2 huyện của TP. Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới

BVR&MT – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký các quyết định công nhận 2 huyện Quốc Oai và Gia Lâm (thành phố Hà Nội) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2018.

Phó Thủ tướng giao UBND thành phố Hà Nội có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định, chỉ đạo huyện Quốc Oai và Gia Lâm tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí sản xuất và môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng NTM.

Với sự nỗ lực của hệ thống chính trị và sự chung tay, góp sức của toàn thể nhân dân địa phương, đến nay, huyện Quốc Oai đã hoàn thành xây dựng NTM ở 100% xã trên địa bàn.

Trong 8 năm xây dựng NTM, huyện Quốc Oai đã cải tạo, nâng cấp 766,83 km đường giao thông trục xã, liên xã, liên thôn, đường ngõ xóm, đường trục chính nội đồng; nâng cấp, cải tạo 80 km kênh tưới cấp 3, đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất cho 7.993,2 ha; đầu tư cải tạo sửa chữa và xây dựng mới nhiều trường học; thực hiện xây dựng mới 2 trung tâm văn hóa tại các xã; xây dựng và cải tạo, sửa chữa 23 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố xây dựng mới hệ thống truyền thanh không dây tại 20/20 xã; xây dựng mới 15 điểm thu gom rác thải và 02 công trình xử lý nước thải, rác thải; cải tạo và xây dựng mới 20 trụ sở xã.

Huyện đã hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn theo hướng đồng bộ, gắn với phát triển đô thị; đầu tư xây dựng mới 21 hệ thống chiếu sáng công cộng tại các xã, thị trấn, góp phần thực hiện tốt năm văn minh đô thị; phê duyệt quy hoạch 16 vùng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi với diện tích 2.702 ha. Năm 2018, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của huyện đạt 1.461 tỷ đồng, chiếm 15,2% trong cơ cấu kinh tế của huyện.

Nhiều nhóm tiêu chí xây dựng NTM đạt kết quả cao như: 100% trục chính, đường liên thôn được cứng hóa, bê tông, dải nhựa asphal; 100% trạm y tế các xã đã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch Sông Đà đạt 82%; 100% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng; 86,56% tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, đặc biệt là tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,46%, vượt cao so với quy định thành phố là 2%.

Trong phát triển kinh tế – xã hội huyện Gia Lâm đã đạt được nhiều thành tích. Tăng trưởng kinh tế cao, phát triển toàn diện. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2018 là 12,7%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng, thương mại – dịch vụ tăng; tỷ trọng ngành nông nghiệp – thủy sản giảm mạnh, tăng tỷ trọng thương mại – dịch vụ và công nghiệp – xây dựng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Tính đến tháng 6/2019, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý ước tăng 10,37% so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 17,9 triệu đồng/người. Năm 2018 đạt 48,9 triệu đồng/người, tăng 31 triệu đồng so với năm 2010.

Từ năm 2010 đến tháng 6/2019, tổng nguồn vốn xây dựng NTM trên địa bàn huyện Gia Lâm đạt trên 5.015 tỷ đồng, trong đó, có có trên 550 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách. Huyện đã đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp 227 km đường giao thông; nâng cấp, cải tạo 68 km kênh cấp 3; đầu tư đồng bộ trên 411 km hệ thống chiếu sáng; xây dựng mới và cải tạo, sửa chữa 151 điểm trường học, 3 trung tâm văn hóa tại các xã, 188 nhà văn hóa tại các thôn… Diện mạo của huyện Gia Lâm có bước thay đổi căn bản. Đến nay, huyện có 20/20 xã đạt chuẩn NTM. Gia Lâm cũng hoàn thành 9/9 tiêu chí của huyện NTM.