10 câu chuyện đại dương 2021

BVR&MT – Các nhà khoa học hàng hải từ Đại học California, Santa Barbara đã chia sẻ 10 câu chuyện nổi bật về đại dương trong năm 2021 với những tín hiệu đầy hy vọng từ những khoản đầu tư lớn cho bảo tồn đại dương, các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm nhựa biển và mô tả về hai loài cá voi mới là cá voi Rice (Balaenoptera ricei) và cá voi có mỏ Ramari (Mesoplodon eueu). Tuy nhiên, 2021 cũng là năm tiếp tục ghi nhận nhiệt độ đại dương tăng dưới tác động của biến đổi khí hậu, đòi hỏi thế giới cần hành động khẩn trương nhằm duy trì khả năng phục hồi của đại dương trước nhiều mối đe dọa.

1. Mối quan hệ giữa đại dương và khí hậu

Sự hiện diện của đại dương được cảm nhận mạnh mẽ hơn bao giờ hết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu năm nay (COP 26), được tổ chức từ ngày 31/10 – 12/11 tại Glasgow, Scotland, thậm chí, COP đã dành riêng một ngày là “ngày đại dương”. Tín hiệu vui là nhiều quốc gia đã cam kết bảo tồn, phục hồi và quản lý bền vững các hệ sinh thái biển ven bờ có lưu trữ “carbon xanh”, chẳng hạn như môi trường sống rừng ngập mặn, đồng cỏ biển và rạn san hô, như một phần trong những Đóng góp do quốc gia quyết định (NDC). Bên cạnh đó, một liên minh những người ủng hộ đại dương và các nguyên thủ quốc gia (được gọi là Blue Leaders – Nhà lãnh đạo xanh), cũng kêu gọi hành động ngay lập tức để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu đối với đại dương. Có thể nói năm 2021 đánh dấu sự khởi đầu Thập kỷ Khoa học Đại dương của Liên hợp quốc nên sự tập trung gia tăng vào đại dương tại COP26 là đúng lúc.

Bộ trưởng ngoại giao của Tuvalu, Simon Kofe, phát biểu tại COP 26. (Ảnh: Bộ Tư pháp, Truyền thông và Ngoại giao Tuvalu)

2. Đầu tư lớn cho bảo tồn

2021 cũng là một năm mà các nhà tài trợ lớn đóng góp nhiều hơn cho các đại dương và hành tinh. Jeff Bezos cam kết tài trợ 1 tỷ đô la cho việc bảo tồn đại dương và đất liền trong thập kỷ tới như một phần của Quỹ Trái đất Bezos. Một số chương trình trong quỹ bao gồm các dự án hấp thụ carbon đại dương, chẳng hạn như phục hồi rừng ngập mặn và nuôi trồng rong biển. Bên cạnh đó, dựa trên những cam kết trước đây về chống biến đổi khí hậu, giám đốc điều hành Salesforce Marc Benioff cũng công bố gói tài trợ 300 triệu đô la để thúc đẩy khôi phục hệ sinh thái và công bằng khí hậu, bao gồm các cơ hội bảo vệ vùng biển và ven biển. Giải thưởng Earthshot của Hoàng tử William được phát động trong năm nay cũng bao gồm một hạng mục dành riêng cho các nhà lãnh đạo đại dương sáng tạo. Đáng chú ý là nhiều dự án mà các quỹ này hỗ trợ có khả năng tiếp cận toàn cầu với sự tham gia của nhà lãnh đạo địa phương – điều không thể thiếu của tất cả các chương trình bảo tồn.

3. Các tồn đọng trong vận chuyển hàng hải và phát thải

Ngành vận tải biển vốn kết nối và hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu đang gặp phải những gián đoạn lớn do các hạn chế nghiêm ngặt của COVID-19 trước nhu cầu hàng hóa gia tăng và tình trạng thiếu lao động trong chuỗi cung ứng. Việc các tàu chờ cập bến và tình trạng tắc nghẽn vận chuyển có khả năng sẽ kéo dài đến năm 2023 – điều này không chỉ khiến giá hàng hóa bị đẩy cao hơn mà còn làm gia tăng ô nhiễm khi các tàu chạy không tải, chờ cập cảng, ảnh hưởng không nhỏ đến các cộng đồng sống gần cảng, chưa kể một số sự cố như tràn dầu đã từng xảy ra.

Về vấn đề phát thải, ngành công nghiệp vận tải biển đốt cháy khoảng 300 triệu tấn nhiên liệu hóa thạch hàng năm, thải ra 1 tỷ tấn carbon dioxide, tương đương với lượng khí thải carbon dioxide hàng năm của Nhật Bản. Tháng 6, Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đã đặt ra các yêu cầu mới về tiết kiệm nhiên liệu cho tàu với mục tiêu giảm 40% cường độ carbon vào năm 2030. Tuy nhiên, ngành công nghiệp sẽ phải loại bỏ tất cả lượng khí thải carbon vào năm 2050 để đáp ứng mục tiêu Thỏa thuận Paris. Mỹ và EU đang có những bước tiến lớn trong việc hạn chế lượng khí thải carbon từ vận chuyển. Theo đó, từ năm 2026, công ty du lịch đến và đi từ các cảng của EU sẽ phải trả tiền cho lượng khí phát thải thông qua một hệ thống thương mại và Hoa Kỳ đã đặt mục tiêu cho ngành vận tải biển không phát thải vào năm 2050.

Cây ngập mặn và các hệ sinh tháicarbon xanh khác đã chứng kiến nguồn tài trợ bảo tồn tăng lên trong năm nay. Ảnh: Sourov Saha via Wikimedia Commons (CC BY-SA 4.0).

4. Mô tả loài cá voi mới 

Những khám phá về loài mới, đặc biệt là đối với những loài động vật lớn như cá voi rất hiếm. Vào những năm 1990, các nhà khoa học tin rằng quần thể cá voi nhỏ, cư trú ở vùng đông bắc vịnh Mexico là cá voi Bryde (Balaenoptera brydei) được tìm thấy trên toàn cầu ở các vùng nước ấm. Đầu tiên, họ nghi ngờ quần thể là duy nhất sau khi so sánh dữ liệu di truyền năm 2008 với các mẫu thu thập được từ quần thể vùng vịnh và cá voi Bryde. Ngoài sự khác biệt về gen, một vụ mắc cạn ở Florida năm 2019 cho phép các nhà khoa học thu thập dữ liệu hình thái học về một cá thể ở vùng vịnh cho thấy sự khác biệt đáng kể giữa các hộp sọ. Dữ liệu di truyền và hình thái học giúp xác định quần thể này là một loài mới mà các nhà khoa học đặt tên là cá voi Rice (B. ricei), theo tên nhà sinh vật học Dale Rice. Với ít hơn 100 cá thể, loài cá voi mới được bảo vệ theo Đạo luật về các loài nguy cấp của Hoa Kỳ .

Một loài cá voi khác được mô tả vào năm 2021, được đặt tên là cá voi có mỏ Ramari (Mesoplodon eueu). Năm 2011, khi một cá thể loài này được tìm thấy trên bãi biển ở New Zealand, người ta cho rằng nó là cá voi có mỏ True (M. mirus) nhưng không phải. Bằng cách so sánh di truyền và hình dạng hộp sọ, các nhà khoa học xác định cá voi có mỏ True ở Bắc bán cầu là một loài khác với loài cá voi có mỏ Ramari mới được mô tả ở Nam bán cầu. Cá voi có mỏ hiếm khi xuất hiện và ít bộ xương được tìm thấy nên việc nghiên cứu chúng trở nên khó khăn, chưa kể loài cá này kiếm ăn ở độ sâu hơn 900 m và dành thời gian đáng kể ở độ sâu gần 2.000 m. Những khám phá năm nay tái khẳng định chúng ta vẫn còn phải tìm hiểu nhiều về các đại dương trên thế giới.

5. Tiến bộ về chất dẻo

Khi mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa ngày càng rõ ràng, năm 2021 mang lại một số hy vọng thông qua những tiến bộ về công nghệ và chính sách. Tái chế hóa để biến nhựa thành nhiên liệu hoặc giúp tái sinh nhựa mới đang được chú ý dù các rào cản về chi phí vẫn là thách thức. Phương pháp này sẽ đại diện cho một tiến bộ đáng kể so với quy trình tái chế cơ học đang phổ biến hiện nay bởi tái chế cơ học thường chỉ phù hợp đối với một số loại nhựa như PET và có xu hướng làm giảm chất lượng vật liệu. Không ít sáng kiến đang hướng tới việc áp dụng công nghệ thu giữ nhựa nhằm ngăn ô nhiễm nhựa tràn ra đại dương, đồng thời phát triển các cách thức sáng tạo để tái chế và tái sử dụng các loại rác thải nhựa đó, đặc biệt là các loại nhựa truyền thống có giá trị thấp. Tuy nhiên, vì thế giới không thể tái chế hoặc làm sạch rác thải nhựa theo cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa nên các phương pháp tiếp cận chính sách nhằm giảm phát sinh chất thải nhựa ngày càng được chú ý. Hỗ trợ cho một hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa tiếp tục được xây dựng trong năm nay: Mỹ, nhà sản xuất rác thải nhựa lớn nhất thế giới tuyên bố sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA) vào tháng 2/2022 về việc bảo vệ đại dương khỏi tác hại của ô nhiễm nhựa.

6. Lo ngại từ hoạt động khai thác đáy biển sâu

Tháng 6, đảo quốc Nauru ở Thái Bình Dương đưa thế giới tiến gần hơn một bước tới thời điểm bắt đầu khai thác dưới đáy biển sâu bằng cách đề xuất Cơ quan đáy biển quốc tế hoàn thành các quy định về khai thác đại dương vào tháng 7/2023. Tuy nhiên, một nhóm toàn cầu gồm hơn 600 nhà khoa học hàng đầu về biển và các chuyên gia chính sách đã ra tuyên bố kêu gọi tạm dừng khai thác đáy biển sâu với lý do hoạt động này có khả năng gây thiệt hại đáng kể cho môi trường biển. Các thành viên của IUCN cũng đã bỏ phiếu cho lệnh cấm khai thác dưới biển sâu tại Hội nghị bảo tồn toàn cầu vào tháng 9/2021, bổ sung thêm lời kêu gọi từ nhiều tổ chức phi chính phủ và các quốc đảo ở Thái Bình Dương như Fiji và Vanuatu. Một số doanh nghiệp bao gồm các nhà sản xuất xe điện lớn, những người tiêu thụ chính các khoáng sản từ khai thác ở biển sâu, cũng đã ủng hộ lệnh tạm hoãn.

7. Động lực chấm dứt trợ cấp thủy sản có hại

Trong một cuộc họp với 104 bộ trưởng và trưởng phái đoàn hồi tháng 7/2021, các thành viên WTO dự kiến đạt được một thỏa thuận chấm dứt trợ cấp thủy sản có hại sau hơn 20 năm đàm phán. Việc loại bỏ hơn 22 tỷ đô la trợ cấp mỗi năm cho các hoạt động khuyến khích đánh bắt quá mức được ghi nhận như một cam kết trong Mục tiêu Phát triển Bền vững cho đại dương SDG14. Tưởng chừng vấn đề này sẽ được giải quyết tại cuộc họp Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 (MC12) của WTO nhưng MC12 đã bị hoãn vì Covid và dự kiến cuộc họp ​​sẽ được tổ chức sớm vào năm 2022.

8. Nhiệt độ tăng tác động đến hệ sinh thái đại dương trên toàn cầu

Hành tinh nóng lên tiếp tục gây ra những tác động chưa từng có đối với hệ sinh thái đại dương. Sự gia tăng hiện tượng tảo biển nở hoa, có thể là do biến đổi khí hậu, đang góp phần làm giảm dân số của lợn biển ở Florida và các loài cá thương mại ở Biển Đỏ. Chim biển, một loài chỉ thị cho sức khỏe của đại dương đã chết hàng loat ở ngoài khơi bờ biển Anh và Scotland mà các chuyên gia ngờ rằng có liên quan đến việc giảm lượng con mồi khi nước ấm lên. Nghiên cứu gần đây cũng làm dấy lên lo ngại khi dự đoán sự suy yếu trong tương lai của các dòng chảy ở Đại Tây Dương có thể gây ra tác động sâu rộng, khiến mực nước biển dâng cao ở Bắc Mỹ và thời tiết mùa đông khắc nghiệt hơn trên Đại Tây Dương.

Tảo biển nở hoa ở biển Baltic ngày 20/7/2019. Ảnh: Cơ quan Vũ trụ Châu Âu via Flickr (CC BY-SA 2.0)

9. Trung Quốc kiểm tra nước dẫn đầu đại dương

Là quốc gia lớn nhất thế giới về dân số, nền kinh tế lớn thứ hai, đồng thời là nhà sản xuất và tiêu thụ thủy sản lớn nhất, Trung Quốc có trách nhiệm lớn và cơ hội lớn để trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu về đại dương. Năm 2021, Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng với nhiều dự án mọc lên khắp toàn cầu. Việc mở rộng phát triển cảng biển theo các sáng kiến ​​có nguy cơ đối với các môi trường sống ven biển quan trọng, chẳng hạn như thảm cỏ biển và rừng ngập mặn cùng hàng trăm loài sinh vật biển. Tuy nhiên, nếu được triển khai một cách cẩn trọng, những khoản đầu tư có thể mang đến cơ hội hợp tác quốc tế trong việc đảm bảo sự nhạy cảm về mặt sinh thái biển. Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc đã khởi xướng một số quan hệ đối tác xanh với các quốc gia dọc theo con đường tơ lụa trên biển, đồng thời thiết lập các khu bảo tồn biển trong vùng biển nội địa. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả các sáng kiến, Trung Quốc cần thận trọng trong việc bảo vệ các sinh cảnh biển hiện đang được bảo vệ kém và chia sẻ thông tin minh bạch hơn về hiệu quả hoạt động của các khu bảo tồn biển này, đồng thời cần khẳng định cam kết về giá trị của bảo vệ biển trong các hội nghị toàn cầu, nơi gần như vẫn thiếu vắng sự tham gia của Trung Quốc.

10. 30×30 có ý nghĩa gì đối với đại dương?

Năm ngoái, thế giới đã không đạt được mục tiêu toàn cầu là bảo tồn ít nhất 10% đại dương so với thực tế chỉ có 7,9% đại dương được bảo vệ. Tuy nhiên, đã có những tín hiệu tích cực cho thấy tiến trình có thể đang tiếp tục với những lời kêu gọi tăng lên trong năm nay để thế giới làm nhiều hơn cho đại dương và các cộng đồng phụ thuộc vào đại dương bằng cách bảo vệ 30% vùng biển toàn cầu vào năm 2030, 75 quốc gia đã ký tuyên bố ủng hộ mục tiêu “30×30” và Mỹ , Anh, Canada, EU đã thực hiện cam kết tương tự. Để thúc đẩy đà này vào năm 2022, cần lưu ý rằng tiến độ bảo vệ đại dương thường không đồng đều, đơn cử, hơn 90% các khu vực biển được bảo vệ hoàn toàn ở Mỹ nằm ở những vùng xa xôi của Thái Bình Dương. Chúng ta cần thúc đẩy để mang một làn sóng bảo tồn đại dương mới đến gần hơn các cộng đồng ven biển hơn để những lợi ích mà biển cung cấp bao gồm thực phẩm, của cải và việc làm có thể được chia sẻ dễ dàng hơn cho tất cả mọi người, nhất là cộng đồng bản địa.

Thảo Linh (Theo Mongabay)

Tags:
CHIA SẺ