15 loài mới được phát hiện trong năm 2021

BVR&MT – Với việc gửi các tàu thăm dò đến sao hỏa và mặt trời, con người có thể nghĩ rằng nhân loại đã khám phá ra toàn bộ hành tinh. Nhưng các nhà khoa học nói rằng chúng ta mới chỉ bắt đầu tìm thấy và mô tả sự giàu có trên trái đất. Theo một số ước tính, hiện mới chỉ 20% loài được mô tả, thậm chí đây là con số ước tính lý tưởng. Các nhà nghiên cứu vẫn âm thầm đóng góp chung vào tỷ lệ nhỏ bé này và trong năm qua, có khoảng 15 loài mới đã được ghi nhận. Một số loài có thể mới đối với khoa học nhưng không có nghĩa chúng chưa được con người tìm thấy hoặc đặt tên.

1. Dơi màu cam từ núi Tây Phi

Một nhóm các nhà nghiên cứu đã tìm thấy loài dơi màu cam nhạt trong các hang động và đường hầm khai thác của dãy núi Nimba ở Guinea, Tây Phi. Chúng được đặt tên là Myotis nimbaensis nhằm vinh danh những ngọn núi quê hương cao hơn 1.600 – 1.750 m so với mực nước biển vốn được ca ngợi là “đảo trời châu Phi”. Loài dơi mới đang trong tình trạng cực kỳ nguy cấp, do đó Tổ chức bảo tồn dơi quốc tế và công ty khai thác địa phương Société des Mines de Fer de Guinée đang phối hợp gia cố các đường hầm và hang động để chúng có một ngôi nhà an toàn trong núi.

Myotis nimbaensis là tên loài dơi mới được đặt theo dãy núi mà chúng được tìm thấy, dãy núi Nimba ở Tây Phi. Ảnh © Kendra Snyder / Bat Conservation International.

2. Hai loài cú rít cực kỳ nguy cấp

Trước khi được phát hiện, hai loài cú mới được xếp cùng nhóm với hai loài Nam Mỹ khác nhưng khi lắng nghe tiếng gọi, kiểm tra ADN và ngoại hình, các nhà khoa học xác định loài có đủ sự khác biệt để phân thành hai loài mới. Cả hai hiện sống trong rừng nhiệt đới Amazon và Đại Tây Dương thuộc Brazil, chúng là những con cú nhỏ dễ thương, dài từ 13 – 15cm với những chùm lông trên đầu. Mặc dù là loài mới đối với khoa học nhưng cú rít Xingu (Megascops stangiae) và cú rít Alagoas (Megascops alagoensis) đều đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cực kỳ cao và có thể sẽ được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp. Trong đó, cú rít Alagoas chỉ được tìm thấy trong 5 mảnh rừng biệt lập ở rừng Đại Tây Dương với ít hơn 10% diện tích rừng Đại Tây Dương còn lại và hiện chỉ khoảng 1% diện tích rừng còn lại này được bảo vệ – dù nơi đây sở hữu một trong những mức độ phong phú loài cao nhất trên thế giới.

Cú rít Xingu. Ảnh: Kleiton Silva.
Cú rít Alagoas từ rừng Đại Tây Dương đang ở mức cực kỳ nguy cấp. Ảnh: Gustavo Malacco.

3. Loài phong lan mới được đặt tên bằng ngôn ngữ bản địa

Một loài lan mới có hoa màu trắng và thân cao đã được tìm thấy ở Cao nguyên Guiana thuộc Venezuela. Loài sống trong một khu vực có diện tích nhỏ hơn 20.000 km2 và đáp ứng các tiêu chí dễ bị tuyệt chủng theo Sách đỏ IUCN. Các thành viên của cộng đồng bản địa Pemón Arekuna ở Paruima đã đặt tên loài bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, Epidendrum katarun-yariku – cái tên được nhà nghiên cứu mô tả loài rất ủng hộ bởi đề cập đến ngôn ngữ bản địa. Trong ngôn ngữ Pemón Arekuna, “katarun” có nghĩa là cao và “yariku” có nghĩa là hoa tức loài hoa chỉ được tìm thấy trên các đỉnh núi và cao nguyên Guiana.

Mỗi bông hoa Epidendrum katarun-yariku có chiều ngang khoảng 5 mm. Ảnh: Mateusz Wrazidlo.

4. 12 loài tắc kè mới từ Ghat Tây

Các nhà nghiên cứu đã mô tả 12 loài tắc kè mới từ vùng núi Ghat Tây của Ấn Độ với 10 loài trong số này không được tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác. Đặc biệt, có một loài tắc kè nhanh nhẹn tới mức “gần như không thể bắt được chúng”, được đặt theo tên nam diễn viên Thành Long. Các loài mới được tìm thấy trong suốt 4 năm lấy mẫu ở Ghat Tây, một dãy núi chạy song song với bờ biển phía Tây của bán đảo Ấn Độ. Hầu hết tắc kè mới được tìm thấy trong hang động hoặc trên nền rừng, chúng khá nhỏ, chiều dài chỉ từ 3 – 4 cm.

12 loài tắc kè mới gồm. A: Cnemaspis balerion; B: Cnemaspis lithophilis; C: Cnemaspis rubraoculus; D: Cnemaspis nimbus; E: Cnemaspis wallaceii; F: Cnemaspis smaug; G: Cnemaspis regalis; H: Thiên hà Cnemaspis; I: Cnemaspis nigriventris; J: Cnemaspis flavigularis; K: Cnemaspis palanica; L: Cnemaspis jackieii. Ảnh: Pal et al. (năm 2021)

5. Loài cá voi mới ẩn mình

Sử dụng dữ liệu di truyền và xác của một cá thể cá voi bị mắc cạn, các nhà nghiên cứu xác định bầy cá voi ở vịnh Mexico tuy trông giống cá voi Bryde nhưng thực sự là một loài mới, được đặt tên là cá voi Rice (B alaenoptera ricei). Các nhà khoa học ước tính chỉ có 33 – 100 cá thể còn tồn tại và đang bị đe dọa bởi giao thông tàu biển, rác thải nhựa cùng hoạt động thăm dò dầu khí ở vùng vịnh. Loài được liệt kê là cực kỳ nguy cấp theo Đạo luật về các loài nguy cấp của Hoa Kỳ.

Cá voi Rice bơi ở Vịnh Mexico. Ảnh: NOAA

6. Loài rắn độc được đặt theo tên vị nữ thần

Được tìm thấy trong ruộng lúa và suối thuộc các khu rừng gió mùa ở Tây Nam Trung Quốc và Bắc Myanmar, các nhà khoa học Trung Quốc đã kiểm tra đặc điểm cùng ADN của một cá thể rắn và xác định Suzhen’s krait (Bungarus suzhenae) là một loài mới. Chúng được đặt theo tên nữ thần rắn Bai Su Zhen trong truyền thuyết của Trung Quốc nhằm tôn vinh lòng dũng cảm của nữ thần. Suzhen’s krait là một trong những loài rắn nguy hiểm nhất và có ý nghĩa về mặt y học nhất ở châu Á.

Rắn Bungarus suzhenae trưởng thành. Ảnh: Chen et al 2021.

7. Loài kiến mới “phá vỡ” quy ước giới tính nhị phân

Truyền thống khoa học thường đặt tên loài mới theo quy ước kết thúc tên loài bằng chữ “i” đối với cá thể đực hoặc “ae” đối với cá thể cái. Tuy nhiên, các nhà khoa học mô tả một loài kiến ​​mới từ vùng Chocó của Ecuador đã vi phạm quy ước này. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng đại từ “they” trong tên gọi để ghi nhận sự bao gồm giới tính phi nhị phân. Loài kiến ​​mới,  Strumigenys ayersthey, được đặt theo tên nhà hoạt động nhân quyền và nghệ sĩ quá cố Jeremy Ayers. Strumigenys có bộ hàm vô cùng linh hoạt với tốc độ chuyển động vô cùng nhanh.

Strumigenys ayersthey là loài duy nhất trên thế giới có tên khoa học với hậu tố “they”. Ảnh: Philipp Hönle.

8. Chồn hôi đốm chấm bi

Các nhà nghiên cứu đã phân tích ADN của một nhóm chồn hôi Bắc Mỹ có chấm bi (họ hàng của loài chồn hôi sọc vốn được biết đến nhiều hơn) và phát hiện ra rằng thay vì bốn loài chồn hôi đã được công nhận trước đây, thực tế có tới bảy loài. Chồn hôi đốm đôi khi được gọi là “nghệ sĩ nhào lộn của thế giới chồn hôi” do khả năng trồng cây chuối ấn tượng của chúng khiến những kẻ săn mồi bị cảnh báo rằng một bình xịt độc đang ập đến. Mặc dù các loài động vật có vú ở Bắc Mỹ nằm trong số những loài động vật được nghiên cứu nhiều nhất trên thế giới, các nhà khoa học vẫn đang tìm ra những loài mới và tìm hiểu những điều về hệ sinh thái cơ bản của chúng.

Chồn hôi đốm biểu diễn động tác trồng cây chuối đặc trưng của mình. Ảnh: Jerry W. Dragoo courtesy of the Field Museum

9. Tắc kè hoa từ Madagascar có thể là loài bò sát nhỏ nhất thế giới

Sở hữu kích thước chỉ bằng một viên aspirin, tắc kè hoa Brookesia nana mới được mô tả từ Madagascar được cho là loài bò sát nhỏ nhất trên trái đất. Madagascar mặc dù khá lớn nhưng có một số lượng đáng ngạc nhiên các loài động vật thu nhỏ, nhiều loài trong số chúng không tìm thấy ở nơi nào khác trên hành tinh.

Madagascar có hơn 100 loài tắc kè hoa và 30 loài thuộc chi Brookesia. Nhiều loài tắc kè hoa bao gồm B. nana chỉ được tìm thấy trong những khoảnh rừng nhỏ đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nạn phá rừng và suy thoái.

Cá thể Brookesia nana. Ảnh: Frank Glaw

10. Ba loài lan mới cực kỳ nguy cấp

Hơn 400 loài thực vật đã được ghi nhận trong một cuộc nghiên cứu về loài cây chim ruồi ở trên cao trong các khu rừng mây thường xanh thuộc dãy Andes (Ecuador) bao gồm ba loài phong lan mới được khoa học mô tả. Cả ba loài đều thuộc chi Lepanthes, một nhóm cực kỳ đa dạng với ước tính có khoảng 1.100 loài. Riêng với loài Lepanthes microprosartima, trong ba năm khảo sát, các nhà nghiên cứu chỉ tìm thấy 40 cây, vì vậy chúng được đánh giá sơ bộ là cực kỳ nguy cấp theo tiêu chí Sách đỏ IUCN.

Lan Lepanthes microprosartima có kích thước 13 cm. Ảnh: Diego Francisco Tobar Suàrez.

11. Loài tắc kè hoa sở hữu vảy gai lớn dọc lưng và đuôi

Loài được đặt tên là Trioceros woflgangboehmei nhằm tôn vinh công trình khoa học của Wolfgang Böhme, nhà nghiên cứu thuộc Bảo tàng Nghiên cứu Động vật học Alexander Koenig, Đức. Trioceros woflgangboehmei được tìm thấy sống trong các bụi rậm và cây nhỏ ở dãy núi Bale, miền trung nam Ethiopia, có chiều dài khoảng 15 cm và có ngoại hình đặc trưng với các vảy gai lớn dọc theo lưng và đuôi. Các nhà nghiên cứu gợi ý rằng tắc kè hoa Ethiopia được coi là một tổ hợp loài, một nhóm với số lượng loài không xác định thay vì một loài duy nhất, và họ mong đợi nhiều loài hơn được mô tả trong nhóm này.

Nhiều loài động vật đặc hữu của Ethiopia được tìm thấy ở dãy núi Bale bao gồm cả sói Ethiopia (Canis simensis), báo hoa mai, báo đốm và nhiều loài bò sát khác. Các nhà nghiên cứu cho biết điểm nóng đa dạng sinh học này có thể chứa nhiều loài chưa được khám phá.

Loài tắc kè hoa mới Trioceros wolfgangboehmei từ Dinsho, Ethiopia. Ảnh: Petr Nečas from Koppetsch et al 2021. CC-BY 4.0.

12. Loài thực vật đặc hữu của Sri Lanka 

Năm 2015, nhà thực vật học Nilanthi Rajapakse đã vượt mọi địa hình dốc và trơn trượt của rừng nhiệt đới Peak Wilderness thuộc vùng cao nguyên miền trung Sri Lanka và tìm thấy một loài thực vật lạ thuộc chi Strobilanthes. Được biết đến với cái tên “người đẹp ngủ trong rừng”, nhiều loài cây thuộc chi này 12 năm mới ra hoa một lần. Vì vậy, hết năm này qua năm khác, nhà nghiên cứu đều quay trở lại rừng núi chênh vênh để chờ cây ra hoa. Sau 5 năm, những nỗ lực và sự kiên nhẫn của Nilanthi Rajapakse cuối cùng cũng được đền đáp: những bông hoa đặc biệt của người đẹp ngủ trong rừng Strobilanthes  này đã nở rộ một loài mới, Strobilanthes medahinnensis. Sri Lanka có tất cả 33 loài Strobilanthes được biết đến và 27 trong số này không được tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác trên trái đất.

Strobilanthes medahinnensis được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 9/2015 trong khu rừng nhiệt đới Peak Wilderness. Ảnh: Nilanthi Rajapakse

13. Loài ếch cây mới từ Indonesia

Trong một khu rừng đất thấp trên bờ biển phía Tây Nam của Java, hòn đảo đông dân nhất Indonesia, một nhóm sinh viên tham gia chương trình khoa học công dân của Hiệp hội Herpetological Indonesia đã tìm thấy 5 con ếch đang đậu bên một cái ao. Hóa ra chúng là một loài mới đối với khoa học, một loài ếch cây rất nhỏ, chỉ khoảng 2,5 cm, có thể xuất hiện màu vàng nhạt hoặc nâu nhạt tùy thuộc vào ánh sáng. Âm thanh “tik-tik-tik-tik-tik-tik” của ếch rất khác biệt so với bất kỳ loài nào khác đã biết. Chirixalus pantaiselatan có khả năng bị đe dọa cực kỳ nghiêm trọng. Trong khi có hơn 400 loài ếch được biết đến ở Indonesia, chỉ duy nhất một loài nằm trong danh sách các loài được bảo vệ của đất nước. Các nhà nghiên cứu cho rằng cần tiến hành các nghiên cứu sâu các đặc điểm sinh sản, sự phân bố và quy mô quần thể nhằm xác định tình trạng bảo tồn quốc gia đối với loài ếch mới và các loài ếch nói chung.

Chirixalus pantaiselatan là loài ếch cây mới được các nhà khoa học đặt theo tên bờ biển phía Nam đảo Java thuộc Indonesai, trong đó “pantai” có nghĩa là bờ biển và “selatan” có nghĩa là phía Nam. Ảnh: Misbahul Munir.

14. Cây thuốc lá dại có khả năng bắt côn trùng

Các nhà nghiên cứu đã chú ý đến một cây thuốc lá dại không quen thuộc dọc theo đường cao tốc Tây Úc. Loài thuốc lá chưa từng được khoa học biết đến được đặt tên là Nicotiana insecticida vì khả năng bẫy côn trùng nhỏ do sở hữu những sợi lông dính. Nicotiana insecticida dường như không phân hủy côn trùng để làm thức ăn nên nó không được coi là loài ăn thịt. Các nhà nghiên cứu tin rằng tuyến dính của cây thuốc lá chỉ đơn giản là bảo vệ chúng khỏi bị tấn công bởi các loài.

Nicotiana insecticida. Ảnh: Maarten Christenhusz.

15. Loài rắn mới được tìm thấy qua Instagram

Trong thời gian phong tỏa do đại dịch, Virendar Bhardwaj, học viên cao học tại Đại học Guru Nanak Dev, Ấn Độ đã chụp ảnh những con vật xung quanh nhà ở gần chân núi dãy Himalaya và đăng lên Instagram. Một bức ảnh rắn đã lọt vào mắt xanh của chuyên gia nghiên cứu bò sát Zeeshan A. Mirza thuộc Trung tâm khoa học sinh học quốc gia Bengaluru, miền Nam Ấn Độ. Sau khi điều tra kỹ, nhà nghiên cứu xác định đây là một loài chưa được mô tả thuộc chi rắn Khiếm (Oligodon sp.). Dãy Himalaya phía Tây hiện ít được khám phá hơn so với nhiều khu vực khác nên các nhà nghiên cứu cho rằng có nhiều loài hơn được tìm thấy. Thậm chí, việc khám phá ngay góc sân sau của nhà mình cũng có thể giúp tìm ra những loài mới chưa từng được ghi nhận.

Virendar Bhardwaj đã đăng tải bức ảnh chụp một con rắn ở sân sau nhà mình và không ngờ rằng nó là một loài mới chưa từng được mô tả. Ảnh chụp màn hình từ Instagram của Virendar Bhardwaj.

Ý Nhi (Theo Mongabay)

Tags:
CHIA SẺ