3 vấn đề lâm nghiệp nổi bật của Indonesia năm 2021

BVR&MT – Năm 2021 đánh dấu bước ngoặt đối với số phận các khu rừng nhiệt đới của Indonesia, khu rừng rộng lớn nhất bên ngoài Amazon và lưu vực Congo. Năm bắt đầu với tin tức về tỷ lệ phá rừng giảm kỷ lục vào năm 2020 mà chính phủ cho rằng do hiệu ứng từ các chính sách đúng đắn, phù hợp nhưng các chuyên gia khẳng định đó là do tác động từ các yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như đại dịch. 2021 cũng là năm mà lệnh cấm cấp phép trồng cọ dầu mới chấm dứt với lời cảnh báo từ các chuyên gia về một làn sóng chặt phá rừng sắp xảy ra. Ngoài ra, xung đột đất đai vẫn dai dẳng trên khắp quốc gia quần đảo do thiếu cơ chế giải quyết mạnh mẽ, hiệu quả.

Khai phá rừng nhiệt đới để trồng cọ dầu ở Gorontalo, Sulawesi vào năm 2016. (Ảnh: NASA Landsat)

Phá rừng giảm nhưng mối đe dọa vẫn còn

Phá rừng từ lâu đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng ở Indonesia. Kể từ năm 2001, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã mất gần 30 triệu ha độ che phủ cây – một diện tích bằng cả nước Ý và chỉ đứng sau tỷ lệ mất rừng của Brazil. Tỷ lệ phá rừng hàng năm của Indonesia tăng đều trong suốt những năm 2000, đạt đỉnh vào năm 2016 trước khi giảm đáng kể vào năm 2017-2019, một vài năm sau khi Tổng thống Joko Widodo lên cầm quyền.

Đáng chú ý, năm 2020 chứng kiến ​​tỷ lệ phá rừng ở Indonesia giảm mạnh. Theo số liệu của chính phủ, nạn phá rừng giảm 75% so với năm 2019. Chính quyền của Tổng thống Widodo cho rằng sự chậm lại của nạn phá rừng là do các chính sách đúng đắn đã được ban hành bao gồm lệnh cấm vĩnh viễn cấp giấy phép phát quang rừng già, tạm thời cấm cấp phép trồng cọ dầu mới, chương trình “lâm nghiệp xã hội” nhằm trao quyền cho cộng đồng địa phương, chiến dịch thực thi pháp luật nhằm vào các công ty và những người nông dân bị buộc tội gây ra cháy rừng, và một chương trình phục hồi đất than bùn nhằm ngăn các đám cháy xảy ra ngay từ đầu.

Cháy vùng đất than bùn ở Cengal, quận Ogan Komering Ilir, Nam Sumatra. (Ảnh: Nopri Isim / Mongabay-Indonesia)

Tuy nhiên, không ít ý kiến hoài nghi về tính hiệu quả của một số chính sách của Jakarta bởi các ý kiến cho rằng các yếu tố khác có thể còn đóng vai trò quan trọng hơn, chẳng hạn như năm 2020 ẩm ướt hơn bình thường, giá dầu cọ thấp hơn, và suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Một số nhà quan sát cho rằng sự chậm lại có thể chỉ là một đốm sáng tạm thời trừ khi các hành động quyết liệt hơn được thực hiện.

Riêng nhiều nhóm môi trường ở Indonesia thì cho rằng nạn phá rừng ở nước này đang gia tăng. Tỷ lệ mất rừng giảm trong nửa cuối những năm 2010 so với thời kỳ đầu, từ 3,4 triệu ha xuống 2,8 triệu ha chỉ đúng khi nhìn từ góc độ quốc gia. Khi xem xét kỹ hơn thì thấy có một xu hướng đáng lo ngại: tại 10 tỉnh giàu rừng nhất Indonesia, nạn phá rừng thực sự gia tăng trong cùng thời kỳ, từ 1,8 triệu ha năm 2010-2014 lên 1,85 triệu ha vào năm 2015-2019. 10 tỉnh này (Tây Kalimantan, Trung Kalimantan, Đông Kalimantan, Bắc Kalimantan, Trung Sulawesi, Maluku, Bắc Maluku, Papua, Tây Papua và Aceh) nắm giữ 80% diện tích rừng còn lại của Indonesia, tuy nhiên nhiều nơi đang bị khai thác triệt để, đặc biệt là một số tỉnh nằm ở khu vực phía đông – nơi được coi là biên giới cuối cùng cho các công ty kinh doanh nông nghiệp mở rộng và khai thác các khu rừng đất thấp ở Sumatra và Borneo. Điều này đặc biệt đúng ở tỉnh Papuan, nơi hơn 1 triệu ha đất rừng đã được cấp phép cho các công ty trồng cọ dầu nhưng vẫn chưa được khai phá.

Mặc dù nạn phá rừng đã chậm lại vào năm 2020, các mối đe dọa đối với rừng của quốc gia vẫn còn. Theo tổ chức môi trường Madani, hơn 3,5 triệu ha rừng nhiệt đới vẫn nằm trên những vùng đất được cấp phép cho các công ty trồng cọ dầu khiến chúng có nguy cơ bị phá bỏ hợp pháp, chưa kể chương trình nhiên liệu sinh học dựa trên dầu cọ của Indonesia sẽ yêu cầu 15 triệu ha trồng cọ dầu mới để đáp ứng các mục tiêu sản xuất có thể sẽ đe dọa nhiều hơn các khu rừng của quần đảo. Bên cạnh đó, kế hoạch thiết lập hàng triệu ha đất nông nghiệp mới trên khắp đất nước theo chương trình “điền trang thực phẩm” mới cũng dẫn đến tình trạng giải phóng môi trường sống của đười ươi ở Borneo để nhường chỗ cho một đồn điền sắn khổng lồ.

Chính sách dừng cấp phép trồng cọ dầu mới hết hiệu lực

Các nhà quan sát cảnh báo về một mối đe dọa khác đối với rừng Indonesia: sự kết thúc của lệnh cấm kéo dài 3 năm đối với việc cấp giấy phép trồng cọ dầu mới sẽ bắt đầu từ tháng 9/2021. Tổng thống Widodo đã công bố chính sách này vào năm 2015 khi Indonesia phải hứng chịu thêm một đợt cháy rừng thảm khốc khác. Nguyên nhân cơ bản chính của các vụ hỏa hoạn diễn ra khắp quần đảo gần như hàng năm là sự biến đổi lớn của các vùng đầm lầy than bùn rộng lớn thành cảnh quan khô cằn do kinh doanh nông nghiệp thống trị. Với việc đất đai ở quần đảo ngày càng khan hiếm, các công ty dầu cọ và giấy tìm mọi cách cách thiết lập các đồn điền mới từ các vùng đất than bùn tương đối khắc nghiệt của Indonesia, đòi hỏi họ phải đào vô số kênh mương thoát nước để điều chỉnh mực nước và thiết lập các điều kiện thích hợp cho việ trồng trọt. Hệ quả là khiến cảnh quan ngày càng khô và rất dễ bị cháy.

Bất chấp những lời kêu gọi từ các tổ chức môi trường và một số chính quyền khu vực về việc gia hạn lệnh cấm, Jakarta đã cho phép lệnh cấm này hết hiệu lực vào tháng 9. Mặc dù Bộ Lâm nghiệp cho biết họ sẽ không chia lại bất kỳ diện tích đất rừng nào nữa để phát triển cọ dầu nhưng nhiều khả năng đây chỉ là một cam kết bằng lời nói. Đáng chú ý là trong thời gian 3 năm tạm hoãn, Indonesia đạt được rất ít tiến bộ trong việc xem xét các giấy phép cọ dầu còn hiệu lực, rất ít giấy phép bị xem xét hoặc thu hồi dù có dấu hiệu vi phạm.

Xung đột đất đai vẫn dai dẳng

Một báo cáo nghiên cứu rà soát 150 cuộc xung đột đất đai liên quan đến cọ dầu ở bốn tỉnh cho thấy 243 người bị thương, 19 người chết; ít nhất 30 cuộc biểu tình hoặc phong tỏa bị chế ngự; 42% các trường hợp đã chứng kiến ​​việc bắt giữ các thành viên cộng đồng với tổng số 798 vụ bắt giữ. Phía Hiệp hội cải cách nông nghiệp (KPA) cũng ghi nhận 241 cuộc xung đột đất đai liên quan đến 359 ngôi làng vào năm 2020 và tổng cộng 2.291 vụ xung đột trong 5 năm (2015-2020) so với 1.770 vụ từ 2004-2014.

Bên cạnh đó, lĩnh vực khai thác cũng chứng kiến ​​sự xung đột giữa các tập đoàn lớn và cộng đồng địa phương cũng như các thành viên của người bản địa. Tính đến tháng 7, chính quyền trung ương đã cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất theo phong tục tập quán cho 80 cộng đồng với tổng diện tích là 59.442 ha (146.884 mẫu Anh), thấp hơn nhiều so với 10,6 triệu ha rừng truyền thống đã được lập bản đồ bởi 833 nhóm người bản địa.

Các nhà nghiên cứu kết luận Indonesia không có cơ chế hiệu quả để giải quyết xung đột đất đai, trong đó thiếu minh bạch dữ liệu đất đai là bất cập lớn nhất trong vấn đề này.

Linh Nhi (Theo Mongabay)

Tags: ,
CHIA SẺ