Xóm đèn dầu dưới chân “Đại thủy điện”

BVR&MT – Ngày ngày, họ nhìn sang phía thủy điện Yaly, công trình thủy điện lớn nhất Tây Nguyên hiện tại mà ao ước một lần được nhìn thấy điện trong ngôi nhà của mình. Cái tên xóm đèn dầu đã chết tên với làng Bui mấy chục năm nay, dù họ ở cách công trình thủy điện lớn đó chỉ chừng hơn 10km.

Khi Phóng viên www.baovemoitruong.org.vn tôi vào làng, người làng ngơ ngác tưởng cán bộ. Họ tay bắt mặt mừng vì nghĩ cán bộ mang cái điện về cho hàng chục hộ dân ở làng Bui (xóm mới xã Ia Ka, huyện Chư Pah, Gia Lai), nhưng rồi niềm hân hoan giảm đi mất một nửa khi tôi lắc đầu. Nhưng với bản tính phóng khoáng và chân chất của cư dân đại ngàn bao đời, họ vẫn cởi mở mời rượu cần, mời thịt nướng, vẫn đốt lửa vui với người khách lạ vào làng.

Những ngôi nhà không có ánh điện ở làng Bui.

Làng Bui mới này là làng mới thành lập được vài năm, tách từ làng Bui cũ ở cách đó không xa. Họ đa phần là hộ nghèo, mỗi tháng được trợ cấp gần 150.000 đồng/khẩu. Tiền đó chỉ đủ để mua dầu thắp, còn lại vẫn nghèo. Người làng Bui vốn chịu khó, nhưng đường có, trạm có, chỉ thiếu mỗi cái điện mà thôi. Mấy năm rồi từ khi về làng mới, cái điện vẫn chưa chịu theo về, dù làng mới chỉ cách thủy điện Yaly đúng 15km, bằng vài tầm nghỉ mà thôi.

Không có điện, người làng dùng bếp củi, đốt đèn dầu. lũ trẻ mỗi tối học bài cũng chong đèn dầu lên. Người lớn chẳng có cái ti vi để xem tin tức, chẳng có cái gì để xem xã hội bên ngoài phát triển tới đâu để học hỏi nên cứ quanh quẩn ngày ngày lên nương lên rẫy, tối về làm vài ly rượu rồi chui vào tấm dồ ngủ cho tới sáng mai. Điện thoại di động có đấy, nhưng không có cái điện để sạc pin nên chẳng dám mở điện thoại nhiều, làm từ sáng tới tối, chạy sang làng cũ nhờ sạc cái pin cho đầy để có điện thoại liên lạc là chính chứ chẳng dám mở máy lên mạng, chẳng dám xem gì trên điện thoại.

Người dân làng Bui cần cù lao động nhưng họ vẫn ngóng điện về.

Tối, tiếng côn trùng rỉ rả xen lẫn tiếng bi bô học bài của lũ trẻ và tiếng vỗ muỗi đen đét, cùng tiếng rầm rì trò chuyện của những người đàn ông và những người đàn bà. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ chuyện con cái học hành, chuyện con trâu mảnh rẫy, và chuyện bao giờ có điện cho bằng cái làng bên.

Rơ châm Bích (42 tuổi), thủ thỉ khi ánh chiều nhập nhoạng buông xuống mép làng: “Người làng mong có điện lắm! Cho lũ trẻ học trong cái điện sáng đỡ hư con mắt, cho người làng xem cái ti vi, xem chủ trương của nhà nước, xem cách làm giàu của làng khác mà học tập mới mau khá được. Chứ như bây giờ mù tịt chẳng biết chi làm ăn hết!”. Nhà bên kia đang le lói bỗng ánh sáng tắt phụt. Tiếng trẻ con ré lên vì sợ hãi. Rồi vài phút sau họ sang nhà Bích xin ít dầu về thắp sáng. Hôm nay nhà bên ấy hết dầu mà không kịp đi mua, đang đốt đèn nửa chừng thì hết dầu nên đèn tắt, đứa con nhỏ sợ bóng đêm nên khóc.

Bích rót đầy cái chai dầu diezen cho hàng xóm từ cái can dầu 10 lit rồi quay lại giãi bày: “Người Kinh có câu tối lửa tắt đèn có nhau, giờ mình ở hoàn cảnh này mới thấy đúng. Người làng mình thương nhau lắm, có gì cũng san sẻ cả. Nhà có giúp nhà không, cùng nhau làm ăn đầm ấm thuận hòa là được!”.

Mang chuyện chờ điện của làng Bui bộc bạch với chính quyền, ông Phan Văn Thiện – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Ka (Chư Păh, Gia Lai) ngậm ngùi rằng, biết người làng Bui mới khốn khó lắm, muốn đưa điện về cho làng nhưng kinh phí của xã không dư dả. Trong khi đây thực chất là một khu dân cư được tách ra từ làng cũ chứ không hẳn là một làng. Làng Bui xóm mới này lai nằm xa trung tâm, dân số cũng mới được 22 hộ.

“Chưa được cấp điện nhưng vì đa số là hộ nghèo nên người dân ở làng Bui xóm mới vẫn thuộc diện được trợ cấp tiền điện theo quy định của nhà nước, mỗi hộ 147.000 đồng/quý. Chính quyền địa phương cũng đã kiến nghị lên tỉnh, cũng đã có kế hoạch tới cuối 2018 này sẽ kéo điện về từng hộ gia đình ở đây. Mong bà con thông cảm và chờ một thời gian ngắn nữa!”, vị Phó Chủ tịch xã hồ hởi khi nói đến điều đó.

Anh Bích và người làng chỉ chờ điện về làng.

Bích, hay vị Phó Chủ tịch xã cũng như hàng chục hộ dân ở đây đêm đêm vẫn ngóng về phía thủy điện, nơi ánh sáng bừng lên hằng đêm rực cả một góc trời cao nguyên mà mơ ước. Chẳng biết khao khát của Bích, của người dân Làng Bui này bao giờ mới thành hiện thực, nhưng thôi cứ hy vọng. Bích bảo, lần tới tôi về thăm làng, chắc chắn đã có điện, làng sẽ khác hơn bây giờ nhiều lắm, sẽ có tivi cho mỗi nhà, đường làng sẽ sáng trưng ánh điện mỗi đêm, lũ trẻ sẽ học và chơi trong ánh điện. Tôi nhìn Bích, thấy trong mắt anh hấp háy niềm hy vọng…

Tiêu Dao