải báo chí về đề tài “Thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam,” lần thứ I, năm 2020-2021.
Đây là giải báo chí có ý nghĩa quan trọng, có tác dụng thiết thực, được tổ chức nhằm khẳng định vai trò và tầm quan trọng của báo chí đối với công tác tuyên truyền về thảm họa da cam do Mỹ gây ra cho dân tộc Việt Nam; sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người hoạt động kháng chiến, con, cháu họ bị nhiễm chất độc hóa học và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học; công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam và cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Báo cáo tổng kết cuộc thi, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Đặng Nam Điền, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi cho biết cuộc thi được phát động ngày 26/5/2020. Thời gian nhận tác phẩm dự thi từ 1/1- 30/3/2021.
Trong thời gian triển khai, Ban Tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng tích cực, có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhân dân ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài.
Đây là đề tài mang tính đặc thù, khó viết, nhưng Ban Tổ chức đã nhận được gần 600 tác phẩm. Đối tượng tham gia dự thi rất đa dạng, bao gồm các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang, hội viên các hội: Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp, cựu chiến binh, cựu Thanh niên xung phong; cán bộ làm công tác hội; phóng viên các báo, đài Trung ương và địa phương; các tổ chức chính trị-xã hội; các hội quần chúng; người Việt Nam ở nước ngoài…
Nội dung các tác phẩm rất phong phú, phản ánh về thảm họa da cam; công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học; công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam; chế độ chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con, cháu của họ bị nhiễm chất độc hóa học; gương nạn nhân vượt khó vươn lên và gương cán bộ làm công tác hội; cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.
Giải báo chí được tổ chức chặt chẽ, khoa học, mang tính chuyên nghiệp có ý nghĩa, tác dụng thiết thực; nhiều đơn vị triển khai bài bản, có cách làm phù hợp với thực tế của từng đơn vị, từ tuyên truyền, động viên, đến giao chỉ tiêu, gắn với tiêu chí thi đua của đơn vị.
Trong số gần 600 tác phẩm gửi dự thi, có trên 400 tác phẩm có chất lượng, đúng thể lệ, được đăng tải trên Tạp chí Da cam Việt Nam, Tạp chí Điện tử Da cam Việt Nam và các báo, tạp chí khác. Sau nhiều vòng chấm thi, Ban Tổ chức chọn được 33 tác phẩm xuất sắc nhất để trao 3 giải A; 5 giải B; 10 giải C và 15 giải khuyến.
Các tác phẩm được trao giải A bao gồm: “Bóng ma” từ một cuộc chiến của tác giả Phương Liễu báo Đồng Nai; “Đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam-Hành trình gian khổ và niềm tin chiến thắng” 4 kỳ của nhóm tác giả Trần Đình-Mạnh Dũng, Chu Út trên Tạp chí Điện tử Da cam; “Khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Quảng trị: Hành trình không ngừng nghỉ” 4 kỳ của nhóm tác giả Hoài Hương, Lâm Thanh, Thanh Trúc ở Quảng Trị.
Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết 33 tác phẩn đoạt giải được Trung ương Hội biên tập in thành sách “Thảm họa da cam-Sẻ chia và khát vọng” làm tài liệu tuyên truyền và nghiên cứu sau này.
Nhân dịp này, Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tặng Bằng khen cho 9 tập thể và 2 cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức tham gia giải./.