BVR&MT – Một số chính phủ và các nhà tài trợ tư nhân đã công bố tại Hội nghị COP26 về kế hoạch đầu tư 1,7 tỷ USD để hỗ trợ quyền sở hữu đất và tài nguyên của người bản địa và cộng đồng địa phương nhằm ghi nhận vai trò của họ trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu cũng như bảo vệ đa dạng sinh học.
Đây là cam kết công – tư lớn nhất trong việc hỗ trợ người dân bản địa và cộng đồng địa phương (Indigenous Peoples and Local Communities – IPLC), được chính thức công bố vào ngày 1/11/2021 theo tuyên bố COP26 của các nhà tài trợ chung bao gồm chính phủ Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Na Uy, Hà Lan và Đức cùng 17 nhà tài trợ tư nhân (gồm cả Quỹ Ford và Quỹ Christensen). Các nhà tài trợ cùng cam kết ghi nhận hơn nữa những đóng góp toàn cầu của IPLC trong việc bảo vệ rừng nhiệt đới, bảo tồn các hệ sinh thái quan trọng, bảo vệ rừng và thiên nhiên.
Cam kết chung sẽ có hiệu lực từ năm 2021 đến năm 2025 và kêu gọi tất cả các nhà tài trợ tăng cường hỗ trợ đáng kể cho chương trình nghị sự của mình nhằm cải thiện nâng cao năng lực và đảm bảo quyền đối với đất đai người bản địa và cộng đồng địa phương. Trong tuyên bố, sự gia tăng các mối đe dọa và bạo lực chống lại IPLC cũng được ghi nhận.
“Nhiều bằng chứng cho thấy IPLC là những người bảo vệ rừng hiệu quả nhất nhưng thường phải đối mặt với những nguy cơ cấp thiết, vì vậy họ phải là trọng tâm của các giải pháp dựa vào tự nhiên đối với tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Bằng cách đầu tư vào các cộng đồng rừng nhiệt đới và mở rộng các quyền cộng đồng của họ, chúng tôi cũng sẽ giải quyết tình trạng đói nghèo, ô nhiễm và đại dịch”, Lord Goldsmith, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thái Bình Dương và Môi trường nhấn mạnh.
Trong một tuyên bố riêng biệt, Quỹ Ford nêu bật các nghiên cứu gần đây về sự khác biệt giữa quản lý đất đai của IPLC và số tiền hỗ trợ tài chính mà họ nhận được.
Một báo cáo mới của WRI được công bố vài tuần trước cũng cho thấy cách các IPLC quản lý một nửa diện tích đất trên thế giới và chăm sóc 80% đa dạng sinh học của trái đất trong khi chỉ được phân bổ dưới 1% hỗ trợ được chỉ định chính thức cho biến đổi khí hậu và ít hơn 5% hỗ trợ chính thức cho bảo vệ môi trường nói chung. Chưa kể chỉ một phần nhỏ của sự hỗ trợ này có thể đến với các cộng đồng trên thực địa. Vì vậy, các nhà tài trợ đã cam kết hỗ trợ trực tiếp cho các cộng đồng với một cơ chế trách nhiệm giải trình được tăng cường. Hai tiêu chí cụ thể cho cam kết là hỗ trợ trực tiếp cho cộng đồng IPLC thông qua nâng cao năng lực và hỗ trợ tài chính cho các hoạt động của nhóm, đồng thời tài trợ cho các hoạt động củng cố và đảm bảo quyền sở hữu của IPLC dưới hình thức lập bản đồ, đăng ký và quy trình cải cách đất đai.
Carlos Rodriguez, Giám đốc điều hành của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) cũng khẳng định sự cần thiết phải xây dựng năng lực và cấu trúc trong các cộng đồng bản địa để quản lý hiệu quả các nguồn tài chính.
Mặc dù các nhà tài trợ cam kết thúc đẩy sự tham gia hiệu quả của IPLC vào quá trình ra quyết định của các quỹ cũng như hợp tác với họ trong việc thiết kế, thực hiện các chương trình liên quan, đặc biệt trong đó nhấn mạnh sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái, thanh niên, người khuyết tật cùng những đối tượng chịu thiệt thòi trong quá trình ra quyết định, tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo bản địa vẫn hoài nghi về lời hứa rằng nguồn tài trợ sẽ đến được cấp cộng đồng.
“Chúng tôi biết nhiều quỹ trong số này được dành cho các cơ chế truyền thống vốn đã cho thấy những hạn chế rất lớn trong việc tiếp cận các lãnh thổ của chúng tôi và hỗ trợ các sáng kiến trong cộng đồng… Một trong những hạn chế của nó là các chính phủ gặp khó khăn khi hiện diện ở những vùng lãnh thổ này khiến họ không thể kiểm soát tốt việc phân bổ chi phí cũng như thực hiện các chính sách dài hạn nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Ở quy mô lớn, các tổ chức trung gian thường là những người được hưởng lợi đầu tiên từ quỹ khí hậu và chi phí cao dành cho họ làm giảm tỷ lệ vốn thực sự được đầu tư vào các cộng đồng và vùng lãnh thổ ”, Tuntiak Katan Jua, phó điều phối tổ chức COICA kiêm điều phối viên về các tổ chức bản địa của lưu vực sông Amazon chia sẻ.
Để hạn chế tình trạng trì trệ và phân tán trong việc phân bổ chi phí, Jua cho biết COICA đã và đang thực hiện một loạt các khuyến nghị nhằm cho phép tất cả các cơ chế tài chính từ các nhà hảo tâm và nhà tài trợ tiếp cận lãnh thổ của IPLC thông qua việc dõi theo các cam kết và giám sát xem liệu nguồn tài trợ có thực sự đến được cấp cộng đồng như đã hứa hay không.
Huyền Trang (Theo Mongabay)