BVR&MT – Đà Nẵng hiện nay thiếu 1 quy hoạch tổng thể về bảo tồn đa dạng sinh học.
Sáng 15/7, tại thành phố Đà Nẵng, hơn 150 nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã tham gia Hội thảo “Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên Bán đảo Sơn Trà”. Hội thảo do Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Viện Sinh thái học miền Nam và Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức.
Hội thảo tập trung thảo luận về hướng bảo tồn và phát triển khu vực bán đảo Sơn Trà như thế nào?. Nhiều ý kiến cho rằng, sự suy thoái đa dạng sinh học ở Bán đảo Sơn Trà đang là vấn đề đáng lo ngại. Nguyên nhân trực tiếp do sự phát triển nóng cơ sở hạ tầng, đường giao thông, các công trình lấn biển, khu du lịch… làm phá vỡ hoặc thay đổi sinh cảnh tự nhiên… Loài Voọc Chà vá chân nâu, được xem là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng, loài động vật quý hiếm trên thế giới đang bị tác động mạnh.
Hội thảo là dịp để các cơ quan chức năng, các tổ chức, nhà bảo tồn cùng nhau phân tích các vấn đề về bảo tồn và phát triển trên bán đảo Sơn Trà. Qua đó cung cấp thêm thông tin và cơ sở khoa học cho việc xác định những giới hạn của tính chịu đựng môi trường và phương thức cho sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển ở Bán đảo Sơn Trà.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, Viện Sinh thái học miền Nam cho biết: “Chúng ta phải biết rằng, rừng Sơn Trà có gì quý không, đáng giá không rồi mới quy hoạch. Ở Đà Nẵng hiện nay thiếu 1 quy hoạch tổng thể về bảo tồn đa dạng sinh học của Đà Nẵng, mà việc này theo Thông tư 45 của Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố phải lập quy hoạch đa dạng sinh học. Lập quy hoạch đa dạng sinh học rồi mới tính đến quy hoạch sử dụng đất, vấn đề phát triển rừng, thay đổi rừng đặc dụng… Tất cả những cái khác cũng theo quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.