​Đặc biệt quan tâm vấn đề khai thác, sử dụng nước, chống lũ…

BVR&MT- Sau loạt bài Mảng tối của những “công trình ánh sáng”, phản ánh về những bất cập trong việc quy hoạch, đầu tư và xây dựng thủy điện nhỏ ở một số tỉnh miền núi phía Bắc. Ngày 11/7/2017 nhóm phóng viên đã liên hệ làm việc với Bộ Công thương để biết thêm thông tin thủy điện trên địa bàn cả nước…

Bộ Công thương cho biết việc quy hoạch thủy điện nhỏ đang bộc lộ nhiều, hạn chế, bất cập trong kiểm soát chất lượng quy hoạch, chất lượng xây dựng và cần đặc biệt quan tâm tới vấn đề khai thác, sử dụng nước, chống lũ…

Bộc lộ nhiều bất cập trong kiểm soát chất lượng quy hoạch và xây dựng

Theo nguồn tin Bộ Công thương cho biết, trước năm 2013, công tác quy hoạch thủy điện nhỏ do UBND các tỉnh tổ chức lập, thẩm định và quyết định sau khi có ý kiến thỏa thuận của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, việc kiểm soát về chất lượng quy hoạch, chất lượng xây dựng công trình đối với thủy điện nhỏ còn nhiều hạn chế, bộc lộ nhiều bất cập, chủ trương quy hoạch giữa các tỉnh cũng có nhiều khác biệt… Vì vậy, để thống nhất chung quản lý nhà nước đối với quy hoạch thủy điện trên phạm vi toàn quốc, ngày 27/12/2012, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 43/2012/TT-BCT (Thông tư 43) về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện.

Chỉ riêng Sông Miện đoạn qua địa phận tỉnh Hà Giang đã có tới 6 công trình thủy điện lớn nhỏ được xây dựng.

Theo đó, công tác quy hoạch thủy điện nhỏ do UBND các tỉnh tổ chức lập, thẩm tra và trình Bộ Công Thương thẩm định và quyết định ban hành. Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, ngày 27/11/2013, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 62/QH13 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các công trình thủy điện. Ngày 18/02/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 62 của Quốc hội.

Ngày 10/3/2014, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2046/QĐ-BCT Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 62 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ. Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh có dự án thủy điện trên địa bàn và các Bộ, ngành liên quan để tổ chức lập quy hoạch thủy điện toàn quốc.

Công trình thủy điện Suối Mu, tỉnh Hòa Bình xây dựng hơn một năm mới được cấp phép.
Ngày 28/7, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã tổ chức hội nghị Phát triển thủy điện vừa và nhỏ, năng lượng tái tạo. Tại hội nghị, các chuyên gia cho rằng, nguồn thủy điện vừa và nhỏ sẽ góp phần bổ sung cho lượng điện thiếu hụt, song cần xem xét, tính toán các dự án có khả năng đầu tư, để trong quá trình khai thác đạt hiệu quả cao. Sau Hội nghị, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam sẽ nghiên cứu, tổng hợp các ý kiến tham luận để đề xuất với các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện để phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam nói chung và thủy điện vừa và nhỏ, năng lượng tái tạo nói riêng.

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với UBND các tỉnh có dự án thủy điện để rà soát, đánh giá quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng các dự án thủy điện theo tiêu chí đặt ra, Bộ Công Thương và UBND các tỉnh đã chủ động đề xuất và thống nhất để loại khỏi quy hoạch các dự án thủy điện nhỏ chưa có nhà đầu tư quan tâm, quy mô nhỏ, đấu nối khó khăn, diện tích chiếm đất lớn,… Mặt khác, trong quá trình thẩm định phê duyệt quy hoạch thủy điện nhỏ, việc đánh giá kỹ lưỡng các chỉ tiêu về kinh tế – kỹ thuật và các tiêu chí về môi trường – xã hội đối với các dự án thủy điện để kiên quyết loại bỏ hoặc điều chỉnh hợp lý đối với các dự án này.

Về Quy hoạch bậc thang thủy điện trên các hệ thống sông lớn Đối với quy hoạch bậc thang thủy điện (trên dòng chính của các sông lớn), Bộ Công Thương đã giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nghiên cứu, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền. Các quy hoạch này do các cơ quan tư vấn chuyên ngành có kinh nghiệm thuộc EVN nghiên cứu, trong đó, đã cập nhật hiện trạng và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội trên lưu vực (đặc biệt là vấn đề khai thác, sử dụng nước, chống lũ…); đã nghiên cứu kết hợp nhiệm vụ điều tiết lưu lượng về mùa kiệt và cắt giảm lũ cho hạ du; nghiên cứu kết hợp khai thác thủy điện tại một số công trình thủy lợi đã và đang nghiên cứu quy hoạch. Quá trình thẩm định phê duyệt quy hoạch đã được Bộ Công Thương tổ chức đúng quy trình, thủ tục, với sự tham gia thẩm tra của các cơ quan tư vấn và ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương liên quan.

38 tỉnh, thành quy hoạch 713 dự án thủy điện nhỏ

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất xây thêm 4 dự án thủy nhỏ ở huyện miền núi Nam Trà My gồm: Trà Linh 1, Tăk Lê, Nước Lah và Trà Leng; đề xuất loại ra khỏi quy hoạch 2 dự án: Thủy điện Nước Xa và thủy điện Ag Rồng. Tại kỳ họp thứ 5, khóa IX HĐND tỉnh ngày 18/7/2017, nhiều đại biểu cho rằng, việc đầu tư xây nhiều thủy điện sẽ ảnh hưởng lớn đến đất rừng, đất sản xuất của người dân, gia tăng tình trạng phá rừng, an toàn hồ, đập thủy điện, đảm bảo tính bền vững, phát sinh hệ lụy về môi trường…

Được biết, tổng số dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam sau khi bổ sung quy hoạch lần này là 34 dự án. Còn tại Hòa Bình, năm 2016 nhiều Dự án thủy điện nhỏ đã được Bộ Công thương đưa vào quy hoạch. Các tỉnh như Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng cũng có một số thủy điện nhỏ đang gấp rút thi công dù còn thiếu nhiều giấy giờ thủ tục và vướng giải phóng mặt bằng. Điều đó cho thấy, việc quy hoạch và phát triển thủy điện nhỏ vẫn đang được các tỉnh tích cực xin và xây dựng, bất chấp những cảnh báo về tác hại mà thủy điện nhỏ gây ra.

Thủy điện Sông Lô 2, tỉnh Hà Giang đã dừng thi công xây dựng khi một số hạng mục chưa có ĐTM.

Theo thông tin từ Bộ Công thương, tính đến hết tháng 6 năm 2017, công tác rà soát thủy điện nhỏ về cơ bản đã tương đối đầy đủ, chi tiết trên phạm vi cả nước, đảm bảo các yêu cầu Nghị quyết 62 của Quốc hội. Tổng thể quy hoạch thủy điện nhỏ trên địa bàn toàn quốc sau rà soát là 713 dự án với công suất lắp máy 7.217,64 MW. Trong đó: Đã đưa vào vận hành khai thác 264 Dự án với công suất lắp máy  2.658,96 MW; đang thi công xây dựng 146 Dự án với công suất lắp máy  1.833,5 MW; đang nghiên cứu đầu tư 250 Dự án với công suất lắp máy 2.459,7MW; chưa nghiên cứu đầu tư 53 Dự án với công suất lắp máy 265,48 MW.

Sau hơn 3 năm (2013-2016) thực hiện rà soát quy hoạch theo Nghị quyết 62 của Quốc hội đã loại khỏi quy hoạch 471 dự án thủy điện. Trong đó có 8 dự án thủy điện bậc thang với công suất lắp máy 655 MW và 463 dự án thủy điện nhỏ công suất lắp máy 1.404,68 MW là các dự án tác động tiêu cực đối với môi trường – xã hội, hiệu quả kinh tế thấp, ảnh hưởng quy hoạch dự án ưu tiên khác tại khu vực. Đồng thời, không xem xét bổ sung quy hoạch 213 vị trí tiềm năng thủy điện (công suất lắp máy 349,61 MW).

Thủy điện Sông Lô 4, một trong những bậc thang thủy điện trên dòng sông Lô qua địa phận tỉnh Hà Giang đang được gấp rút hoàn thiện.

Đến nay, quy hoạch các dự án thủy điện trên bậc thang các sông lớn các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt quy hoạch tổng số 110 Dự án thủy điện bậc thang có tổng công suất lắp máy 17.540 MW, trong đó: Đã đưa vào vận hành khai thác 68 Dự án với công suất lắp máy 15.064,4 MW; đang thi công xây dựng 25 Dự án với công suất lắp máy 1.643,5 MW; đang nghiên cứu đầu tư 14 Dự án với công suất lắp máy 704,5 MW; chưa nghiên cứu đầu tư 3 Dự án với công suất lắp máy 128 MW. Có 2 dự án: Đồng Nai 6A, Đồng Nai 6B với công suất lắp máy 241 MW đã loại ra khỏi quy hoạch do tác động tiêu cực đối với môi trường – xã hội của khu vực xây dựng công trình tại Quyết định số 7277/QĐ-BCT ngày 04/10/2013 của Bộ Công Thương.

Đối với các dự án còn lại sau khi đã loại khỏi quy hoạch, Bộ Công thương cho biết UBND các tỉnh vẫn sẽ tiếp tục xem xét thu hồi chủ trương đầu tư đối với các dự án có quy hoạch nhưng đã quá hạn theo hạn trong Giấy chứng nhận đầu tư được cấp mà Chủ đầu tư vẫn không triển khai thực hiện.

Đề nghị chi trả tiền bồi thường khi thu hồi đất làm thủy điện

Ngày 28/7/2017 UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành văn bản số 4567/UBND-CNXD về việc chi trả tiền bồi thường khi thu hồi đất Dự án thủy điện Đăkđrinh.

Theo đó, văn bản đề nghị Công ty Cổ phần thủy điện Đăkđrinh (đơn vị khai thác, vận hành dự án thủy điện Đăkđrinh từ năm 2014) có trách nhiệm khẩn trương báo cáo, đề nghị Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam xem xét, giải quyết dứt điểm, bố trí vốn để chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ bổ sung cho các hộ dân bị thu hồi đất phục vụ dự án thủy điện Đăkđrinh; không để kéo dài, gây bức xúc cho người dân, làm phức tạp tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.

Văn bản của UBND tỉnh Quảng Ngãi gửi Công ty Cổ phần thủy điện Đăkđrinh và UBND huyện Sơn Tây.

Văn bản của UBND tỉnh Quảng Ngãi gửi Công ty Cổ phần thủy điện Đăkđrinh và UBND huyện Sơn Tây.UBND huyện Sơn Tây có trách nhiệm chủ động, tích cực liên hệ làm việc với chủ đầu tư dự án thủy điện Đăkđrinh để đề nghị, bàn biện pháp khẩn trương bố trí nguồn kinh phí chi trả tiền bồi thường, tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất phục vụ dự án thủy điện Đăkđrinh.

Đến cuối tháng 8/2017, nếu chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện nội dung đề nghị của UBND tỉnh, UBND huyện Sơn Tây có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành có liên quan báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, có biện pháp chỉ đạo giải quyết dứt điểm theo đúng quy định của pháp luật.

Thủy điện Đăk Đrinh, được xây dựng trên địa bàn huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, có công suất 125 MW với 2 tổ máy, khởi công tháng 2/2008 hoàn thành 2014.

Văn Hoàng