14 loại hình thiên tai nguy hiểm xảy ra trong 9 tháng...

14 loại hình thiên tai nguy hiểm xảy ra trong 9 tháng đầu năm 2018

BVR&MT – Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường chiều 28/9, cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 14 loại hình thiên tai nguy hiểm, trong đó có 6 cơn bão, 5 áp thấp nhiệt đới, 212 trận dông, lốc sét, 12 trận lũ quét, sạt lở đất.

Sạt lở đất ở Thanh Hóa. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Trong số các loại hình thiên tai trên, lũ ống, lũ quét và sạt lở đất gây thiệt hại lớn nhất và ngày càng nghiêm trọng, đe doạ đến tính mạng, tài sản, sinh kế của nhân dân, nhất là ở các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Báo cáo nghiên cứu, thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho thấy, những năm gần đây, thiên tai có chiều hướng gia tăng về số lượng, tần suất, ngày càng cực đoan, diễn biến khó lường và tính tàn phá cũng ngày càng khốc liệt hơn.

Chỉ tính riêng trong năm 2017 đã có 16 cơn bão lớn nhỏ và 4 áp thấp nhiệt đới, trong đó 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp Việt Nam. Ngoài ra, trên cả nước cũng đã xảy ra hàng trăm trận dông, lốc sét, lũ quét và sạt lở đất, gây thiệt hại nặng nề.

Trước những thách thức nêu trên, chiều 28/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức Hội nghị chuyên đề “Giải pháp hạn chế thiệt hại bởi thiên tai lũ ống, lũ quét và nâng cao năng lực phòng chống thiên tai để nông dân các tỉnh miền núi phía Bắc định canh, định cư bền vững.”

Tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các diễn giả tập trung thảo luận tập trung đề xuất các giải pháp đồng bộ từ dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thiên tai, đến xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai, bản đồ cảnh báo thiên tai bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất, hạn hán và đề xuất giải pháp chủ động ứng phó…

Từ đầu năm 2018 đến nay, xuất hiện 6 cơn bão, 5 áp thấp nhiệt đới. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đề cập đến cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức; nguồn lực để ứng phó, giải quyết với các nguy thiên tai được cơ quan dự báo cảnh báo để đảm bảo sự kịp thời, hiệu quả để đảm bảo an toàn tính mạng của người dân, giảm thiểu các thiệt hại về cơ sở vật chất.

Đặc biệt là, tăng cường công tác truyền thông, tập huấn kỹ năng để nâng cao nhận thức, năng lực, kỹ năng chủ động phòng chống thiên tai cho cộng đồng, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, cây trồng, vật nuôi của nông dân.

“Trên cơ sở kết quả Hội thảo ngày hôm nay, Bộ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo nhất là cảnh báo thiên tai; đề xuất với với Thủ tướng Chính phủ các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế chính sách nhằm chủ động thích ứng với các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày một gia tăng do biến đổi khí hậu nhất là tình hình lũ ống, lũ quét,” Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Trong khuôn khổ Hội nghị, các diễn giả cũng tập trung thảo luận về các nội dung như thực trạng thiên tại tại các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc năm 2017-2018 và công tác cảnh báo thiên tai, phòng ngừa và giảm nhẹ thiệt hại trong thời gian tới; nghiên cứu, dự báo, phân vùng nguy cơ sạt lở, tai biến địa chất trong phòng chống thiên tai sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét tại các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc; Quy hoạch kế hoạch bố trí quỹ đất phục vụ công tác định canh, định cư cho đồng bào có vùng nguy cơ sạt lở, sụt lún tại các tỉnh miền núi phía Bắc và cơ chế thực hiện./.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)